'Chúng tôi thiếu cơ chế chứ không phải thiếu tiền'

Có tiền mà không chi được, không tiêu được, vì vướng cơ chế. Sân bay xuống cấp nhưng để cải tạo sân bay, chi ngân sách rất khó khăn. Chúng tôi thiếu cơ chế chứ không phải thiếu tiền.

Sân bay quá tải, máy bay nối đuôi nhau chờ cất cánh.

Sân bay quá tải, máy bay nối đuôi nhau chờ cất cánh.

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics nhấn mạnh điều này khi trao đổi tại Hội thảo thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổ chức diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sáng 22/11.

Theo ông Quang, hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông tắc nghẽn không những ở mặt đất mà cả trên trời. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này còn rất hạn chế.

Ông Quang dẫn chứng, trong các hạ tầng sân bay, sân bay Tân Sơn Nhất là trọng điểm nhưng đã quá tải cả về hành khách và vận tải hàng hóa. Hạ tầng vận chuyển hàng hóa cũng rất thiếu.

Dự kiến sân bay Long Thành được xây dựng nhưng nếu chúng ra có 1,2 triệu tấn hàng hóa lưu thông thì trong tương lai cũng sẽ quá tải, sân bay Nội Bài hiện tay có 900.000 tấn mà có 3 đường ray hàng hóa.

“Chuyên gia nói là thiếu tiền, nhưng quan điểm của ngành hàng không thì không thiếu tiền. Đất cũng vậy. Nhưng tiền không chi được, không tiêu được, vướng cơ chế nhiều. Sân bay xuống cấp nhưng để cải tạo sân bay, chi ngân sách rất khó khăn. Chúng tôi thiếu cơ chế chứ không phải thiếu tiền” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics nhấn mạnh.

Thứ hai, theo ông Quang là không phải không có đất. Xung quanh sân bay hiện nay rất nhiều đất quốc phòng. Nếu muốn đầu tư thì bao giờ cũng có một câu trong hợp đồng “đây là đất quốc phòng, Nhà nước có thể thu hồi bất kỳ lúc nào mà không đền bù”, như vậy không ai dám đầu tư. Nhiều đất quân đội chưa bàn giao cho dân sự được nên chúng tôi không làm được, nhiều lúc 3 năm, 5 năm chưa xong.

Việc tư nhân hóa sân bay cũng đã nêu cách đây 5, 7 năm. Nhưng cơ chế cho việc này còn chưa rõ. Trong khi đó, doanh nghiệp hàng không đang phát triển mạnh và nhu cầu rất lớn. Ví dụ chỉ riêng sân đỗ sân bay cũng chưa đủ, chưa tương xứng với sự phát triển của hàng không. Sự tắc nghẽn mặt đất và trên không gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế.

Theo ông Quang, về vị trí, Việt Nam có 2 sân bay tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là trung tâm chuyển tải của Đông Nam Á.

“Tôi cứ băn khoăn mãi tại sao Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn chưa thực sự khẳng định vai trò trung tâm chuyển tải của khu vực. Chúng ta lấy ví dụ Singapore, hiện người ta có đường bay từ số 1-6, phi trường cũng tốt nhất hiện nay. Còn chúng ta có sân bay Tân Sơn Nhất mãi chưa hoàn thiện” – ông Quang bày tỏ và khẳng định: “Xin nhắc lại là không thiếu tiền, không thiếu đất mà là thiếu cơ chế”.

Trao đổi về vấn đề này, người điều phối chương trình cho rằng: Theo tôi, không có hạn chế hay sự kìm hãm nào, Nhà nước luôn khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng các sân bay. Chúng ta đã có nhiều sân bay rất đẹp được đầu tư bởi tư nhân. Nhà nước luôn khuyến khích các nguồn lực, và khi nhà đầu tư tham gia đầu tư thì phải tính đến việc thu hổi vốn.

Liên quan đến câu chuyện về đất, người điều phối chương trình nhấn mạnh: Chúng ta không thể “nhòm” vào đất quốc phòng vì phát triển kinh tế vẫn phải bảo đảm mục tiêu về an ninh quốc phòng. Quốc phòng có những quy định cụ thể và đôi khi tư nhân chúng ta không biết được bố trí quốc phòng như thế nào, những khu vực phòng thủ ra sao. Không phải cứ có đất là có thể “nhảy” vào được. Chính phủ đã có quy hoạch. Và đây cũng là lý do tại sao phải khẩn trương, gấp rút xây dựng sân bay Long Thành, để giải quyết điểm tắc nghẽn trọng điểm trong giao thông của vùng./.

- Theo chinhphu.vn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chung-toi-thieu-co-che-chu-khong-phai-thieu-tien-d141324.html