Chúng tôi tha thiết mong Bộ sửa Thông tư 55 về Ban đại diện cha mẹ học sinh

Chúng tôi, tha thiết yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại điều khoản bất hợp lý để tạo cho nhà trường điều kiện thuận lợi nhất phục vụ học sinh.

Để hạn chế tình trạng lạm thu ở các trường học hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Không có người lau dọn hằng ngày, nhà vệ sinh học sinh chỉ thế này (Ảnh minh họa VTV)

Không có người lau dọn hằng ngày, nhà vệ sinh học sinh chỉ thế này (Ảnh minh họa VTV)

Đặc biệt Điều 10: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Không thu tiền vệ sinh trường học, ai sẽ làm vệ sinh cho các em?

Theo quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học tiền vệ sinh trường, lớp.

Không thu tiền vệ sinh lớp là hợp lý vì việc quét lớp (gọi là trực nhật) hằng ngày cũng là rèn cho các em kĩ năng làm việc.

Biết chia sẻ công việc với bạn, thông qua việc làm ấy sẽ giúp các em nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

Thế nhưng không thu tiền vệ sinh trường sẽ gây khó khăn cho việc sinh hoạt và học tập của học sinh.

Trong thực tế, mỗi trường học hiện có từ 1 đến 2 phục vụ (tùy quy mô trường).

Công việc của những người phục vụ là quét dọn văn phòng, hội đồng trường, quét dọn sân trường, lau bàn ghế, cốc chén, nấu nước tiếp khách, dọn vệ sinh khu vực nhà vệ sinh giáo viên…

Làm những công việc này xong cũng đã hết giờ hành chính.

Lương một tháng thường ở mức thấp nhất, người mới vào nghề khoảng 1.490.000 đồng.

Thế nên, nhiều trường học luôn tạo điều kiện để những người có việc làm thêm để tăng thu nhập.

Công việc được học đảm nhận làm là dọn vệ sinh nhà vệ sinh của học sinh.

Thời gian làm thường vào sáng sớm, buổi trưa, đầu giờ chiều và giữa chiều.

Nhưng để trả công cho họ, một tháng khoảng vài triệu đồng và mua những loại nước tẩy rửa để đảm bảo vệ sinh chung nhiều trường không có kinh phí.

Nếu theo quy định trong Thông tư 55 nhà trường không được phép thu khoản tiền này thì các trường học lấy kinh phí ở đâu để thuê người dọn vệ sinh?

Trường học không thể một ngày không có người lau dọn nhà vệ sinh.

Hàng trăm em học sinh, mỗi trường nhiều nhất cũng chỉ dăm cái phòng vệ sinh nên sau một đợt ra chơi thì dơ khủng khiếp.

Nhiều trường buộc phải lách quy định

Không thể để tình trạng nhà vệ sinh hôi, dơ, nhiều trường học hiện nay phải lách quy định vẫn động viên phụ huynh nộp tiền vệ sinh để trường có tiền thuê người dọn dẹp và mua thêm chổi, nước tẩy rửa.

Trường thu nhiều khoảng 50.000đ/học sinh, trường thu ít khoảng 20.000đ/học sinh.

Với số tiền này cũng chỉ đủ hỗ trợ cho người phục vụ một tháng thêm từ 2-3 triệu đồng.

Một số hiệu trưởng cũng tâm tư, biết là sai quy định nhưng không thể không làm vì tất cả cũng vì học sinh của mình.

Là giáo viên, hiện đang dạy chúng tôi thấy rõ những bất cập thực tế trong việc quy định không được thu tiền vệ sinh trường học.

Bởi thế, cũng tha thiết yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lại điều khoản bất hợp lý ấy để tạo cho nhà trường điều kiện thuận lợi nhất phục vụ học sinh.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chung-toi-tha-thiet-mong-bo-sua-thong-tu-55-ve-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-post201048.gd