Chúng tôi làm báo

Báo chí, truyền thông đang là một trong những ngành 'hot' thu hút nhiều người thử sức. Nhưng, để trở thành một nhà báo thực thụ thì ngoài năng lực chuyên môn, nghề báo đòi hỏi rất nhiều tố chất: Trung thực, khách quan, dũng cảm, bản lĩnh, dấn thân, luôn phải tự học, tự rèn luyện nâng cao kiến thức, vốn sống…

Mỗi năm ít nhất chúng tôi được gặp gỡ các nhà báo lão thành của tỉnh hai lần, một là vào dịp Tết nguyên đán, hai là vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, ngoài ra là những lần gặp vô tình, bất ngờ khác. Câu chuyện của chúng tôi dù có đi xa đến đâu, nói về đề tài gì rồi cuối cùng cũng vẫn quay lại chuyện nghề báo.

Tôi thích nhất là khi nghe các bác (chúng tôi thường gọi những nhà báo đã về hưu như thế) kể chuyện làm báo xưa. Không phải thời nào xa xôi lắm, chỉ tính khoảng những năm 1990 thôi, người làm báo vẫn còn rất vất vả. Nhà báo Phùng Ngọc Dũng, nguyên Trưởng ban Báo Quảng Ninh cuối tuần, kể lại: Thời chúng tôi làm báo trong tay chỉ có quyển sổ, cây bút. Phương tiện tác nghiệp thiếu thốn, phương tiện đi lại cũng không có, thông tin liên lạc lại càng khó khăn. Thế nhưng, khi đã bước chân vào nghề báo, dù thiếu thốn, khó khăn, bất kể lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng lên đường.

Giao lưu tọa đàm "Nhà báo thời đại 4.0" do Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh tổ chức.

Giao lưu tọa đàm "Nhà báo thời đại 4.0" do Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh tổ chức.

Trong nghề báo, để có được thông tin hấp dẫn có khi phải vất vả “săn” nhiều ngày. Có nhà báo phải lăn lộn, dấn thân, đóng vai thâm nhập thực tế để điều tra, tìm hiểu nhằm mang đến cho độc giả những thông tin giá trị. Cực khổ là thế nhưng đó là niềm vui, hạnh phúc của người làm báo khi thực hiện được điều gì đó có ích cho xã hội.

Khi đã quyết tâm theo nghề báo, mỗi nhà báo đều phải không ngừng “luyện nghề”, trau dồi kiến thức, rèn luyện bản lĩnh, không ngừng hoàn thiện bản thân. Còn nhớ một lần nhà báo Ngô Mai Phong nói với tôi: Làm bất cứ việc gì, nhất là làm báo, lúc nào cũng phải đọc, phải học. Đọc sách có thể không cho kết quả ngay mà sẽ cho ta kiến thức, trải nghiệm; kết quả của nó có thể thể hiện sau đó 5 năm, 10 năm, thậm chí là lâu hơn. Nhưng kết quả ấy thực sự đáng giá…

Có những bài báo, thậm chí có những câu từ, những tít bài khiến người viết trăn trở, nghĩ suy, dùng sao cho đúng, cho “đắt”. Có khi báo ra rồi, đọc lại tác phẩm mới tiếc hùi hụi vì sao không dùng từ ấy, tứ ấy, câu ấy. “Khi viết một tác phẩm, bạn hãy viết sao để nó có đầu lân, mình lợn, đuôi báo. Một cái mở bài thật sắc sảo, linh hoạt như đầu lân khi múa; một thân bài chắc chắn, khúc chiết, “đặc” như thân con lợn; một cái kết bài khiến cho người đọc phải sững sờ, tiếc nuối, mong muốn được đọc tiếp, giống như con báo quất đuôi để kết thúc hành trình vung mình vồ mồi của mình vậy…” – nhà báo Ngô Mai Phong ví von.

Gặp chúng tôi, các nhà báo cao tuổi thường bảo “Mấy đứa làm báo bây giờ sướng hơn chúng tao ngày xưa nhiều…”. Đúng là bây giờ chúng tôi có điều kiện hơn trước: Phương tiện dễ, thông tin nhanh, máy móc hiện đại… Công nghệ 4.0 giúp cho nghề báo khác hẳn so với trước kia, giúp chúng tôi thoải mái “bơi”, tha hồ tác nghiệp nhưng cũng không ít thách thức. Giữa ngồn ngộn thông tin, giữa áp lực cạnh tranh với hàng trăm tòa soạn, hàng nghìn đồng nghiệp, phải làm sao để có thông tin nhanh, chính xác, thể hiện trên mọi phương tiện mà vẫn giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” quả là không dễ với người làm báo, nhất là những người trẻ.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh tác nghiệp.

Trong một cuộc giao lưu tọa đàm với chủ đề Nhà báo thời đại 4.0 do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, nhà báo Nguyễn Hùng (báo Lao động) chia sẻ: Ngày nay, khái niệm báo chí đa phương tiện không còn xa lạ với nhiều người. Một phóng viên có thể vừa viết tin bài, vừa quay phim, chụp ảnh, thậm chí dẫn trực tiếp tại hiện trường. Có khi chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại thông minh là phóng viên có thể gửi ngay tác phẩm về tòa soạn. Mạng xã hội cũng cho phép cộng đồng, công chúng trở thành những “nhà báo”; thậm chí tin tức của họ cập nhật còn nhanh hơn, chính xác hơn. Tính cạnh tranh trong mỗi cơ quan báo chí cũng tăng lên. Do đó, một phóng viên thời đại 4.0 phải nhanh: Nắm thông tin nhanh, phản ứng nhanh, tác nghiệp nhanh… để tránh tụt hậu và luôn phải thận trọng, cẩn thận, giữ được bản lĩnh, đạo đức khi làm nghề.

Trong thời đại 4.0, một nhà báo hiện đại phải có nhiều kỹ năng: Vừa biết viết, biết chụp ảnh, biết quay phim, biết sử dụng đồ họa… Đặc biệt, mỗi nhà báo cần không ngừng học tập rèn luyện, phải dấn thân, hòa mình vào cuộc sống, viết những tác phẩm đúng, trúng để dẫn dắt, định hướng dư luận. Dù là ở thời đại nào, điều quan trọng nhất đối người làm báo vẫn là đức tính trung thực, giữ được “tâm sáng”. Chúng tôi, những người làm báo vẫn nhắc nhở nhau như thế…

Hoàng Nhi

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201906/chung-toi-lam-bao-2445141/