'Chúng tôi là những nhà sản xuất lớn'

Đó là khẳng định của ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt với các nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất thế giới đến tham dự Lễ khởi công dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú ngày 8-1 vừa qua.

Quy mô lớn

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú của Tập đoàn Nam Việt có quy mô 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên địa bàn 3 ấp: Bình Đức, Bình Quới, Bình Thới (xã Bình Phú). Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính đến thời điểm này ở Việt Nam, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú được xem là dự án nuôi cá tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đây là niềm tự hào của ngành thủy sản của An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Trên tổng thể 600ha, dự án được chia thành 2 khu vực: khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (diện tích nuôi 150ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng) và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản (nuôi cá tra thương phẩm), có diện tích 450ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Ở khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, dự kiến, mỗi năm khu này sẽ sản xuất ra 360 triệu con giống cá tra, phục vụ cho các vùng nuôi của tập đoàn, số còn dư sẽ cung cấp ra cho cộng đồng. Ngư dân trong và ngoài tỉnh được hưởng lợi từ dự án này, được cung cấp con giống cá tra khỏe, sạch bệnh, phục vụ cho quá trình phát triển nuôi cá thịt, góp phần đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ở khu nuôi cá tra thương phẩm, khi dự án đi vào hoạt động, mỗi năm khu này sẽ sản xuất ra 200.000 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. “Dự án được đầu tư trang thiết bị theo hướng công nghệ hiện đại, đồng bộ và chuyên sâu mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Cụ thể, công ty sẽ sử dụng “Công nghệ sục khí nano” và “Công nghệ thiên nhiên Bakture” để xử lý nước trong ao nuôi cá tra. Bằng công nghệ này, trên toàn bộ diện tích của dự án sẽ không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay, việc này góp phần bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho tập đoàn. Khi áp dụng các công nghệ tiên tiến này, sản phẩm làm ra sẽ có chất lượng cao hơn, thịt cá ngon hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong nước và thế giới” - ông Doãn Tới khẳng định.

Lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và tỉnh thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: MINH HIỂN

Chất lượng cao

Một trong những mục tiêu mà dự án hướng đến là hoàn thành chuỗi giá trị khép kín mang tính bền vững của doanh nghiệp. Thông qua dự án này, tập đoàn sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu, nâng cao sản lượng sản xuất từ con giống đến thành phẩm fillet xuất khẩu, tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm fillet của tập đoàn tại các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới. Dự án sẽ góp phần hạ thấp chi phí sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Doãn Tới cho biết thêm, để chất lượng sản phẩm được nâng lên, toàn bộ quy trình nuôi tại dự án này sẽ được áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap, ASC và nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu để chứng minh sản phẩm làm ra từ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này là chất lượng cao, người tiêu dùng thế giới phải công nhận. Tại buổi lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao sự quyết tâm của Tập đoàn Nam Việt trong việc đầu tư chuyên sâu ngành công nghiệp cá tra, bởi theo ông Tiến, nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là thế mạnh của vùng ĐBSCL. Với việc ra đời của dự án sản xuất con giống và vùng nuôi cá tra công nghệ cao quy mô lớn và tập trung của Tập đoàn Nam Việt sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cá tra, giúp tập đoàn chủ động nguồn nguyên liệu, phục vụ tốt nhu cầu chế biến xuất khẩu; đồng thời nâng cao giá trị ngành cá tra. Đặc biệt, với dự án quy mô này sẽ chứng minh cho thế giới biết việc sản xuất cá tra ở Việt Nam được đầu tư bài bản, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ đảm bảo chất lượng đầu ra của cá tra để xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính.

Tập đoàn Nam Việt ký hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt để xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra bằng công nghệ Bakture

“Trong thời đại công nghệ 4.0, tập quán mua bán của thế giới đã thay đổi. Các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng, số lượng hàng hóa phải nhiều, giao hàng trong thời gian ngắn, giá cả phải cạnh tranh, thanh toán đơn giản... Để đáp ứng được những điều kiện như thế, chỉ có sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao thì mới có thể làm được” - ông Doãn Tới phân tích.

“Tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú, Nam Việt sẽ áp dụng tất cả công nghệ, những phát minh mang tính tiên tiến nhất thế giới. Trên cùng một đơn vị diện tích, phải tăng sản lượng nuôi lên gấp 10 - 20 lần so với phương pháp nuôi truyền thống. Chất lượng sản phẩm làm ra phải ngon hơn gấp nhiều lần so với trước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu” - ông Doãn Tới phân tích.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/-chung-toi-la-nhung-nha-san-xuat-lon--a238577.html