Chúng tôi đã hòa mình vào đêm Hà Nội...

'Vẽ 'màu đêm' Hà Nội' – Giải B, Giải Báo chí về Phát triển văn hóa và Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh- là một tác phẩm thể hiện dưới hình thức longform khá đẹp mắt và hấp dẫn.

Bức tranh về một Hà Nội ban đêm, không dừng lại ở những câu chuyện phố phường, ẩm thực, cảnh quan mà tác phẩm mang đến một thông điệp về “một thành phố không ngủ”, về “kinh tế ban đêm” của Thủ đô cần được “đánh thức”... để dòng tiền chảy mạnh dưới góc nhìn của du lịch.

Nỗi buồn đêm của Hà Nội

+ Cái tên Hồng Hạnh từng được vinh danh không ít lần trên thảm đỏ của Giải Báo chí Quốc gia, bộ ngành và Hà Nội. Nhưng đọc trên trang Fabook cá nhân, dường như lần xướng tên này khiến bạn có rất nhiều cảm xúc?

- Quả là có thật nhiều cảm xúc dâng trào khi tôi được xướng tên cùng nhà báo Anh Hoa (Báo Đầu tư), đồng nghiệp cùng tôi thực hiện loạt bài “Vẽ “màu đêm” Hà Nội” tại giải thưởng cao quý này. Từng đạt Giải A ở mùa trước, nên lần này, tôi cảm nhận rõ hơn những đặc quyền Hà Nội dành cho tôi và cả tình yêu tôi dành cho Hà Nội thật đong đầy và giàu xúc cảm.

Giải thưởng cao quý ấy, tôi muốn gửi tặng Thủ đô yêu dấu, nơi tôi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, nơi nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cho tôi bao điều trân quý. Đó cũng là món quà tôi xin được tri ân Báo Kinh tế và Đô thị, nơi tôi đã có gần 8 năm gắn bó từ khi mới tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi rèn luyện cho tôi bản lĩnh và ý chí. Và đó là món quà nhỏ tôi muốn gửi tặng “ngôi nhà mới” của mình – Báo Đầu tư, nơi tôi chuyển về công tác được hơn 3 tháng.

Nhà báo Hồng Hạnh và nhà báo Anh Hoa nhận Giải B ”Giải báo chí về Phát triển văn hóa và Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” vừa qua.

+ Đọc tác phẩm, thấy rất rõ một Hà Nội lung linh với rất nhiều màu sắc. Điều gì khiến bạn lựa chọn “một Hà Nội ban đêm” làm chủ đề cho tác phẩm?

- Là người yêu say đắm Hà Nội, nên ngay khi Ban Biên tập giao đề tài về kinh tế đêm, tôi đã nhờ bố mẹ chồng trông con và cùng ông xã lang thang suốt 3 đêm ở khu phố cổ và Hà Nội để khảo sát thực tế. Dưới con mắt của một nhà báo 5 năm theo dõi ngành công nghiệp không khói của Thủ đô và đất nước, tôi nhận thấy một nỗi buồn đêm của Hà Nội bấy lâu nay chưa được khắc phục, đó là thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí, khiến du khách phải đi ngủ sớm. Bởi vậy, tôi đã đề xuất Ban Biên tập cho phép cùng nhà báo Anh Hoa - với kinh nghiệm và góc nhìn về kinh tế, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp - doanh nhân cùng triển khai đề tài này ở góc độ cơ hội du lịch. Bởi tôi tin, chính những doanh nhân tâm huyết đã và đang tạo nên linh hồn đêm cho Hà Nội.

+ Theo chân rất nhiều những con người cụ thể, từ đôi vợ chồng người nước ngoài tới Việt Nam, các ông chủ nhà hàng, đến các doanh nghiệp... để kể những câu chuyện của họ, cảm nhận của họ về Hà Nội và “vẽ” được một bức tranh toàn cảnh. Chắc hẳn có rất nhiều kỷ niệm trong những lần lang thang ấy, đặc biệt lại vào khung giờ không mấy thuận lợi với phụ nữ?

- Vâng. Tôi nhớ mãi kỷ niệm tối cuối tuần chớm thu Hà Nội, cùng ông xã tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho bà Lina Nguyen và ông Toni Tran, đôi vợ chồng Việt Kiều định cư ở Thụy Sĩ đã 20 năm. Chúng tôi đã hòa mình vào đêm Hà Nội với những sắc màu hoàn toàn khác, không còn tắc đường, ngột ngạt trong tiếng còi xe… Điều đặc biệt là dù tự mình lên lịch trình khám phá Hà Nội đêm cho hai du khách, nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi trải nghiệm cảm giác tản bộ trên cầu Long Biên lúc 12 giờ đêm. Được nhìn ngắm cảnh sông Hồng gợn sóng, những ánh đèn xa xa bên cầu Chương Dương, ngắm nhìn chợ nông sản từ trên cao, hít hà hương thơm dịu ngọt của trái cây chín, và thỏa sức thả hồn vào gió, vào hương vị cuộc sống… thật an yên biết mấy. Đó còn là lần đầu tôi thưởng thức bia thủ công C-Brewmaster số 45A Lương Ngọc Quyến, Hà Nội của doanh nhân, nghệ nhân Nguyễn Văn Cường; lần đầu hẹn phỏng vấn ông Nguyễn Công Hoan – Tổng Giám đốc HanoiRedtour vào sáng mùng 1 âm lịch (do không xem lịch trước) và được nhân vật mời đi lễ đền Hàng Trống… Đó đều là những trải nghiệm đầu tiên rất tuyệt vời. Với một phụ nữ có con nhỏ (4 tuổi) như tôi, nếu không được sự hỗ trợ đắc lực, sẻ chia và thấu hiểu từ gia đình, chắc chắn tôi không thể cùng nhà báo Anh Hoa thực hiện được tác phẩm này.

Nhà báo Hồng Hạnh.

Mảng màu đa dạng “đánh thức” giấc mơ về thành phố không ngủ

+ Đọc nhiều loạt bài đoạt giải của bạn, thấy một điểm chung là dù tác nghiệp độc lập hay trong nhóm tác giả, bạn đều là người xông pha ở hiện trường để ghi nhận và chụp ảnh... Phóng viên trẻ làm được thế, không dễ, càng khó với nữ. Bạn nghĩ sao về lợi thế của sự “tận mắt, tận tay” để có được tác phẩm hay?

- Tôi nghĩ rằng, muốn có tác phẩm hay, người làm báo dù là nam hay nữ cũng phải cùng sống, cùng ăn, cùng ở ngoài hiện trường. Phải đặt mình vào vị trí của những người trong cuộc và có con mắt tinh tường của những người ngoài cuộc với góc nhìn đa chiều nhất. Còn nhớ, loạt bài “Lừa đảo, chặt chém du khách quốc tế: Vụ việc nhỏ, tác hại lớn” tôi cùng nhà báo Công Thọ (Báo Kinh tế và Đô thị) thực hiện năm 2018 đạt Giải B Giải Báo chí Quốc gia, Giải A “Giải báo chí về Phát triển văn hóa và Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”, tôi đã đóng vai nữ du khách quốc tế không biết tiếng Việt và bị những người bán hàng rong, lái xe xích lô chặt chém không thương tiếc. Tôi cùng nhà báo Công Thọ suốt 10 ngày đi trông khách Tây ở Sân bay quốc tế Nội bài cho một tài xế lái taxi trong khu phố cổ để lật tẩy những chiêu trò cướp khách của “cò” taxi sân bay. Hay như Loạt phóng sự ảnh “Nhọc nhằn người dân vùng “rốn lũ” Chương Mỹ” đạt Giải B (không có giải A) Giải phóng sự xuất sắc về đề tài môi trường và biến đổi khí hậu năm 2018, nhiều ngày liền tôi cùng ăn, cùng ở, cùng lội nước bẩn với người dân xã Nam Phương Tiến và cùng cô Bảy vượt qua “cửa tử” trên chiếc thuyền thúng mỏng manh giữa biển rác... Tôi chắc chắn, một tác phẩm báo chí không chứa đựng mồ hôi, công sức, thậm chí là máu và nước mắt của nhà báo, sẽ không đủ sức nặng và khó chạm đến trái tim độc giả. Và với tôi, một bức ảnh đẹp còn hơn vạn lời nói, nên trong những tác phẩm của mình, tôi luôn cố gắng ghi lại những hình ảnh ấn tượng để minh họa cho tác phẩm và rất thích thực hiện các phóng sự ảnh.

+ Có một điểm khá thú vị là những dữ liệu sinh động về “kinh tế ban đêm” của các nước khác được nhóm tác giả lồng ghép vào bài. Những nguồn tư liệu “nguội” ấy, đóng vai trò như thế nào với loạt tác phẩm này, các bạn đã xử lý như thế nào để nó không bị “khô cứng”?

- Hầu hết dữ liệu sinh động về “kinh tế ban đêm” của các nước khác được chúng tôi lồng ghép vào bài là những kinh nghiệm, bài học đáng quý cho Hà Nội học hỏi để tạo dựng một thành phố không ngủ đầy hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, tạo nên một nền kinh tế với dòng tiền chảy mạnh trong những đêm không ngủ.

Với những tư liệu “nguội” có phần “khô cứng” đó, cộng sự của tôi (nhà báo Anh Hoa) đã cố gắng đưa vào những hình tượng để so sánh cùng với cách viết mềm mại, uyển chuyển nhất. Bên cạnh đó, tôi đã thể hiện “đứa con tinh thần” này bằng loại hình long-form của báo điện tử để thu hút cũng như giúp độc giả không bị nhàm chán, ngay cả khi đó là những con số khô khan nhất.

Tôi cho rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0, một tác phẩm muốn chạm đến trái tim độc giả, không chỉ cần nội dung tốt mà còn cần được thể hiện với hình thức đẹp mắt. Bởi thế, ngoài sự dấn thân, tôi cũng luôn nỗ lực học kỹ thuật chụp ảnh, quay video, thiết kế đồ họa để tạo nên những tác phẩm báo chí đa phương tiện hấp dẫn. Với tác phẩm này, chúng tôi muốn mang đến những mảng màu đa dạng đủ để “đánh thức” một giấc mơ “về thành phố không ngủ”. Dĩ nhiên, phát triển kinh tế đêm hay du lịch đêm, nhất quyết không thể không gắn với phát triển văn hóa và xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bởi, đó là gốc rễ của mọi sự phát triển, đi lên của Thủ đô Hà Nội hôm nay và mai sau.

+ Vâng, xin cảm ơn bạn!

Hà Vân (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chung-toi-da-hoa-minh-vao-dem-ha-noi-post69072.html