Khoảnh khắc đặc biệt của các chiến sĩ áo trắng ở vùng dịch Quảng Nam

Gấp gáp, hối hả là những từ diễn tả về chúng tôi trong những ngày này. Tất cả mọi công việc, mọi yêu cầu từ khu cách ly được giải quyết một cách nhanh nhất và chính xác nhất.

Tròn 10 ngày, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận quyết định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp cấp di chủng mới của virus corona, nhận nhiệm vụ tiếp nhận điều trị người bệnh dương tính với SARS-CoV-2. Và cũng tròn 1 tuần, bệnh viện trưng dụng hoàn toàn để thực hiện điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Những câu quen thuộc mà mấy ngày nay đội hậu cần chúng tôi tiếp nhận từ khu cách ly gửi ra là: “Tầng 3 cần bổ sung thêm bô cho bệnh nhân", "Nhờ ban hậu cần bổ sung giấy và khăn lau tay cho tầng 5", "Khu cấp cứu cần thêm quạt", "Khu lầu 7 cần nhận nhu yếu phẩm"...

Bộ phận hậu cần tiếp thêm nước vào khu vực cách ly.

Bộ phận hậu cần tiếp thêm nước vào khu vực cách ly.

Gấp gáp, hối hả là những từ diễn tả về chúng tôi trong những ngày này. Tất cả mọi công việc, mọi yêu cầu từ khu cách ly được giải quyết một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Vì chúng tôi ý thức được rằng nếu làm không tốt nhiệm vụ vòng ngoài, chỉ cần chậm một chút, sơ sẩy một chút thôi cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chăm sóc và điều trị của đội ngũ y bác sĩ, đồng nghiệp ở vòng trong.

Bộ phận hậu cần có sự tham gia của nhiều khoa/phòng, gồm Vật tư y tế, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dược, Hành chính quản trị, Tài chính kế toán, Công tác xã hội, Tổ chức cán bộ, Dinh dưỡng...cùng sự tham gia của nhiều bộ phận khác. Mục tiêu là nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác điều trị cũng như sự an toàn, sức khỏe cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân trong khu cách ly.

Phục vụ những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng...

Bộ phận hậu cần đa phần là nữ, những con người nhỏ bé ấy ngày thường cứ nghĩ chân yếu tay mềm, chỉ biết đỏng đảnh váy áo, nhưng khi bước vào cuộc chiến thực sự thì như biến thành người hoàn toàn khác. Họ chẳng khác gì những chú ong chăm chỉ, làm việc quên giờ ăn, quên nghỉ. Mặt ai cũng hừng hực đỏ thấy mà thương, những giọt mồ hôi lăn dài trên má cũng chẳng kịp lau. Mà thực tế là không thể lau vì để đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng có thể họ chẳng còn bận tâm đến vấn đề đó nữa.

Bộ phận hậu cần có mặt ở khắp "mặt trận" vòng ngoài.

Những ngày này, đối với anh/chị/em ban hậu cần, việc ăn sáng thành ăn trưa, ăn trưa thành ăn xế là chuyện thường. Có hôm về tới nhà còn không thể nuốt nổi cơm, nhưng ai cũng hừng hực khí thế bởi lúc này không cho phép họ yếu ớt, mệt mỏi. Tất cả lao vào công việc, nếm trải cảm giác căng thẳng, lo lắng, hồi hộp, chẳng khác gì các đồng nghiệp vòng trong. Dù mệt đến đâu nhưng khi nghe những câu như “Đã có", "Đã chuẩn bị xong", "Đã sẵn sàng”... tự dưng thấy lòng an tâm và ấm đến lạ.

Lúc này đây địa vị, tuổi tác, nhiệm vụ không còn quan trọng bằng việc đảm bảo an toàn cho công tác điều trị bên trong.

Trời đã nhá nhem tối, lại có tiếng "tinh tinh" từ vòng trong gửi ra: “Chú ơi, tầng 3 bóng điện bị hư cần sửa gấp để chăm sóc bệnh nhân”. Biết anh, chị, em cần gấp mà bộ phận điện nước đang bận ở một khu khác, ngay lập tức 2 thành viên xung phong vào khu đỏ để sửa điện. Mà đằng sau lớp bảo hộ với 2 bóng tuyp trên tay, không ai khác chính là bác Phó Giám đốc Bệnh viện. Cổ bỗng thấy nghẹn lại và sống mũi cay cay. Lúc này đây, địa vị, tuổi tác, nhiệm vụ không còn quan trọng bằng việc đảm bảo an toàn cho công tác điều trị bên trong. Để đảm bảo công tác điều trị, các bác chỉ đạo: “Chúng ta sẽ không có ngày nghỉ. Thứ 7, chủ nhật vẫn đi làm như ngày thường”.

Không còn cảm giác hoang mang, ngỡ ngàng, không có một lời nào than thở hay một lời trách móc, thay vào đó là sự quyết tâm, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thử thách để chiến thắng đại dịch.

Người mệt nhưng tinh thần không mệt, chỉ mong bên trong chiến tuyến ấy bình an!

Phương Thảo (Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam)

Bài viết của độc giả:

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/khoanh-khac-dac-biet-cua-chien-si-ao-trang-o-vung-dich-quang-nam-666162.html