Chúng tôi chưa bao giờ... hưu!

Ngày chị Trần Thị Lộc nhận quyết định nghỉ chế độ, tôi thực sự tiếc nuối. 55 tuổi – chị không hề có dấu hiệu mệt mỏi với công việc. Vẫn đầy năng lượng tích cực và chan chứa lạc quan. Đó là người nữ Tổng Biên tập duy nhất của Báo Lao động & Xã hội tính đến nay. Từ mười mấy năm trước, báo đã có hàng loạt bài viết về sự cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu. Những tưởng chuyện đó đã sớm thành hiện thực. Nhưng chị nghỉ hưu đã gần chục năm, do nhiều lý do, đến nay việc tăng tuổi nghỉ hưu vẫn đang được bàn thảo. Tuy vậy, chị Lộc và rất nhiều nhà báo khác, cả nam lẫn nữ, dù đã cầm sổ hưu nhưng họ vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn, vẫn miệt mài cống hiến và làm việc không ngừng nghỉ.

*Về hưu nhưng vẫn luôn là “người lao độngchất lượng cao

Chị Lộc cho biết: “Sau hơn 30 năm làm việc, theo quy định của Nhà nước tôi về nghỉ hưu. Trong thâm tâm tôi luôn luôn nghĩ, mình nghỉ hưu chứ không phải nghỉ làm việc, nhất định là như vậy. Chỉ là chuyển môi trường, chuyển công việc thôi. Tôi thích làm việc và nghĩ rằng làm việc sẽ thấy mình có ích, đem lại nhiều hiểu biết và niềm vui.

Nhà báo Trần Thị Lộc: "Luôn là lao động chất lượng cao"

Nhà báo Trần Thị Lộc: "Luôn là lao động chất lượng cao"

Sau một thời gian ngắn có phần hơi “choáng” tôi bắt đầu công việc mới. Do có học vị tiến sỹ kinh tế và thích dạy học nên tôi ký hợp đồng thỉnh giảng cùng lúc với mấy trường Đại học. Tôi đã tham gia giảng dạy ở khoa Quản lý lao động Đại học Lao động Xã hội các môn Thị trường lao động, Nguồn nhân lực, Quản lý Nhà nước về lao động, Dân số nguồn nhân lực; Ở Học viện báo chí và tuyên truyển tôi dạy môn Các nguyên tắc quản lý kinh tế, Lãnh đạo quản lý ở cơ sở, các chuyên đề Đảng lãnh đạo báo chí, Đảng lãnh đạo lĩnh vực kinh tế; Ở ĐH Trà Vinh cơ sở tại Hà nội dạy môn Kỹ năng mềm, Kỹ năng thương thảo và ký kết hợp đồng kinh tế...

Để có thể dạy được tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ các vấn đề của môn học. Có môn đã có giáo trình, có môn phải tự soạn bài giảng nộp cho khoa thẩm định rồi mới theo đó mà dạy. Trong quá trình dạy và hướng dẫn sinh viên hay học viên cao học làm luận văn, cùng với các nội dung nêu trong giáo trình tôi đã đưa vào nhiều ví dụ thực tiễn để người học hiểu sâu vấn đề và bài giảng hấp dẫn, sinh động hơn rất nhiều. Kinh nghiệm mấy chục năm công tác đã cho tôi những kiến thức đó. Tôi cũng cập nhật kiến thức bằng cách tham gia một số cuộc hội thảo, đọc sách, báo, tạp chí và đưa những cái mới vào bài giảng.

Cùng với giảng dạy, tôi tham gia nghiên cứu một số đề tài khoa học về các chủ đề xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, quản lý nhà nước về lao động; viết báo, viết sách theo đơn đặt hàng... Việc này hỗ trợ cho việc kia.

Quá trình làm việc tôi cũng nhận ra rằng, nếu mình giảng không hay, viết không sâu, hướng dẫn không nhiệt tình, không tốt thì cơ sở giảng dạy họ cũng sẽ từ chối mình. Vì vậy phải phấn đấu là người lao động có chất lượng cao.

Tôi quen biết nhiều chị sau khi nghỉ hưu vẫn làm việc tốt. Những việc mà không ít lao động trẻ chưa làm tốt bằng. Chẳng hạn kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu, kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thợ tay nghề cao... những lao động này nếu không tham gia làm việc thì thật là lãng phí.

Trong điều kiện hiện nay, nhiều lĩnh vực rất cần người làm việc có bề dày kinh nghiệm, vì vậy người nhiều tuổi không hề “tranh việc” của người trẻ.

Thực tế cho thấy, chính phủ nâng tuổi nghỉ hưu là rất đúng. Vì đó là nhu cầu của người lao động, là sức khỏe, tuổi thọ của người lao động ngày một nâng cao, là yêu cầu bức thiết của việc cân đối quỹ BHXH, của việc thực hiện bình đẳng giới.

Làm việc trong môi trường mới, với nhiều người trẻ tôi thấy rất vui, không thấy mình là người già chút nào.

Tôi cũng có nhiều thời gian hơn để rèn luyện sức khỏe tôi mua thẻ tập earobic, yoga và đề ra chỉ tiêu tập ít nhất 3 lần/tuần. Tôi cũng lên kế hoạch và đi du lịch với người thân, bạn bè ở những điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, học nấu ăn, đọc sách...

Thời gian trôi quá nhanh, đã nhiều năm nhận sổ hưu mà tôi và nhiều bạn bè, đồng nghiệp vẫn làm việc. Công việc làm cho chúng tôi trẻ hơn tuổi, nhanh nhẹn, vui vẻ, hoạt bát, có thêm thu nhập. Chúng tôi vẫn diện những bộ cánh đẹp để đi làm việc, đi đây đó, không hề ủ rũ buồn chán tý nào”.

* Làm báo là không có tuổi hưu!

Chị Hồ Thu Thủy, phóng viên báo Lao động Thủ đô cũng lên hàng “cụ hưu” đã 3 năm, nhưng ở chị vẫn đầy năng lượng, đầy sức trẻ. Hiện chị tiếp tục ký hợp đồng làm việc và giữ chức Thư ký tòa soạn kiêm Trưởng ban Kinh tế của báo Gia đình Việt Nam.

Nhà báo Hồ Thu Thủy: Vẫn rất năng động và xì tin

Chị kể về cuộc đời cầm bút của mình: “Ba tôi nguyên là cán bộ Ban tuyên giáo Bộ Giao thông vận tải hy sinh vì bom Mỹ trong một chuyến đi công tác vào Khu 4 năm 1967. Trong nhật ký Ba tôi để lại có nhắc, qua theo dõi của Ba, lớn lên con có thể làm nghề giáo, tuyên giáo! Và tôi ngày ấy cũng là cô bé mơ mộng đã vào trường sư phạm với ước mơ cháy bỏng trở thành cô giáo.

Duyên nợ thế nào, ra trường tôi lại về báo Giao thông vận tải. Những tưởng lý lịch sẽ mãi chỉ có một dòng "Từ năm 1983 đến nay: PV Báo Giao thông", nhưng thế nào mà còn 2 năm trước khi nghỉ hưu chị lại chuyển sang báo Lao động Thủ đô. Về hưu 3 năm vẫn say với nghề ở báo Gia Đình Việt Nam.

Làm báo thời công nghệ thông tin sướng nhiều so với những năm 80-90, những chuyến đi công tác bây giờ không gian khổ chen tàu chen xe như trước. Ngày trước đi công tác qua đêm ngủ nhà khách cơ quan, trạm gác cung đường, trực ban ga xép, chăn chiếu hôi rình, có lần tôi phải lấy xà phòng nhét vô mũi vì không chịu nổi mùi hôi... Làm báo ngày xưa gian nan, vất vả thế nhưng nếu phải chọn lại, chắc tôi vẫn nghề báo mà thôi. Niềm an ủi nhất vẫn là những chuyến đi nối dài kỷ niệm, và mỗi ngày đi là một ngày khôn.

Bây giờ cầm sổ hưu đã 3 năm nhưng tôi vẫn làm việc không ngừng nghỉ, làm báo là không có tuổi hưu. Tôi luôn nạp năng lượng cho mình và cho mọi người. Tôi vẫn thường xuyên đi đây đi đó, thậm chí đi du lịch “bụi” khắp Châu Âu một mình, nhiều em thế hệ sau nói với tôi: “đọc Facebook của chị lúc nào cũng như được tiếp thêm năng lượng”!

* Luôn tươi cười hướng về ánh mặt trời

Chị cũng đã cầm sổ hưu được 2 năm, nhưng nói đây là “cụ hưu” chắc ai cũng ngỡ ngàng. Nụ cười vẫn tươi rói, tiếng cười vẫn lanh lảnh và chân tay thì thoăn thoắt, vẫn nay đây mai đó, Facebook thì luôn sáng đèn!

Chị là Minh Huệ, nguyên Phó giám đốc hệ VOV4 Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà báo Minh Huệ: Luôn dồi dào năng lượng trong công việc và cuộc sống

Chị xuất thân là cô giáo dạy văn, rồi cơ duyên đưa chị về đầu quân cho tờ Lao động Xã hội từ những ngày đầu ra báo. Được dăm năm ở báo thì chị chuyển về làm phóng viên nhà đài cho đến ngày nghỉ hưu.

Chị viết nhiều, đi nhiều, yêu đời và yêu nghề. Chị từng đoạt rất nhiều giải thưởng báo chí trong nước và quốc tế. Rồi viết sách, rồi đi dạy về nghiệp vụ báo chí, phát thanh cho phóng viên báo chí nhiều tỉnh thành.

Những người yêu đời, yêu nghề, yêu công việc, sống lạc quan thường rất trẻ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ngay sau khi nghỉ hưu ở VOV, chị Minh Huệ đã được mời làm việc cho một dự án có chút “yếu tố nước ngoài” với mức lương mà người đương chức như tôi phải mơ ước.

Hỏi bí quyết sao lại cứ trẻ mãi không chịu già như vậy? Chị Minh Huệ cười khanh khách: “Thấy bảo là nếu gương mặt tươi cười luôn hướng về ánh mặt trời thì bóng tối sẽ ngả phía sau. Cho nên cứ cười thật lực bất kể cảnh huống nào!”

Câu lạc bộ Nhà báo nữ tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Ông nội tôi vốn là cán bộ ngành giao thông vận tải. Tôi còn nhớ ngày xưa khi ông còn sống (ông thọ 89 tuổi), năm nào cũng cứ tết đến con cháu chúc thọ ông, ông lại bảo: “Nhà nước lỗ to với tao, gần ba chục năm ngồi chơi ăn lương hưu rồi. Bây giờ sức khỏe người dân ngày càng tốt, tuổi thọ ngày càng cao, không tăng thời gian làm việc lên thì cứ gọi là vỡ nợ!”.

Nghĩ lại mới thấy, dù ông nội tôi mất đã hơn chục năm, nhưng từ bao nhiêu năm trước, ông tôi đã suy nghĩ rất tân tiến!

THU HẰNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/chung-toi-chua-bao-gio-huu-d99791.html