'Chúng tôi chỉ muốn lấy lại những gì bị cuốn trôi'

Những hộ dân ở xã Bản Hồ (Sa Pa) hết sức bức xúc khi biết thông tin tài sản của họ bị thủy điện Sử Pán 1 xả lũ cuốn trôi… không được đền bù.

 Bà Vàng Thị Liêm chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận lũ "nhân tạo" tháng 6/2019. Ảnh: HĐ.

Bà Vàng Thị Liêm chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận lũ "nhân tạo" tháng 6/2019. Ảnh: HĐ.

Lo giữ mạng sống chứ sao lo tính tài sản

Qua buổi làm việc với bà Trần Thị Lan Hương – Phó trưởng phòng NN-PTNT thị xã Sa Pa, theo đề nghị của ông Lê Tân Phong – Chủ tịch thị xã Sa Pa.

Bà Hương cho biết, quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 8/11/2019 phê duyệt giá trị thiệt hại về tài sản còn hiện trạng hoặc có căn cứ xác định giá trị của các hộ dân xã Bản Hồ liên quan đợt mưa lũ ngày 23-24/6/2019. Tài sản người dân kê khai đã bị nước cuốn trôi không có cơ sở xác định và phê duyệt giá trị thiệt hại.

Chính vì vậy, giá trị thiệt hại của 57 hộ dân xã Bản Hồ và 2 đơn vị chỉ là hơn 2,5 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản của người dân kê khai sau khi Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (do Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long quản lý, vận hành) xả lũ nên không nhận được sự đồng thuận của người dân Bản Hồ.

Ông Đào A Phổng, một trong những hộ bị thiệt hại nặng do thủy điện Sử Pán 1 xả lũ bức xúc, tại sao những tài sản của chúng tôi bị cuốn trôi không được đền bù, rất vô tình và không thể chấp nhận được. Chúng tôi mong chính quyền cùng ngồi lại với người dân để xác định tài sản này sao cho thỏa đáng. 9 tháng chưa giải quyết xong đền bù thiệt hại là thời gian quá dài, người dân chúng tôi cần ổn định cuộc sống.

Còn ông Đào A Án – trưởng thôn Bản Dền (xã Bản Hồ) - cho biết, khi nước lũ ập đến con trai tôi chỉ kịp hô, bố mẹ ơi dậy đi nước đến nhà rồi và kịp kéo mẹ của nó lên. Còn tôi không kịp chạy chỉ còn cách ôm cột nhà để không bị trôi mất. Chứ sao còn lo nghĩ giấy tờ, hóa đơn mua tài sản để chứng minh thiệt hại sau này.

Cũng theo bà Hương, về tài sản bị cuốn trôi, thị xã Sa Pa có phương án hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ đối với các hộ kê khai thiệt hại dưới 100 triệu đồng; 15 triệu đồng/hộ đối với các hộ dân kê khai thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên.

Tuy nhiên, ông Phổng cho rằng, nhà nước hỗ trợ là cần thiết nhưng chúng tôi chỉ muốn lấy lại những tài sản của mình đã mất, chúng tôi không kê khai thêm, kê khống.

Gần 9 tháng qua, người dân xã Bản Hồ (Sa Pa) chưa nhận được tiền khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống. Ảnh: HĐ.

Hoàn toàn có cơ sở bồi thường tài sản bị cuốn trôi

Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - cho rằng, Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long có những sai phạm trong quy trình vận hành nhà máy thủy điện khi mở cửa van xả lũ và sai phạm trong công tác thông tin liên lạc với chính quyền và người dân ở hạ lưu (Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 03/QĐ-XPVPHC của Chánh Thanh tra Sở Công Thương tỉnh Lào Cai ban hành ngày 29/7/2019).

Chính những vi phạm này của công ty là nguyên nhân trực tiếp khiến các hộ dân bị thiệt hại tài sản nặng nề và phải có trách nhiệm bồi thường căn cứ Điều 584 - Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Bộ Luật dân sự 2015.

Cũng theo luật sư Long, các hộ dân Bản Hồ bị thiệt hại tài sản là thực tế, có số liệu thống kê của UBND xã Bản Hồ căn cứ vào tình hình thực tế của người dân sau sự việc và Báo cáo số 97/BC-TCKH ngày 19/7/2019 của Phòng Tài chính – Kế hoạch UBND huyện Sa Pa về Kết quả thẩm định tài sản đã thống kê của các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa năm 2019.

Liên quan việc chậm hỗ trợ đền bù thiệt hại cho bà con, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai Hoàng Văn Thuân cho biết, đã nắm bắt thông tin này. Hiện ngành Công thương và UBND thị xã Sa Pa cũng đã thẩm định, phê duyệt kinh phí bồi thường và tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Lào Cai để giải quyết hỗ trợ đền bù cho bà con.

Căn cứ Điều 585 - Nguyên tắc bồi thường thiệt hại và Điều 589 - Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm của Bộ Luật dân sự 2015 thì nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là nhanh chóng, kịp thời; thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó.

Tài sản bị cuốn trôi là tài sản bị mất và cũng chính là thiệt do tài sản bị xâm phạm theo quy định pháp luật.

Như vậy, việc người dân yêu cầu được Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long bồi thường đối với phần tài sản bị cuốn trôi đi là hoàn có cơ sở.

Căn cứ để đền bù những tài sản bị cuốn trôi đi là giá của những tài sản đó trước khi bị cuốn trôi sau khi trừ đi khấu hao sử dụng qua các năm sử dụng. Căn cứ Thông tư 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định của Bộ Tài chính ngày 25/4/2013.

Do đó, luật sư chúng tôi không đồng tình quan điểm của UBND huyện Sa Pa (nay là UBND thị xã Sa Pa) về việc không có cơ sở xác định tài sản bị cuốn trôi, luật sư Long nhấn mạnh.

Hải Đăng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chung-toi-chi-muon-lay-lai-nhung-gi-bi-cuon-troi-d259031.html