Chung tay xây dựng Tượng đài GTVT sông Gianh

Công trình này sẽ là biểu tượng Anh hùng của ngành GTVT trên tuyến lửa Quảng Bình, là chứng tích tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng...

Phối cảnh tổng thể Tượng đài GTVT sông Gianh

Xây dựng Tượng đài GTVT sông Gianh là mong mỏi của không chỉ quân và dân Quảng Bình mà còn là nguyện vọng tha thiết của lớp lớp cán bộ, chiến sỹ, TNXP đã từng chiến đấu trên mảnh đất này. Tuy nhiên, để công trình sớm hoàn thiện, rất cần sự chung tay, giúp sức của cả xã hội.

“Yết hầu” hai chiến tuyến

Đứng lặng nhìn về 2 bờ sông Gianh, ông Nguyễn Hoàng (SN 1934, Quảng Thuận, TX Ba Đồn, Quảng Bình), cán bộ lão thành của Ty GTVT Quảng Bình, người từng trực tiếp chiến đấu ở 2 bờ sông Gianh, không khỏi ngậm ngùi. Ông Hoàng cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Bình ở tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nơi đây được mệnh danh là vùng “cán xoong”, là “yết hầu” của mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến. Riêng khu vực bến phà Gianh có vị trí giao thông đặc biệt quan trọng cả ở trên bộ và dưới thủy.

Ngoài vị trí đặc biệt trên tuyến đường Bắc-Nam, nơi đây còn là điểm xuất phát của tuyến đường vận chuyển từ Ba Trại đi Thọ Lộc, nối với đường Hồ Chí Minh và đường 20 quyết thắng… Chưa hết, khu vực này còn là nơi khởi đầu của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển; là nơi ra đời đơn vị vận tải quân sự đầu tiên “Tiểu đoàn 163 - Tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Nơi mà những con tàu “không số” lặng lẽ vượt biển đưa vũ khí, đạn dược của hậu phương miền Bắc chi viện cho lực lượng cách mạng ở miền Nam đánh thắng Mỹ - Ngụy, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, quân thù luôn dành sự “chăm sóc đặc biệt” với phà Gianh. Chỉ tính riêng trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã sử dụng đủ các loại máy bay, tàu chiến thực hiện 2.791 trận đánh phá, dội xuống nơi đây hàng vạn tấn bom đạn.

Ngày 12/11/2018, Công đoàn GTVT Việt Nam đã có văn bản đề nghị các Công đoàn trực thuộc phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tùy vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình, kêu gọi các nguồn lực, đặc biệt là sự ủng hộ từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đầu tư xây dựng Cụm Tượng đài GTVT phía Nam cầu Gianh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Điển hình là trận địch đánh phá vào đêm cuối tháng 8/1966. Đêm ấy Ty Giao thông Quảng Bình nhận được mật lệnh chuẩn bị đảm bảo giao thông cho “đoàn xe đặc biệt” vượt sông. “Lúc đoàn xe vượt sông, chúng tôi mới biết đó là xe chở pháo và tên lửa. Lúc đầu, Trung ương dự định cho đoàn xe đi đường Hồ Chí Minh, nhưng tuyến đường vòng qua rừng với nhiều đèo dốc, quanh co nên rất khó di chuyển, nếu địch phát hiện sẽ rất nguy hiểm. Cuối cùng, Trung ương quyết định bằng mọi cách phải chuyển pháo và tên lửa đi đường ngắn nhất, nhanh nhất”, ông Hoàng nhớ lại.

Trong bối cảnh, thời gian cấp trên giao vỏn vẹn chỉ 3 ngày mà toàn bộ đường và bến phà đã bị địch phá hủy. Trên sông cũng chỉ còn duy nhất một chiếc phà có thể sử dụng được. Lúc này, Ty GTVT và Tỉnh đội Quảng Bình lên kế hoạch huy động tất cả lực lượng từ TNXP, dân quân tự vệ, công nhân các công trường ở bốn xã: Bắc, Thanh, Mỹ, Hạ của huyện Bố Trạch với hơn 500 người, cùng một đại đội xe cơ giới của Công ty ô tô Quảng Bình về bến sông Gianh khẩn trương làm cầu, đường cho xe qua.

Với phương châm “địch đánh thì ta nấp, địch về thì ta làm”, trong hai ngày đêm không nghỉ, đoạn đường lát gỗ thông dẫn xuống bến phà tạm ở hai bờ sông Gianh đã hoàn thành. Tới 22h ngày thứ 3, khi mọi việc đã hoàn tất, chỉ chờ thông xe thì mật thám của địch phát hiện, chỉ điểm cho máy bay đánh đúng nơi các công nhân làm đường đang tập trung. Những trận bom như vãi trấu lần lượt rải xuống nơi đây. Trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ, 89 người đã hy sinh, 154 người bị thương. Đây có thể nói là trận đánh của địch gây thiệt hại lớn nhất cho lực lượng GTVT làm công tác đảm bảo giao thông phục vụ kháng chiến.

Trước tình thế cấp bách, Ban chỉ huy công trường phải tổ chức họp khẩn tại chỗ và đi đến thống nhất: Chia lực lượng trên công trường làm ba mũi, trong đó, hai mũi tiếp tục khắc phục đoạn đường hư hỏng, mũi còn lại cứu giúp người bị thương. “Ba giờ sau đường thông trở lại, đoàn xe bắt đầu qua phà vượt sông. Đến 4h30 sáng, sau khi đoàn xe qua sông an toàn, các công nhân trên công trường mới quay trở lại tìm thi thể những đồng chí, đồng đội đang còn vùi lấp dưới lớp đất đá ở 2 bờ sông Gianh”, ông Hoàng rưng rưng.

Cũng theo ông Hoàng, khi nhắc đến đau thương ở khu vực phà Gianh không thể không kể đến vụ rải bom thảm sát ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch ngày 13/1/1973 làm 156 người chết và hàng trăm người bị thương, trong đó có 35 thành viên của Đội TNXP 283 vừa chi viện từ tỉnh Hưng Yên vào đã hy sinh.

Tượng đài sông Gianh - tấm lòng người còn sống

Theo thống kê, chỉ trong 10 năm chiến đấu bảo đảm cho mạch máu GTVT thông suốt trên mảnh đất Quảng Bình, đã có hơn 8.000 liệt sỹ và hàng chục ngàn người bị thương tật, cống hiến máu xương của mình để giữ vững mạch máu GTVT, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hiện, Quảng Bình có bốn nghĩa trang liệt sỹ ngành GTVT, TNXP và hàng chục nghĩa trang liệt sỹ khác còn mộ phần liệt sỹ của ngành, tuy nhiên chưa có bất cứ công trình nào để tri ân, tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp GTVT.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình tâm sự: Việc đầu tư xây dựng Tượng đài GTVT sông Gianh tại phía Nam cầu Gianh, thuộc địa phận xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch là mong mỏi của không chỉ quân và dân Quảng Bình, mà còn là nguyện vọng tha thiết của lớp lớp cán bộ, chiến sỹ ngành GTVT, công binh và TNXP đã từng chiến đấu trên mảnh đất này. Công trình này sẽ là biểu tượng Anh hùng của ngành GTVT trên tuyến lửa Quảng Bình, là chứng tích tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, ghi dấu những chiến công của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ GTVT trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Góp phần vào sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng “Uống nước, nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Theo phương án thiết kế kiến trúc được lựa chọn qua thi tuyển, tượng đài GTVT sông Gianh sẽ được xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 2,1ha với các hạng mục đồng bộ. Trong đó, điểm nhấn của phần trung tâm là tượng đài cao 36m cách điệu hình tượng ngọn cờ báo hiệu thông tuyến và cánh buồm vươn khơi; cột biểu tượng vươn cao ghi tạc hình tượng điển hình của các loại hình GTVT, tạo bố cục lớp lớp tiếp nối vươn lên. Cụm nhân vật là hình tượng 5 chiến sĩ tiêu biểu của ngành GTVT, đó là hình tượng nam TNXP tay cầm đèn, phất cờ thông tuyến; hình tượng nữ TNXP cầm cuốc xông lên sẵn sàng phá bom mở đường; hình tượng nam công nhân giao thông vận tải sẵn sàng cho tiền tuyến; hình tượng nam công nhân lái phà; và hình tượng nữ dân công thồ xe tải đạn, mang tấm lòng hậu phương tiếp lửa cho tiền tuyến. Tất cả được đặt trên cấu trúc bệ với hình tượng con phà băng băng vượt sóng. Ngoài ra, còn có nhiều công trình phụ trợ khác như: Sân hành lễ, nhà lưu niệm, bãi đỗ xe, khu phụ trợ, chứng tích chiến tranh... Tổng mức đầu tư khoảng 69 tỷ đồng, được huy động dưới hình thức xã hội hóa.

“Hiện, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định giao đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết, chủ trương đầu tư dự án. Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất chủ trương xây dựng. Công đoàn GTVT Việt Nam cũng đã có thư kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn cho thực hiện dự án còn rất hạn hẹp. Để công trình sớm hoàn thiện, Quảng Bình mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước”, ông Hải cho hay.

Văn Thanh - Sỹ Hòa

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chung-tay-xay-dungtuong-dai-gtvt-song-gianh-d409089.html