Chung tay xây dựng quê hương Tân Trào giàu đẹp

75 năm đã qua kể từ khi Bác Hồ và Trung ương Đảng về xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), chọn nơi đây làm căn cứ địa để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước, những ký ức về Bác luôn in đậm trong trái tim người dân Tân Trào. Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ, đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tân Trào hôm nay không ngừng vượt khó vươn lên, chung tay xây dựng quê hương 'Thủ đô kháng chiến' mỗi ngày thêm giàu đẹp.

Chúng tôi trở lại xã Tân Trào vào những ngày đầu tháng Tám và được chứng kiến các hoạt động kinh doanh buôn bán, lao động sản xuất, phục vụ du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào của người dân diễn ra sôi động. Trong số hàng trăm du khách đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, không ít người từng nhiều lần về với Tân Trào, ai cũng bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” từng ngày trên quê hương cách mạng.

Dẫn chúng tôi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của địa phương, đồng chí Trương Văn Bình, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tân Lập, xã Tân Trào phấn khởi giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Tân Lập, như: Mật ong, nhãn, bưởi, thanh long, gạo, chè... đang dần có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, Chi bộ thôn Tân Lập có 35 cán bộ, đảng viên, nhiều năm liền được công nhận chi bộ trong sạch, vững mạnh. Một số gương điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế là đảng viên của chi bộ được tuyên truyền và nhân rộng trong quần chúng nhân dân. Bí thư chi bộ Trương Văn Bình là người đầu tiên trong thôn đăng ký xây dựng nhãn hiệu gạo Tân Trào nổi tiếng.

 Khách du lịch người nước ngoài mua quà lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Khách du lịch người nước ngoài mua quà lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Ở vùng quê cách mạng Tân Trào, có lẽ ai cũng biết đến anh Ma Khắc Tuy, một trong những đảng viên trẻ tiêu biểu của Chi bộ thôn Tân Lập. Anh Tuy là người dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong chuyển đổi mô hình sản xuất, vươn lên trở thành hộ làm kinh tế giỏi. Trước đó, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, Ma Khắc Tuy quyết định về quê lập nghiệp. Anh mạnh dạn vay vốn, lấp ao, cải tạo vườn tạp, trồng hơn 100 cây bưởi da xanh và một số cây ăn quả có giá trị. Đến nay, hệ thống vườn-ao-chuồng của anh Tuy cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm, là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu để người dân trong thôn, ngoài xã tham quan, học tập.

Trao đổi với đồng chí Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Trào, chúng tôi được biết, toàn xã hiện có 1.200 hộ/5.000 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2012, Tân Trào vinh dự được tỉnh Tuyên Quang chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến tháng 12-2014, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, trở thành xã NTM đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, về đích trước một năm so với kế hoạch. Thời gian tới, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tân Trào tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, trọng tâm là phát triển cây chè, dịch vụ du lịch... Cùng với đó, tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân để xây dựng hạ tầng du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương...

Chia tay quê hương cách mạng Tân Trào trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, vẫn vẹn nguyên trong chúng tôi ấn tượng sâu đậm về một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, tự lực cánh sinh, nỗ lực vượt khó, vững vàng đi lên trên con đường đổi mới.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/chung-tay-xay-dung-que-huong-tan-trao-giau-dep-633675