Chung tay vì sự sống 2018

TGTTO Chiều 18/10 tại tỉnh Ninh Bình đã diễn ra lễ phát động hiến mô tạng mang tên 'Chung tay vì sự sống'. Chương trình có sự tham gia của những người hiến tặng mô, tạng. Họ chính là những người hùng sống, giúp cho cuộc đời thêm ý nghĩa.

Lễ phát động phong trào đăng ký hiến mô tạng tại Ninh Bình chiều 18/10

Ông Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ, tại Việt Nam luôn có hàng ngàn người bệnh đang cận kề với cái chết vì họ mang những căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến mô, tạng. Để được sống, họ chỉ có một con đường là ghép mô, tạng. Nhiều bệnh nhân đã chết vì không thể chờ được nguồn mô, tạng để ghép.

Trong khi đó, hàng ngày, hàng giờ có rất nhiều bệnh nhân chết/chết não có thể hiến tặng mô tạng để tiếp nối sự sống.

Hằng năm tại Việt nam có hàng chục nghìn người bệnh giai đoạn cuối đang chờ chết vì thiếu ghép tạng. Trong khi đó, thống kê cho thấy, năm 2017 tại Việt Nam mới có 673 ca ghép tạng. Như vậy hàng chục ngàn người đã không được thừa hưởng thành tựu này.

Chúng ta đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người từ 2006. Nhưng đến nay mới có 82 người chết hiến tạng. Trung bình mỗi năm chỉ có 10 người. Nếu tính theo tỉ lệ dân số thì 1 triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết. Trong khi ở Úc là 20,7 gấp ta 200 lần và ở Mỹ là 31,6, hơn chúng ta 300 lần.

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, 5 năm sau khi thành lập, Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thực hiện công tác điều phối mô, tạng cứu sống được nhiều người bệnh hiểm nghèo. Trong công tác điều phối đã có nhiều trường hợp tạo nên sức lan tỏa, có ý nghĩa nhân văn to lớn cho cộng đồng, như trường hợp hiến giác mạc của bé Hải Anh.

Trung tâm cũng thường xuyên thực hiện những ca vận chuyển mô, tạng đến các cơ sở y tế trong cả nước để kịp thời cứu chữa cho những bệnh nhân nặng đang chờ ghép mô, tạng.

Trường hợp vận chuyển mô, tạng vượt gần 2000 km từ TP.HCM ra Hà Nội để thực hiện ghép gan cứu sống bệnh nhân Trần Văn Hải là một điển hình. Hay vận chuyển quả tim từ Hà Nội vào TP.Huế cho bệnh nhân cần ghép tim.
Trong những năm qua, có rất nhiều bệnh nhân cận kề cái chết đã được cứu sống kịp thời nhờ phương pháp ghép tạng. Phía sau những thành công đó, ngoài công lao của các nhà khoa học, đội ngũ y bác sỹ, những người làm công tác điều phối, thì những người đóng vai trò quan trọng nhất chính là thân nhân của những người đã hiến mô tạng.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là một trong những địa phương đứng đầu về hiến giác mạc với 15.000 người tham gia đăng ký hiến. Thời gian tới, Hội chữ thập đỏ Ninh Bình sẽ tiếp tục vận động nhân dân hiến mô tạng.

Cuộc Hội thảo hôm nay diễn ra tại Ninh Bình là cuộc hội tụ 3 trong 1: Hội vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia và Hội ghép tạng Việt Nam. Mỗi tổ chức có nhiệm vụ khác nhau,
nhưng đều đến một mục đích chung là phát triển lĩnh vực ghép tạng Việt Nam, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cuối buổi Lễ phát động Chung tay vì sự sống đã diễn ra phần đăng ký hiến mô tạng tập thể với hàng trăm người tham gia...

PHẠM HƯƠNG GIANG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chung-tay-vi-su-song-2018-15469.html