Chung tay vì một Việt Nam không có bom mìn

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cho đến hiện nay vẫn còn rất nhiều người đang phải gánh chịu nỗi đau do bom mìn, vật liệu còn sót lại sau chiến tranh. Theo số liệu được công bố tối 3-4, hiện, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Tại 49 tỉnh đã ghi nhận 919 người bị chết và 894 người bị thương do bom mìn.

Bộ đội Công binh rà phá bom mìn. Ảnh: Tống Hoàng Quân

Ngày 18-2-2016, trong lúc di làm nương, ông Giàng Quáng Cổ, dân tộc Hán, ở thôn Vàng Chá Phìn, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, Hà Giang phát hiện 7 quả mìn tại khu vực tiếp giáp Trạm Kiểm soát Biên phòng Cao Mã Pờ, Đồn Biên phòng Tùng Vài, cách mốc 292 khoảng 150m. Trong trường hợp này, may mắn là ông Cổ kịp thời phát hiện có mìn, nếu không sẽ không ai lường trước được hậu quả, bởi đây là khu vực người dân thường qua lại khi đi làm nương.

Chúng tôi được biết, ngay sau khi phát hiện, Đồn Biên phòng Tùng Vài đã cử lực lượng xuống hiện trường tiến hành lập biên bản vụ việc, vẽ sơ đồ, tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, khoanh vùng, cắm biển báo khu vực nguy hiểm có mìn, không cho người đi lại lao động sản xuất cũng như chăn thả gia súc ở khu vực trên.

Theo kết quả điều tra, đánh giá tại 11.134 xã của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tính đến thời điểm tháng 12-2014, có 9.116 xã, phường hiện còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở các mức độ khác nhau chiếm 81,87%. Tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ tính đến thời điểm tháng 12-2017 là trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ tỉ lệ ô nhiễm khác nhau. Các loại bom mìn, vật nổ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam rất đa dạng. Tính đến nay, có hàng trăm loại bom mìn, được phát hiện như bom phá, bom bi, đạn pháo, đạn cối, mìn và các loại vật nổ khác.

15 tỉnh có tỉ lệ diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn nhất hiện nay là: Quảng Ninh, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bình Định, Đà Nẵng, Tây Ninh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Dương, Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn nhất (81,36%).

Bom mìn, vật nổ sau chiến tranh đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, tính mạng, cuộc sống, lao động sản xuất của người dân. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, trong 5 năm trước có 49/63 tỉnh có tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Số nạn nhân của bom mìn, vật nổ được báo cáo tại các tỉnh này là 1.813 trường hợp, trong đó, 919 người bị chết và 894 người bị thương. Tỷ lệ tử vong trong tổng số nạn nhân là 50,7%.

Các hoạt động dẫn đến tai nạn và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ là do việc tìm kiếm phế liệu (chiếm 31,19%), chơi đùa nghịch (chiếm 27,55%), đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ. Tiếp đến là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi (chiếm 20,34%) số vụ tai nạn. Có thể nói, do tính chất tự phát của các hoạt động tìm kiếm, thu gom phế liệu và do không hiểu biết về bom mìn, vật nổ nên các hành động tháo, cưa, cắt lấy thuốc nổ và vỏ kim loại của người dân rất dễ gây ra tai nạn và trở thành nạn nhân của bom mìn, vật nổ.

Ảnh hưởng lớn nhất của bom mìn, vật nổ là tác động đến tâm lý và đời sống, kinh tế của người dân. Đã có nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các địa phương đã bị ảnh hưởng và tăng chi phí bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ở những nơi còn sót lại càng nhiều bom mìn, vật nổ thì nguy cơ xảy ra tai nạn bom mìn càng lớn. Đất thổ cư bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ 94,7%; đất nông nghiệp 93,2%; đất mặt nước 80,5%. Đây là các loại đất mà hằng ngày người dân thường xuyên sinh sống và làm việc.

Từ hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn và ảnh hưởng của ô nhiễm bom mìn vật nổ đến phát triển kinh tế-xã hội, trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai đồng thời nhiều nhóm giải pháp để thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn như: Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý và triển khai Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; nhóm giải pháp về huy động nguồn lực; về thực hiện rà phá bom mìn; về tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và nhóm giải pháp về triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân.

Bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) thực hiện rà phá bom mìn được 1.100 ha đất tại Hà Tĩnh và 32.200 ha tại Quảng Trị. Năm 2018 sẽ triển khai tại Quảng Bình và Bình Định bằng vốn viện trợ của Chính phủ Hàn Quốc. Dự kiến, hơn 100 năm nữa, Việt Nam mới có thể khắc phục hết ô nhiễm bom mìn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, mang lại bình yên cho cuộc sống.

“Cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người dân; làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn và chất độc hóa học, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, nâng cao nhận thức, quyết liệt hành động để khắc phục hậu quả, giảm nhanh diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học. Làm tốt công tác phòng tránh tai nạn, tích cực hỗ trợ nạn nhân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ra mắt Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, ngày 3-4.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chung-tay-vi-mot-viet-nam-khong-co-bom-min/