Chung tay vì một Trái đất xanh

Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu (BÐKH) và tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên thế giới, được tổ chức lần đầu vào năm 2007.

Từ đó tới nay, Giờ Trái đất trở thành sự kiện cộng đồng lớn nhất thế giới, được tổ chức hằng năm vào tháng 3 với sự tham gia của đông đảo người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Tính đến nay đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng sự kiện này. Tại Việt Nam, chiến dịch Giờ Trái đất lần đầu được Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức vào năm 2009. Qua 10 năm, Giờ Trái đất Việt Nam đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, thay đổi tích cực trong cộng đồng xã hội, người dân về ý thức TKNL và bảo vệ môi trường.

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công thương chính thức phát động Chiến dịch Giờ Trái đất 2019. Sự kiện chính trong chuỗi các hoạt động là nghi thức tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất sẽ bắt đầu từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút tối 30-3. Chiến dịch đã bước sang năm thứ 11 cũng là thời điểm đánh dấu một giai đoạn mới. Với khẩu hiệu "Save Energy, Save Earth - Tiết kiệm năng lượng, Bảo vệ Trái đất", Giờ Trái đất sẽ cùng các đại sứ truyền tải các thông điệp sâu sắc hơn, từ đó lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của chương trình, kêu gọi cộng đồng tích cực hưởng ứng để cùng hành động bảo vệ mái nhà chung của chúng ta. Giờ Trái đất không chỉ là TKNL, mà còn hướng tới thay đổi hành vi, bắt đầu cho lối sống xanh vì một thế giới tươi đẹp hơn cho bản thân mỗi người và cho thế hệ tương lai. Với ý nghĩa đó, Giờ Trái đất là thời gian biểu tượng cho sự kết nối - đồng lòng - cùng hành động của cả cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động về tiết kiệm điện, TKNL, bảo vệ môi trường và ứng phó tình trạng BÐKH toàn cầu.

Chiến dịch năm nay nhằm kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam tham gia các hoạt động TKNL, đơn giản nhất là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ diễn ra sự kiện Giờ Trái đất, sau đó là hành động hưởng ứng xa hơn nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó BÐKH. Theo thông tin ghi nhận, ở thời điểm bắt đầu kết nối cùng Chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu vào năm 2009, nước ta chỉ có sáu tỉnh, thành phố tham gia. Nhưng đến nay, sự kiện này đã nhận được sự hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố, với sự hưởng ứng sâu rộng của các tổ chức, các doanh nghiệp, nhất là người dân.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, mặc dù đã có nhiều cố gắng, Việt Nam là một trong những nước có mức độ sử dụng điện và năng lượng trên GDP cao hàng đầu so với các nước trong khu vực. Nhu cầu sử dụng điện và năng lượng mỗi năm tăng đến hơn 10%, cao hơn tốc độ tăng của GDP, chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm cao hơn các nước có cùng trình độ công nghệ; tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong tổng công suất nguồn điện còn thấp. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn hiệu quả của nền kinh tế nói chung, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và kinh tế các hộ gia đình nói riêng. Hơn nữa, hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang dần cạn kiệt; các nguồn thủy điện có công suất lớn, cơ bản đã khai thác hết. Do đó, chiến lược phát triển năng lượng xanh là giải pháp để vượt qua thách thức nghiêm trọng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Nếu chúng ta sử dụng điện và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn, thì nền kinh tế nói chung, hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ tăng, gánh nặng về chi phí điện năng cho mỗi gia đình sẽ giảm. Sản xuất và sử dụng năng lượng là nguyên nhân chính của phát thải khí nhà kính, là tác nhân quan trọng dẫn đến BÐKH, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người, đến môi trường Trái đất. Vì thế, TKNL vừa là để nâng cao hiệu quả của cuộc sống, của nền kinh tế, cũng chính là để bảo vệ Trái đất. Với ý nghĩa đó, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành, cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần hành động mạnh mẽ với những biện pháp thiết thực, hiệu quả để chung tay bảo vệ hành tinh xanh, mái nhà chung của nhân loại.

BẢO TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/39462302-chung-tay-vi-mot-trai-dat-xanh.html