Chung tay vì môi trường trong lành

Thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có hành động tích cực nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần, đẩy lùi rác thải nhựa. Đặc biệt, theo khảo sát của phóng viên tại một số siêu thị như: Co.opmart Hà Đông, Big C Hồ Gươm, các siêu thị thuộc hệ thống Vinmart và cửa hàng Vinmart+... đã ghi nhận được nhiều sự chuyển biến tích cực khi đưa ra thị trường nhiều sản phẩm thay thế nhằm hạn chế sử dụng nhựa trong cung ứng sản phẩm. Đây là điều đáng ghi nhận, thể hiện sự chủ động trong thay đổi thói quen và nhu cầu sử dụng của người dân.

Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”… Để thực hiện mục tiêu này, nhiều chương trình, kế hoạch đang được mỗi cấp, ngành xây dựng, triển khai, nhưng không thể thiếu ý thức chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường của từng người dân Thủ đô.

Thành phố cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch xóa bỏ bếp than tổ ong, hạn chế rác thải nhựa, không sử dụng túi nilon khó phân hủy, thí điểm đổi rác tái chế, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn…

Túi nilon và các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa được sử dụng rất phổ biến, dù đã có những cảnh báo về tác hại to lớn và nhiều mặt tới môi trường, sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Giang Nam

Túi nilon và các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa được sử dụng rất phổ biến, dù đã có những cảnh báo về tác hại to lớn và nhiều mặt tới môi trường, sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Giang Nam

Rõ ràng, sự “tuyên chiến” với túi nilon, rác thải nhựa đã có và đang đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận để tiến tới thay thế, xóa bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vẫn là câu chuyện dài.

Ở khía cạnh nào đó có thể thấy, những nguyên nhân, rào cản trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa lại xuất phát từ việc các sản phẩm thân thiện với môi trường còn chưa được phổ biến rộng rãi; công nghiệp sản xuất nhựa của Việt Nam chưa phát triển; công nghệ tái chế nhựa còn lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chi phí cao; người dân vẫn chưa hình thành được thói quen phân loại rác sinh hoạt hằng ngày…

Trước những hạn chế này, cơ chế, chính sách là “1 trong 3” nhóm giải pháp lớn cần tích cực triển khai để giảm thiểu rác thải nhựa. Đặc biệt, cần phải có hệ thống cơ chế, chính sách, cụ thể hóa định hướng kinh tế tuần hoàn. Khi đồng bộ từ nỗ lực đến thu gom – phân loại – tái chế, tái sử dụng chất thải đến cơ chế, chính sách khuyến khích những công nghệ “biến rác thải thành tài nguyên”... thì gốc vấn đề mới được giải quyết.

Hơn hết, nhìn rộng hơn câu chuyện thì ý thức, trách nhiệm với cộng đồng và chính sức khỏe bản thân trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường cũng đặc biệt quan trọng. Ý thức này không tự nhiên đã có mà phải được hình thành từ quá trình giáo dục, tiếp nhận, xây dựng quy ước, quy định.

Nhật Bản, từ chỗ từng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở thành quốc gia được coi là sạch nhất thế giới, nhờ việc hình thành ý thức gìn giữ môi trường. Người Nhật sẵn sàng bỏ rác vào túi xách để tìm thùng rác, thậm chí mang về nhà nếu như không tìm được thùng rác…

Bài học kinh nghiệm cho thấy, ý thức có thể hình thành từ khi trẻ em đến trường qua chương trình giáo dục, tiếp nhận từ tấm gương của người lớn; ý thức có thể hình thành qua tuyên truyền, vận động, phổ biến quy định và xử phạt nghiêm khắc cũng chính là một cách giáo dục, hình thành ý thức. Rác thải sẽ trở thành nguồn tài nguyên nếu ý thức, kiến thức về lĩnh vực môi trường được dạy từ bậc học nhỏ tuổi nhất./.

Luyện Đinh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chung-tay-vi-moi-truong-trong-lanh-115852.html