Chung tay ứng phó

Biến đổi khí hậu đã, đang tác động tiêu cực đến trái đất. Để bảo vệ hành tinh xanh cần có trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia và mỗi cá nhân. Hà Nội Ngày nay lược ghi một số ý kiến liên quan tới vấn đề này.

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu:
Phải giảm phát thải khí nhà kính

Biến đổi khí hậu do các quá trình tự nhiên và do tác động của con người. Những nguyên nhân tự nhiên có thể là từ bên ngoài hoặc bên trong, và sự tương tác giữa các thành phần của khí hậu trái đất, bao gồm: Sự thay đổi của các tham số quỹ đạo trái đất, biến đổi trong phân bố lục địa - biển của bề mặt trái đất, thay đổi dòng hải lưu ở đại dương, sự biến đổi về phát xạ của mặt trời và hấp thụ bức xạ, hoạt động của núi lửa.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn do tác động của con người, đặc biệt là hiệu ứng khí nhà kính (KNK) - được định nghĩa là hiệu quả giữ nhiệt ở tầng thấp của khí quyển nhờ sự hấp thụ và phát xạ trở lại bức xạ sóng dài từ mặt đất bởi mây và các thành phần khí quyển. Trong quá trình sinh sống và hoạt động trên trái đất, con người đã thay đổi mục đích sử dụng đất và nguồn nước, làm gia tăng quá mức lượng phát thải KNK vào bầu khí quyển, góp phần dẫn đến biến đổi khí hậu. Có thể dẫn chứng điều này: Gần 1 triệu năm trước cách mạng công nghiệp, KNK mà đại diện là CO2 trong khí quyển có mật độ khoảng 170 đến 280 phần triệu ppm (viết tắt của “part per million” - đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng hay thể tích của một chất trong một hỗn hợp có chứa chất đó, tính theo phần triệu), tuy nhiên, hiện con số này đã ở mức trên 400 ppm, và sẽ còn tăng với tốc độ cao hơn nữa. Hệ quả là làm giảm lượng nhiệt thoát ra không trung từ trái đất, nhiệt được giữ lại một cách tự nhiên khiến nhiệt độ trái đất ngày càng tăng.

Để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, điều quan trọng nhất là giảm phát thải KNK bằng cách hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, bao gồm than, dầu đốt, khí thiên nhiên. Khi sử dụng, những loại này là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và để khắc phục, cần tìm ra giải pháp an toàn hoặc sử dụng nguồn nhiên liệu thay thế như nhiên liệu sinh học... Tiếp đó là bảo vệ tài nguyên rừng bởi việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng sẽ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Thêm nữa, chúng ta cần trồng nhiều cây xanh; không xả rác ra môi trường; tìm thêm nhiều nguồn nhiên liệu mới bên cạnh những nguồn năng lượng an toàn với môi trường như năng lượng từ mặt trời, gió, nhiệt, sóng biển và ethanol từ cây trồng...

Bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Trưởng dự án “văn phòng xanh” của Viện Công nghệ châu As tại Việt Nam:
Nỗ lực thay đổi nhận thức, thói quen có hại cho môi trường

Việt Nam đang phải đối mặt với các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững. Chính điều này là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng biến đổi khí hậu. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc cải thiện hành vi tiêu dùng bền vững của nhân viên và lựa chọn các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên (nước, giấy, văn phòng phẩm...) trong văn phòng/tổ chức sẽ góp phần giảm trung bình 4 - 6% lượng phát thải KNK mỗi năm phát sinh từ hành vi tiêu dùng của nhân viên. Trước thực trạng đó, sáng kiến “Văn phòng xanh” do Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc tài trợ và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam tổ chức thực hiện nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, phát huy sức sáng tạo của mọi cán bộ, nhân viên làm việc trong các văn phòng.

Giải pháp “Văn phòng xanh” sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp giảm chi phí cho tiêu dùng văn phòng (chi phí in có thể giảm đến 30%), từ đó giảm phát thải KNK (có thể giảm đến 10%) và giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc sử dụng điện hiệu quả (thay một bóng đèn ICL 100W bằng một bóng đèn CFL 20W có thể giảm phát thải CO2 bình quân 83kg/năm, sử dụng điều hòa inverter thay cho điều hòa thông thường có thể giảm lượng phát thải CO2 bình quân 283kg/năm)...

Đặc biệt, dự án “Văn phòng xanh” do Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc tài trợ và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam thực hiện đã phát triển một bộ công cụ triển khai lối sống bền vững tại các văn phòng. Bộ công cụ hướng dẫn tổ chức tập huấn nhằm giúp nhân viên thay đổi hành vi hướng đến tiêu dùng bền vững, thực hành bền vững, xây dựng các chính sách tiêu dùng cũng như ban hành các quy định, quy trình thực hiện, lên kế hoạch hành động, sáng tạo, cải tiến không ngừng, nỗ lực giảm phát thải từ các hoạt động của văn phòng mà trong đó, sự đóng góp sáng kiến và tham gia thực hành của nhân viên văn phòng là nòng cốt.

Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn “Văn phòng xanh” còn nhằm giúp văn phòng thiết lập quy trình xác định lượng phát thải KNK, xác định các nguồn chính của khí thải các bon, đề xuất các bước cần thiết để giám sát phát thải KNK cũng như đưa ra hướng dẫn báo cáo thực trạng, thẩm tra phát thải KNK. Sáng kiến “Văn phòng xanh” khuyến khích ý tưởng sáng tạo trong tiêu dùng bền vững của nhân viên, đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến bảo vệ môi trường, lối sống và chống biến đổi khí hậu.

Đoan Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/972819/chung-tay-ung-pho