Chung tay phòng chống sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang ở đỉnh điểm tại các tỉnh miền Trung , với gần 17.200 ca, đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Riêng trên địa bàn Đà Nẵng 2 tuần vừa qua, số ca mắc SXH tăng mạnh.

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang ở đỉnh điểm tại các tỉnh miền Trung , với gần 17.200 ca, đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Riêng trên địa bàn Đà Nẵng 2 tuần vừa qua, số ca mắc SXH tăng mạnh.

Chăm sóc trẻ SXH tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Chăm sóc trẻ SXH tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Cần phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả từ mỗi gia đình

Ở miền Trung, bệnh SXH năm nào cũng xảy ra nhưng nhiều nơi, người dân chưa thật sự quan tâm đến nâng cao ý thức, chung tay phòng chống SXH. Có những trường hợp bệnh trở nặng gia đình mới đưa đến bệnh viện điều trị dẫn đến bị sốc do giảm tiểu cầu; có trường hợp bị suy đa tạng. Hiện, đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SXH ở tỉnh Bình Định và Khánh Hòa.

Nếu như những năm trước đây, dịch SXH thường xuất hiện ở vùng đồng bằng, khu vực đông dân cư, thì năm nay tại một số địa bàn thưa dân cư cũng đã ghi nhận nhiều ca bệnh. Từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH tại Đà Nẵng giảm gần 50% so với cùng kỳ, nhưng vẫn ở mức cao với hơn 3.360 ca mắc. Thời tiết năm nay diễn biến bất thường nên nguy cơ SXH tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Điều cần quan tâm hơn cả là ý thức phòng chống SXH của người dân chưa được nâng cao, thậm chí một bộ phận người dân còn bất hợp tác với chính quyền và ngành chức năng trong phòng chống dịch bệnh khiến cho nguy cơ dịch bệnh tăng cao, khó khống chế. Công tác truyền thông phòng chống SXH như diệt nguồn bọ gậy là nguyên nhân gây muỗi truyền SXH, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành gây SXH, đi ngủ nằm mùng, vệ sinh môi trường… đã được ngành y tế thường xuyên vận động, tuyên truyền bằng nhiều phương pháp, hình thức sinh động, nhưng thật sự chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Việc phòng chống SXH chỉ thật sự khi cả cộng đồng chung tay cùng ngành y tế, khi mỗi hộ gia đình, mỗi người dân thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống SXH. Thực tế, trong thời gian qua, còn một số người dân không hợp tác trong công tác phun thuốc diệt muỗi, xử lý các ổ dịch gây SXH trong cộng đồng, vì lo ngại thuốc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, có người cho phun thuốc nhưng lại không chỉ cho phun bên ngoài nhà... Do đó, công tác phòng chống SXH kém hiệu quả và việc xử lý các ổ dịch không triệt để, là nguyên nhân khiến các ổ dịch không được giải quyết dứt điểm, dịch bệnh tái phát nhiều lần.

Thạc sĩ, bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, cho biết, trên địa bàn hiện có 60 ổ dịch SXH. Ngay khi phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng đã khẩn trương tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn e ngại phun hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe nên tỷ lệ phun ở một số nơi còn đạt thấp, chỉ khoảng 70%, thậm chí có nơi 50%, dẫn đến hiệu quả không cao. Công tác phòng chống dịch bệnh nếu chỉ trông chờ vào ngành y tế thì rất khó đạt kết quả như mong muốn, cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là ý thức phòng chống SXH từ mỗi hộ gia đình, mỗi người dân.

Dịch SXH đang vào mùa cao điểm

Thời điểm hiện nay, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đang vào mùa mưa, thời tiết biến đổi thất thường, là mùa cao điểm SXH. Hai tuần gần đây, số ca SXH có chiều hướng tăng mạnh, với hơn 400 trường hợp đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng. Địa bàn khu vực miền Trung cũng ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc SXH. Đà Nẵng triển khai đồng loạt nhiều giải pháp hiệu quả phòng chống SXH, đặc biệt là công tác giám sát tình hình dịch bệnh, nhằm kiểm soát chặt chẽ và xử lý hiệu quả các ca SXH, tất cả các ổ dịch SXH. Qua kiểm tra ngay tại các ổ dịch nhỏ SXH, đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi và vận động người dân diệt bọ gậy, vì nếu còn bọ gậy thì vẫn sinh ra muỗi truyền bệnh SXH. Tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát thấy mật độ bọ gậy tại các khu dân cư vẫn còn rất cao, nên vấn đề xử lý các ổ dịch nhỏ tại các địa phương chưa mang lại hiệu quả thực sự. Đó là lý do tại sao nhiều khu vực đã tiến hành xử lý hóa chất nhiều lần nhưng vẫn xuất hiện bệnh nhân tại khu vực đó.

Để phòng chống SXH hiệu quả hơn trong thời gian tới, ngành y tế TP Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả: tăng cường công tác truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong phòng chống SXH tại các gia đình; đẩy mạnh công tác giám sát các ca mắc SXH trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế; nâng cao hiệu quả công tác xử lý các ổ dịch SXH nhỏ trong khu dân cư…

HỒNG NHẬT

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_198668_chung-tay-phong-chong-sot-xuat-huyet.aspx