Chung tay phát triển đô thị miền Tây

Cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ từ 19 hội viên ban đầu, nay đã lên đến 28/28 đô thị hội viên từ 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ. TP. Cần Thơ với vai trò cụm trưởng, cùng các đô thị hội viên đã tích cực tham gia các hoạt động của cụm và Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN). Song song đó, các đô thị hội viên đã xây dựng kế hoạch và nỗ lực triển khai thực hiện phong trào thi đua năm 2019, góp phần phát triển mô hình quản lý đô thị, tạo cảnh quan và cải thiện môi trường.

Phong trào xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp ở miền Tây

Hội nghị thường niên Cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ lần VII-2018 được tổ chức tại TP. Cà Mau (Cà Mau), chủ đề “Xanh - sạch - đẹp gắn với tăng trưởng xanh”. Chủ đề thi đua này có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn so với các năm trước, khuyến khích các đô thị tăng cường hoạt động, có thêm nhiều sáng kiến mới, hướng tới đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Để tăng mảng xanh trong đô thị, các đô thị ban hành quy định, chính sách khuyến khích những khu ở xanh; quan tâm bảo tồn duy trì mặt nước tự nhiên, hồ điều hòa, hạn chế san lấp kênh, rạch hiện hữu; trồng mới cây xanh trên tuyến đường nội thị, công viên, dải phân cách, khu vực công cộng... Đối với tiêu chí cung cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải, lắp hệ thống chiếu sáng, chỉnh trang khu vực nội thị, các đô thị nghiên cứu, cập nhật công nghệ mới thay thế công nghệ cũ nhằm tiết kiệm năng lượng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ Huỳnh Văn Sáu (thường trực Cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ) thông tin cụ thể hơn: “Ở TP. Cần Thơ, xe điện là phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường, tạo điểm nhấn cho du lịch xanh - sạch - đẹp của thành phố. Dịch vụ này không chỉ đưa du khách ngắm cảnh phố phường, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bến Ninh Kiều, nhất là lúc về đêm lấp lánh ánh đèn, mà còn có thể giúp du khách dừng chân mua sắm, thưởng thức món ăn vặt ở khu chợ đêm Trần Phú... TP. Long Xuyên (An Giang) đẩy mạnh cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, trang trí các tuyến đường, nên chỉ trong thời gian ngắn đã thay đổi diện mạo thành phố. TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) chủ trương giảm thiểu rác thải nhựa, đi đầu là các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng ly giấy và bình thủy tinh thay thế chai nước nhựa; mô hình “Ngày chủ nhật xanh”, “Đường phố chiều thứ sáu”, nhằm tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Cũng ở Đồng Tháp, TP. Sa Đéc là đô thị luôn có những mô hình mới, như: “Tuyến phố bích họa Hùng Vương”, mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa”... TP. Vĩnh Long (Vĩnh Long) ưu tiên nguồn vốn chỉnh trang đô thị, đặc biệt là hoàn thành tuyến kè sông Cổ Chiên, góp phần tạo cảnh quan kiến trúc đô thị tuyến bờ sông”.

Tìm gợi mở cho An Giang

Trong Hội nghị thường niên Cụm năm 2019 vừa diễn ra ngày 18 và 19-9 tại TP. Long Xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định, hội nghị là cơ hội rất tốt để các đô thị trong tỉnh An Giang tạo mối liên kết chặt chẽ với các đô thị trong khu vực và cả nước, từ đó mở rộng quan hệ đối ngoại, không ngừng giao lưu, học tập, hợp tác và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. “Hiện nay, tỉnh có 24 đô thị hiện hữu, bao gồm 2 đô thị loại II, 5 đô thị loại IV và 17 đô thị loại V. Tỉnh đã xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 1 đô thị loại I (Long Xuyên), 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V. Để đạt được kết quả trên, An Giang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, ban hành nhiều chính sách thu hút, mời gọi đầu tư các dự án phục vụ phát triển đô thị. Các đô thị trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều công trình tại địa phương theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; nhiều cách làm mới trong việc thu hút đầu tư, gắn phát triển kinh tế với công tác quy hoạch, phát triển bền vững. Tuy nhiên, An Giang vẫn còn tồn tại một số hạn chế về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư... Chính vì thế, An Giang mong muốn nhận được nhiều ý kiến gợi mở để thấy rõ hơn tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển đô thị của tỉnh” - ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Hội nghị thường niên Cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ được tổ chức hàng năm và luân phiên. Đây là dịp để các đô thị khu vực Tây Nam bộ cùng nhau tổng kết hoạt động trong năm qua, đánh giá các mặt mạnh, yếu để rút ra kinh nghiệm, cách làm mới, mô hình hay, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động của cụm trong các năm tiếp theo. “Sau hội nghị này, TP. Long Xuyên sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển đô thị đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2020, trở thành đô thị sông nước có cảnh quan đẹp bên dòng sông Hậu, phát triển theo hướng văn minh hiện đại; gắn với phát triển bền vững cho hôm nay và mai sau. Thông qua hội nghị, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác về nhiều mặt của các đô thị trong cả nước để giúp cho thành phố ngày càng có cơ hội phát triển bền vững” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Phạm Thành Thái chia sẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/chung-tay-phat-trien-do-thi-mien-tay-a254594.html