Chung tay loại bỏ tham nhũng

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế chống tham nhũng (9-12), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres hối thúc các quốc gia nỗ lực loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng, vấn nạn đang đe dọa sự phát triển của toàn cầu.

Theo TTK LHQ, nạn tham nhũng gây ra thiệt hại lên tới ít nhất là 2.600 tỷ USD, tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp và cá nhân đã "chi" hơn 1.000 tỷ USD tiền hối lộ mỗi năm. Con số này cho thấy một thực tế nguy hiểm: Quy mô và tầm ảnh hưởng của tham nhũng vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng.

Nếu chiến tranh là tội ác phá hoại từ bên ngoài, thì tham nhũng có thể được xem là một loại sâu mọt đục khoét từ bên trong. Không chỉ gây thiệt hại cho các trường học, bệnh viện và nhiều ngành dịch vụ quan trọng, cản trợ hoạt động đầu tư nước ngoài, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thậm chí hủy hoại tính nghiêm minh của pháp luật, tham nhũng còn tiếp tay cho tội phạm, như: Nạn buôn người, ma túy và vũ khí...

Chỉ cách đây vài ngày, Phó tổng thống Ecuador María Alejandra Vicunã đã phải từ chức trong bối cảnh bà đang bị điều tra về cáo buộc từng nhận các “khoản thu không phù hợp” thời kỳ làm Thượng nghị sĩ. Cùng thời điểm đó, tại Brazil, tòa án tối cao nước này chính thức cho phép mở cuộc điều tra liên bang về cáo buộc đối với nghị sĩ Onyx Lorenzoni (người dự kiến sẽ đảm nhận cương vị Chánh Văn phòng của Tổng thống mới đắc cử Jair Bolsonaro) nhận tiền hối lộ của tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu JBS trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2014. Trước đó, tại châu Á, Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia (MACC) đã bắt giữ ông Sundra Rajoo, công dân Malaysia và hiện là Thẩm phán của Ủy ban Đạo đức thuộc Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), với cáo buộc tham nhũng... Rõ ràng, tham nhũng không chừa bất kỳ quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, đã phát triển hay đang phát triển. "Mầm bệnh" này cũng có thể lan ra mọi lĩnh vực và len lỏi vào những tầng lớp lãnh đạo cao nhất.

Đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đấu tranh chống tham nhũng lâu nay trở thành nhiệm vụ trọng tâm và thiết yếu trong việc giữ vững sự ổn định về chính trị và phát triển của đất nước. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của LHQ về phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ năm 2009. Trong 5 năm gần đây, công tác PCTN càng được Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII của Đảng, công cuộc PCTN đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Vốn coi tình trạng tham nhũng và sự miễn trừ là hai yếu tố "ăn mòn", gây mất niềm tin của nhân dân và kích động những người khác có hành vi tương tự, Đảng và Nhà nước ta kiên quyết xử lý các trường hợp tham nhũng, đục khoét, qua đó củng cố được niềm tin trong nhân dân, nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế. Đề cập cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam trong hai năm qua, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định: "Đây không chỉ là xử lý một nhóm quan chức có sai phạm mà còn giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống quản trị, pháp quyền và thói quen "chung chi" đã ăn sâu trong một số người, do đó được người dân rất ủng hộ". Đồng quan điểm này, Giáo sư Dennis McCornac (Đại học Loyola Maryland, Mỹ) cho rằng, rõ ràng là mọi chuyện đã có chuyển biến khi luật pháp nghiêm minh hơn. Hiện, giới đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, không còn nhũng nhiễu, hối lộ.

Được biết, riêng trong năm 2017, ngành kiểm tra của Đảng đã tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 3.600 tổ chức đảng và gần 10.400 đảng viên. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn 300 tổ chức đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực tại Việt Nam cũng đang dần dần trở thành phong trào của toàn dân. Có được sự chung tay, góp sức to lớn như vậy, công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta chắc chắn sẽ còn gặt hái được những thành công mới.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chung-tay-loai-bo-tham-nhung-557578