Chung tay lo Tết cho giáo viên

Dù không phải câu chuyện mới nhưng Tết cho giáo viên năm nào cũng là chủ đề nhiều tâm tư, nhiều ước muốn. Bởi vẫn còn không ít các nhà giáo có mức thưởng Tết rất eo hẹp, có hoàn cảnh khó khăn. Chăm lo Tết cho giáo viên là câu chuyện không riêng của ngành Giáo dục, mà cần sự sát sao của các địa phương và sự chung tay của toàn xã hội.

Ông Vũ Minh Đức Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam từng chia sẻ: “Chúng tôi rất áy náy khi nhận được thông tin, có những nhà trường, giáo viên được thưởng Tết chỉ từ 50 đến100 ngàn đồng/người”. Nhưng có lẽ những thông tin như thế này sẽ còn trong nhiều năm nữa, bởi hiện nay, ngân sách rót cho giáo dục có khoản chi hành chính. Các nhà trường sử dụng khoản này để chi cho các hoạt động, từ chăm lo lễ Tết, cho đến những ngày lễ như 20/11, 20/10… cho các thầy cô giáo. Tuy nhiên, những khoản này rất hạn hẹp.

Công đoàn ngành hiện tại cũng có quỹ “Mái ấm công đoàn” để hỗ trợ các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, hoặc các thầy cô đang công tác vùng sâu vùng xa. Mỗi dịp Tết, Công đoàn Giáo dục huy động thêm các doanh nghiệp, trường ĐH, các địa phương có điều kiện tốt hơn để chung tay chăm lo cho thầy cô.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng trong Lễ khánh thành và trao tặng nhà “Mái ấm công đoàn” cho giáo viên Trường Mẫu giáo Bình Minh huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk

Nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT và Công đoàn đều quan tâm đến các thầy cô giáo công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đặc biệt mỗi dịp lễ Tết. Trong đó có thể kể đến chương trình “Tết sum vầy” cho giáo viên cắm bản ở vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố, đặc biệt các tỉnh có địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn quan tâm các thầy cô; huy động các trường ĐH, công đoàn giáo dục các vùng thuận lợi tặng quà, hỗ trợ chăm sóc Tết cho giáo viên vùng sâu, vùng xa…

Tuy nhiên, số thầy cô công tác vùng sâu, vùng xa, các thầy cô có đời sống khó khăn… còn rất nhiều, trong khi mức lương, thưởng so với nhu cầu thực tế còn khoảng cách xa.

Ông Vũ Minh Đức cho rằng, ngành mong muốn có chế độ cố định cho thầy cô dịp Tết, nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào địa phương, vì theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đội ngũ giáo viên do địa phương quản lý. Trong điều kiện kinh tế địa phương, nếu có thể được thì cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm dành một khoản vào dịp tết động viên các thầy cô thì rất tốt.

Đa số giáo viên cả nước chỉ có mức thưởng Tết eo hẹp, hoàn cảnh của nhiều thầy cô vùng sâu vùng xa còn rất khó khăn

Nhiều địa phương trên cả nước cũng có nhiều hình thức quan tâm, động viên các thầy cô dịp Tết. Tại Hà Nội, công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với Sở GD&ĐT đã tổ chức gặp mặt các nhà giáo là vợ, các em học sinh là con các chiến sỹ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Đây là hoạt động thường niên của ngành Giáo dục Thủ đô nhằm động viên vợ, con các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Đồng thời thực hiện chính sách hậu phương quân đội, giúp các đồng chí yên tâm công tác.

Theo ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thì bên cạnh các hoạt động quan tâm đến giáo viên và học sinh diện chính sách, ngành GD&ĐT Hà Nội luôn có các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống CBGV,NV và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhân dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi, ngành Giáo dục Thủ đô đã hỗ trợ 196 cán bộ giáo viên, nhân viên và 1.162 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hỗ trợ 719.000.000đ.

Đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tặng quà cho các nhà giáo là vợ của các chiến sỹ đang công tác tại Trường Sa

Ông Phan Trọng Tuệ - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Bắc Kạn cho biết: Trước mắt, Công đoàn đã tổ chức tặng quà cho 12 giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá là 6 triệu đồng.

Ngoài ra, hướng dẫn các địa phương, các trường tổ chức tất niên, liên hoan văn nghệ, các trò chơi dân gian cho giáo viên và HS. Từ nay đến Tết Nguyên Đán, Công đoàn ngành tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, các cơ quan doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hỗ trợ giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn vui xuân đón Tết, để không giáo viên nào bị bỏ lại phía sau.

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM Nguyễn Thị Gái, công tác chăm lo Tết Kỷ Hợi năm 2019 được tiến hành đồng bộ ở cả 2 cấp gồm công đoàn cơ sở (CĐCS) và công đoàn ngành, nhằm chăm lo cho NGNLĐ có hoàn cảnh thật sự khó khăn đang công tác tại các đơn vị, các cơ sở GD trực thuộc.

Theo kế hoạch, ban chấp hành CĐCS chủ động phối hợp với thủ trưởng, người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết, đồng thời công bố kế hoạch cho toàn trường để tạo sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, công đoàn các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho NGNLĐ như chế độ tiền lương, tiền thưởng thi đua, tiền tiết kiệm tăng thu nhập (đối với đơn vị công lập) và tiền lương, tiền thưởng thi đua, thưởng Tết (đối với đơn vị ngoài công lập)…

Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng có những sự chia sẻ, chung tay lo Tết cho giáo viên. Đó là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, giải pháp căn bản và lâu dài của việc cải thiện đời sống giáo viên, và giúp các giáo viên có cái Tết ấm no hơn chính là việc phải làm sao để thầy cô có thể sống được bằng lương, để các thầy cô yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chung-tay-lo-tet-cho-giao-vien-135802.html