CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG CHỐNG RÁC THẢI NHỰA

Các đồ dùng bằng nhựa, túi nilon bắt đầu được con người sử dụng khoảng trên dưới 70 năm trở lại đây. Hiệu quả từ những sản phẩm nhựa và túi nilon mang lại là không thể phủ nhận.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018, mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa và hơn 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.

Thế nhưng, ngoài những ưu điểm mang lại thì hệ lụy từ rác thải nhựa đã thấy rất rõ. Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, loại chất dẻo dùng để sản xuất đồ dùng nhựa, túi nilon để phân hủy thì cần thời gian 500-1.000 năm, trong khi một sản phẩm như túi nilon để sản xuất chỉ mất 5 giây. Báo cáo cũng chỉ rõ, hiện gần 1/3 số túi nilon và đồ dùng nhựa mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý. Tính đến nay đã có hàng tỷ tấn rác thải từ nhựa đang tồn lưu trên Trái Đất chưa được xử lý.

 Thu gom rác thải nhựa. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Thu gom rác thải nhựa. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Rác thải nhựa đã và đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống con người. Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, vi hạt nhựa ẩn chứa các nguy cơ đến phổi, đường hô hấp. Trong chất thải nhựa chứa khí carbon và hydro nên khi bị đốt cháy sẽ thải ra khí độc hại với con người. Đặc biệt, khi chất thải nhựa được đốt lên, chúng sẽ sản sinh ra chất dioxin và furan-hai loại hóa chất độc hại dù tiếp xúc chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây tử vong, đồng thời gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ozone. Những chất thải nhựa, túi nilon ngoài đại dương, trong môi trường nước có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật và nhiễm vào con người khi sử dụng thực phẩm.

Nhận rõ những nguy hại từ rác thải nhựa, sản phẩm túi nilon, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 40% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến năm 2020 là giảm 65% so với năm 2010.

Thế nhưng thực tế, theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, khối lượng sử dụng túi nilon khó phân hủy không những không giảm mà còn tăng theo cấp số nhân. Điều đáng nói là việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng với số lượng chóng mặt. Năm 2016 là hơn 18,5 nghìn tấn, năm 2017 là gần 91.000 tấn, và chỉ 9 tháng năm 2018 đã là hơn 175.000 tấn.

Trong lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa ngày 9-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh tác hại của rác thải nhựa đến môi trường và kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị và mỗi người dân cần thực hiện phương châm nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa để toàn xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, tất cả cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần không sử dụng chai nước dùng một lần trong các hội nghị, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ mà thay thế bằng các sản phẩm sử dụng nhiều lần, các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, nhận thức sớm tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường nói chung, hậu quả sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon nói riêng, từ nhiều năm trước, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong Tổng cục Hậu cần và ngành hậu cần quân đội, đồng thời giao cho cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể để giáo dục, quán triệt, triển khai khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm với cấp ủy, người chỉ huy cấp trên về công tác này. Ngoài việc thực hiện ở cơ quan, đơn vị, Tổng cục Hậu cần còn kêu gọi mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ còn phải là một công dân mẫu mực, một tuyên truyền viên tích cực, gương mẫu ở địa phương.

Hành động ngay hôm nay và hành động ngay bây giờ như ở Tổng cục Hậu cần, hay những phong trào “Chủ nhật xanh” tại Huế, “Không rác thải nhựa” tại Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam)… cần được phát huy, nhân rộng trong cả nước. Chỉ khi nhận thức, quyết tâm và hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị được và mỗi người dân được thực hiện, chúng ta mới có thể tránh được hậu quả nghiêm trọng mà rác thải nhựa gây ra đối với con người.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/chung-tay-hanh-dong-chong-rac-thai-nhua-581183