Chung tay gìn giữ 'báu vật xanh' của làng

Khi thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội thì việc chung tay giữ rừng, bảo vệ rừng như 'báu vật xanh' của dân làng Nghi Sơn là một điều đáng quý.

Cây trong rừng Cấm Miếu có đường kính cả một người ôm. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Cây trong rừng Cấm Miếu có đường kính cả một người ôm. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam được bao bọc bởi dãy núi Hòn Tàu bốn mùa mây trắng. Người dân ở làng vẫn luôn tự hào khi nhắc đến khu rừng xanh ngút ngàn có tên Cấm Miếu rộng chừng 10 ha gồm các cây quý như oẳn, sơn, mít nài... có tuổi đời hàng trăm năm được người dân xem là báu vật.

Với những người trẻ, họ không biết rõ khu rừng cạnh làng mình có từ đời nào, chỉ biết rằng ngay từ thời còn bé, rừng đã đứng vững chãi, như bình phong che chắn mưa bão cho làng. Chính vì vậy, người dân nơi đây canh giữ khu rừng nghiêm ngặt như canh giữ báu vật.

Cụ Phạm Đăng (80 tuổi), người dân làng Nghi Sơn, cho biết: Khu rừng cấm này có từ thuở “khai thành lập thất”. Nguyên thủy rừng có tên là Cấm, vì có nhiều miếu nên gọi là Cấm Miếu, nghĩa là cấm kỵ, không được đụng vào.

Cái quý nhất của rừng Cấm Miếu là giữ được thảm rừng bản địa với đủ loại cây gỗ quý, không khác gì những khu rừng nguyên sinh. Người trong làng đã bảo vệ nó bằng những quy định ghi rõ trong hương ước.

"Hương ước của làng ghi rất rõ: “Cấm cư dân trong làng vào rừng chặt củi làm than. Nếu vi phạm sẽ bị làng xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đòn roi, nghiêm trọng hơn thì đuổi ra khỏi làng”. Cứ thế, suốt cả mấy chục năm sau chiến tranh, ở làng này không ai dám chặt phá rừng. Nhờ vậy rừng Miếu Cấm mới tồn tại xanh tươi được như hôm nay", cụ Phạm Đăng cho biết.

Theo ông Trần Quốc Toàn (65 tuổi), người làng Nghi Sơn, từ thưở nhỏ, người dân trong làng đã ý thức, có trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng. Không ai phá rừng, chỉ tìm cách để bảo vệ rừng.

Dân làng Nghi Sơn đồng tâm bảo vệ rừng, mỗi nhóm gia đình cử 2-3 người luân phiên nhau đi kiểm tra hằng tuần, nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi thì lập tức báo tin. Những năm gần đây, phong trào trồng keo, bạch đàn để phát triển kinh tế nhiều nhưng không ai dám động vào rừng cấm.

"Cứ đời này qua đời khác, người dân Nghi Sơn coi rừng như tính mạng của mình. Trong tâm trí của người dân, "mất rừng là mất làng, còn rừng thì còn làng". Cánh rừng là báu vật, là tấm bình phong che chở dân làng mỗi mùa mưa gió, bão lũ", ông Toàn chia sẻ.

Người dân làng Nghi Sơn chung tay bảo vệ khu rừng có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Bùi Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cho hay, nhiều đời đã qua, người dân trong làng vẫn luôn gìn giữ và bảo vệ khu rừng như là một phần máu thịt của mình, không ai xâm phạm đến rừng.

Làng Nghi Sơn hiện có gần 150 hộ dân nhưng lại có hơn 250 ha rừng trồng. Nếu tính bình quân thì một năm mỗi hộ kiếm được từ 50-60 triệu đồng từ việc bán gỗ. Có thể nói, thôn Nghi Sơn là thôn “giàu” nhất của xã, và họ có được điều đó chính là nhờ rừng giữ nước, giữ đất, ông Hải chia sẻ.

Vào thời điểm hiện nay, khi mà thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt làm ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội, cuộc sống người dân thì việc người dân làng Nghi Sơn thay phiên nhau canh giữ rừng; tích cực phủ xanh đất trống đồi trọc bằng những dự án trồng rừng là một điều đáng quý.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/chung-tay-gin-giu-bau-vat-xanh-cua-lang/422334.vgp