Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

Nhờ những thông tin trên mạng xã hội mà người lớn mới biết tường tận những vụ BLHĐ xảy ra để còn giải quyết và có biện pháp ngăn chặn. Nếu không thì mâu thuẫn học đường càng kinh khủng hơn, sẽ trở thành ung nhọt, khó trị...

Khoa học về tâm sinh lý đã chứng minh, học sinh THCS, THPT là lứa tuổi dễ nổi loạn nhất. Chúng muốn khẳng định mình, thích tách rời khỏi gia đình để tụ tập bạn bè khám phá xu hướng, trào lưu mới. Khi cái tôi vượt ngưỡng chúng sẽ trở nên nổi loạn hơn, thích thành lập nhóm quậy phá kể cả trên thế giới thực và không gian mạng. Từ đó dẫn đến hành vi bè phái, nhục mạ, cô lập những bạn bè nào mà chúng “nhìn thấy ghét”. Đỉnh điểm hơn là đánh đập bạn rồi quay clip đưa lên mạng để chứng tỏ mình là anh cả. Tuy nhiên, trẻ hư ắt phải có nguyên do…

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, một chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng, gia đình chính là yếu tố quan trọng nhất để hình thành nhân cách trẻ. Qua khảo sát các vụ BLHĐ cho thấy trẻ có hành vi bạo lực thì gia đình đều có vấn đề. Nhóm thứ nhất là cha mẹ không quan tâm, bỏ bê con cái, giao phó hết mọi sự giáo dục cho nhà trường. Nguyên nhân là do họ bận bịu việc mưu sinh, hôn nhân tan vỡ, gia đình không hạnh phúc, cha mẹ nghiện ngập, rượu chè, bài bạc… Những đứa trẻ như vậy thường có khuynh hướng bất cần đời, dễ phát sinh hành vi bạo lực hoặc làm theo những hành động xấu bị tiêm nhiễm bởi cha mẹ chúng.

Có một đứa trẻ hay thích vỗ mông, tốc váy bạn học dù nhiều lần bị nhắc nhở, kỷ luật. Khi cô giáo chủ nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình mới biết, mẹ của em đi theo người khác, bố thường xuyên dẫn bạn gái về nhà và có những hành vi vỗ mông, tốc váy bạn gái mà em nhìn thấy. Từ đó em bắt chước bố và áp dụng với các bạn gái học cùng trường. Tương tự, cha mẹ thường xuyên chửi mắng, đánh nhau thì con trẻ sẽ làm theo là điều khó tránh khỏi…

Tập huấn kỹ năng tự vệ cho học sinh ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Tập huấn kỹ năng tự vệ cho học sinh ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Nhóm thứ 2 là gia đình khá giả, ấm êm nhưng xem chúng là con vàng con bạc, nuông chiều và cung phụng hết mực. Đến bữa cơm chúng không ăn cùng cha mẹ mà buộc người giúp việc mang đến tận phòng. Chúng học không giỏi, không có năng khiếu bẩm sinh nhưng cha mẹ cố cho học đủ thứ, bỏ cả việc đi chơi, giải trí… với mong muốn con trở thành thiên tài. Sự kỳ vọng như vậy đè nặng lên đôi vai đứa trẻ khiến em bị áp lực nặng nề.

Vì quen kiểu sống nuông chiều, bảo bọc, đứa trẻ trở nên ích kỷ, không biết giá trị của lao động, không biết coi trọng người khác. Từ đó, khi đến trường va chạm với những điều bình thường bị cô giáo nhắc nhở, bị bạn bè trêu chọc, không chơi cùng… thì phát sinh sinh tâm lý chán nản, ghét mọi người xung quanh và dễ có hành vi bạo lực.

Cũng xuất phát từ lỗi của phụ huynh, tuy xảy ra không nhiều nhưng đã để lại hậu quả nghiêm trọng đó là cách hành xử thô lỗ của cha mẹ khi con mình bị đánh. Cách đây không lâu, chuyện về một người cha hay tin con mình bị đánh đã vào trường bắt cô ra quỳ gối và lôi những đứa trẻ đã đánh con mình ra để đánh ngay trước mặt cô giáo. Cách hành xử như vậy chính cha mẹ không chỉ làm hư con của mình mà còn ảnh hưởng tâm lý của biết bao đứa trẻ khác…

Cũng theo tiến sĩ Đoàn Văn Báu, trong việc đào tạo học sinh ở nhà trường hiện nay là quá nặng về tri thức mà không chú trọng tới việc dạy đạo đức, rèn luyện thể chất như trước đây. Một số nước phát triển họ chú trọng dạy kỹ năng sống từ những điều sơ đẳng trong cuộc sống hàng ngày. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức hoạt động ở sân trường, hoạt động tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân mình.

Các học sinh nội trú ở Nhật Bản phải tự mình làm tất tần tật, còn ở ta cái gì cũng giao khoán cho bên ngoài vào làm, học sinh chỉ có việc học và học. Từ đó chúng không có tính tự lập và thường để mặc hay dựa dẫm, nhờ vả người khác mỗi khi có chuyện liên quan đến mình. Đó cũng là lý do hình thành nên những nhóm học sinh để công kích, dọa nạt, cô lập những ai không nghe lời.

Còn đối với giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy các em, nhiều người còn thiếu kỹ năng sống thì làm sao có thể giúp các em hoàn thiện mình. “Lúc có quy định cấm giáo viên dạy thêm, con tôi đi học thêm, cô giáo bảo nếu ban giám hiệu hay bất cứ ai hỏi thì nói là học cô khác dạy nhé để cô đó bị kỷ luật vì cô rất ghét cô đó. Rồi có lần, bạn cùng lớp con tôi hát rất hay nhưng không được cô giáo chọn đi thi hội diễn cấp quận, nguyên nhân theo cô giáo là do “những ngày lễ, Tết ba mẹ bạn ấy không biết điều!”.

Chuyện BLHĐ tôi hỏi trường con có xảy ra không, con tôi bảo đánh, chửi nhau hàng ngày mà thầy cô dặn đừng nói cho ai biết, kể cả ban giám hiệu. Tôi nghe những câu chuyện như vậy mà rụng rời tay chân” - chị Thu Tuyết, một phụ huynh học sinh lớp 9, ngụ TP Thủ Đức bức xúc chia sẻ.

Học sinh phổ thông ngày nay hầu hết đều biết sử dụng điện thoại thông minh để truy cập mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok… Trên đó có nhiều điều hữu ích nhưng cũng lắm nội dung mang tính kích động, bạo lực hoặc có định hướng sai cho các em. Những năm gần đây còn xuất hiện nhiều giang hồ mạng livestream cởi trần, mình xăm vằn vện dạy đủ thứ đạo đức trên đời, phần nhiều là dạy trẻ bạo lực, dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn và sống dối gian để có lợi cho mình. Người lớn nghe một lần là “một đi không trở lại” nhưng đối với giới trẻ thì đó là thần tượng, tôn sùng họ như những người thầy. Giang hồ 3.H là một trong số đó, anh ta có lượng “fan hâm mộ” khá hùng hậu, nói gì cũng nghe, nói gì cũng “thưa thầy”. Sở dĩ H. “thành công” như vậy vì những câu từ, lời nói, cách hành xử rất giang hồ đó rất dễ tác động vào tâm lý các em trong lứa tuổi nổi loạn, thích khám phá, thích khẳng định mình, thích tách rời gia đình để khẳng định cái tôi của mình.

Theo các chuyên gia, cha mẹ, thầy cô phải biết định hướng để các em sử dụng mạng xã hội một cách có chọn lọc. Bởi mặt tích cực mà mạng inetrnet nói chung và mạng xã hội mang lại là vô cùng lớn lao, tất nhiên tiêu cực cũng nhiều. Nó cũng y như ngoài đời thực, chúng ta phải biết cho con chọn bạn mà chơi, như kiểu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng!”. “Trong khi các “giang hồ mạng” dạy gì trẻ cũng nghe, còn các giáo sư, tiến sỹ nói nhiều điều hay, bổ ích thì HS lại không muốn nghe. Vì chúng ta làm quá chỉn chu, quá khoa học, quá cầu toàn, không phù hợp với cách suy nghĩ, hành động của giới trẻ ngày nay nên các em không nghe theo lời”, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu nhấn mạnh.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho rằng, nhờ những thông tin trên mạng xã hội mà người lớn mới biết tường tận những vụ BLHĐ xảy ra để còn giải quyết và có biện pháp ngăn chặn. Nếu không thì mâu thuẫn học đường càng kinh khủng hơn, sẽ trở thành ung nhọt, khó trị.

Thực tiễn mà nói, trong gia đình cái “anh” Google thay cha mẹ đủ thứ trên đời, cái gì không biết chúng cũng vào đây hỏi và làm theo. Có rất nhiều thứ, dù cha mẹ là người thông thái cũng không thể nào giải đáp hết thắc mắc của con, nhất là những thắc mắc mang tính chất riêng tư, thầm kín. Do vậy, nếu biết hướng con sử dụng mạng xã hội một cách tích cực thì sẽ đạt được thành quả không phải nhỏ, được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng sống… phục vụ cho quá trình học tập cũng như ứng xử trong cuộc sống đời thường. Tất nhiên liều lượng sử dụng cũng vừa phải, khoa học để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần.

Huyền Nga-Mã Hải

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/bai-2-vi-dau-nen-noi-636439/