Chung tay chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi

Hưởng ứng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi, thời gian qua, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng người cao tuổi trong xã hội…

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số. Trong đó, xấp xỉ 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,6% tổng số người cao tuổi); 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công.

Tại Việt Nam, người cao tuổi luôn được coi trọng, tôn kính và có vai trò to lớn trong giữ gìn, truyền thụ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, là lớp người có công lớn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy đã bước vào độ tuổi cần được nghỉ ngơi nhưng nhiều người cao tuổi trên cả nước vẫn tham gia, đóng góp vai trò tích cực trong đời sống xã hội như tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động gia đình, hàng xóm đóng góp vật chất, ngày công, hiến đất làm đường hay phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, vai trò của người cao tuổi được thực hiện rất tốt trong công tác khuyến học, người cao tuổi không chỉ động viên tinh thần con cháu mà còn trực tiếp tham gia học tập.

 Người cao tuổi của Đoàn Nghệ thuật Tuổi vàng (TP Hà Nội) tham gia biểu diễn văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần. Ảnh: Đoàn Nghệ thuật Tuổi vàng.

Người cao tuổi của Đoàn Nghệ thuật Tuổi vàng (TP Hà Nội) tham gia biểu diễn văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần. Ảnh: Đoàn Nghệ thuật Tuổi vàng.

Chia sẻ tại một hội thảo về già hóa dân số, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi nhằm vừa chăm sóc, vừa phát huy vai trò của người cao tuổi và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi theo từng giai đoạn phát triển đất nước, kể cả những lúc khó khăn nhất. Nhiều chính sách, chương trình dành cho người cao tuổi được cụ thể hóa qua Luật Người cao tuổi, Nghị định. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh về sự chuẩn bị nhằm thích ứng với quá trình già hóa dân số ở nước ta.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, tuy tuổi thọ trung bình đạt 73,5 tuổi nhưng số năm sống khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam chỉ đạt khoảng 64 tuổi. Người cao tuổi Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép với trung bình mỗi người cao tuổi đều mắc từ 3-4 bệnh với tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm tăng lên nhanh chóng, trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe còn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của người cao tuổi. Hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi; đồng thời khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn hạn chế, đặc biệt là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia vì người cao tuổi, hiện nay, trên cả nước có hơn 76.000 câu lạc bộ, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút hơn 3 triệu người cao tuổi tham gia, trong đó có khoảng hơn 53.000 câu lạc bộ thể dục thể thao trên địa bàn cấp xã hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi tham gia hoạt động thể dục thể thao ở khu vực nông thôn chỉ đạt hơn 20% tổng số người cao tuổi, ở khu vực thành thị đạt khoảng hơn 65% tổng số người cao tuổi.

Công tác chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn do thiếu nguồn lực, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, trong tổng số hơn 10 triệu người cao tuổi hiện nay vẫn còn có bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già; một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống; một số người già chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm. Vẫn còn người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng…

Để hỗ trợ tốt hơn cho người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động để chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi. Trong Tháng hành động vì người cao tuổi, các đơn vị đã tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng người cao tuổi Việt Nam 2019” thực hiện tại Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước. Được nhận những phần quà từ chương trình, ông Nguyễn Đăng Hòa (70 tuổi, Nam Trung Yên, Hà Nội) cảm động chia sẻ: “Tôi rất vui vì được nhận quà từ chương trình “Đồng hành cùng người cao tuổi Việt Nam 2019”, tôi cũng mong muốn sẽ có nhiều chương trình tương tự được tổ chức tại các địa phương trên cả nước để những người cao tuổi như tôi được chăm sóc sức khỏe và tinh thần một cách tốt nhất, để chúng tôi trở thành những công dân có ích, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”.

Trước tình trạng già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vai trò của người cao tuổi vì vậy càng trở nên quan trọng. Hy vọng trong thời gian tới, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng như các đơn vị, tổ chức xã hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng người cao tuổi, chung tay chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi.

HỒNG UYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chung-tay-cham-soc-suc-khoe-va-tinh-than-cho-nguoi-cao-tuoi-592362