Chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Nếu như vào thời điểm tháng 5-2010, cả nước có gần 160.000 người hoạt động kháng chiến là nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hưởng trợ cấp ưu đãi thì đến năm 2014, con số này là 286.093 người và đến tháng 6-2017 là khoảng 320.000 người.

Theo báo cáo kết quả tổng rà soát thực hiện chính sách trong hai năm 2014-2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có 97,8% nạn nhân chất độc da cam/dioxin là người có công đã được hưởng đầy đủ chế độ chính sách; 1,04% hưởng chưa đầy đủ; 1,16% nạn nhân hưởng sai chế độ chính sách.

Nhằm giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ sớm vượt qua khó khăn trong cuộc sống, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách và hoạt động thiết thực, như: Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp chủ trì, phối hợp thực hiện. Qua đó, từ năm 2011 đến tháng 6-2017, các cấp hội đã vận động được 1.518 tỷ đồng (gồm tiền và hiện vật quy ra tiền), trong đó, quỹ Trung ương là 111,6 tỷ đồng, quỹ địa phương là 1.406,4 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để xây dựng, sửa chữa 35.656 nhà; trợ cấp 46.390 suất học bổng; 1.728 suất việc làm; 823.426 suất khám, chữa bệnh; 18.354 suất hỗ trợ vốn sản xuất và thẻ bảo hiểm y tế; xây dựng gần 30 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân…

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế: Bệnh, tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin không có dấu hiệu đặc trưng riêng biệt, nên việc chẩn đoán xác định một người bị bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc da cam/dioxin gặp không ít khó khăn, tốn kém. Đã thế, không ít người có thời gian tham gia kháng chiến trước tháng 4-1975, nhưng do không lưu giữ được hồ sơ gốc gây khó khăn cho công tác xét duyệt. Cùng với đó là các chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin hiện vẫn chưa phù hợp, trợ cấp còn thấp…

Để công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin phát huy hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách ưu đãi cụ thể đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thứ hai, sớm xem xét sửa đổi những chủ trương, chính sách để có thể thực hiện chi trả một lần theo số thời gian (số tháng, số năm) phơi nhiễm chất độc hóa học cho người hoạt động kháng chiến thay vì khám giám định như hiện nay.

Ông Nguyễn Bá Bồng, Phó trưởng Ban Tổ chức, chính sách-Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho rằng: Trước mắt cần nghiên cứu bổ sung trợ cấp cho thân nhân những gia đình có nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị bệnh tật nặng; trường hợp thân nhân trực tiếp nuôi dưỡng đã già, yếu thì cần tạo điều kiện để nạn nhân được nuôi dưỡng ở các cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội của địa phương. Đối với những người thuộc thế hệ thứ 3 được xác định bị hậu quả bởi chất độc da cam/dioxin cần bổ sung chế độ trợ cấp phù hợp, không nên áp dụng chế độ đối với người khuyết tật…

ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chung-tay-cham-soc-nan-nhan-chat-doc-da-cam-dioxin-522672