Chung tay chăm lo cho thế hệ 'măng non'

Những năm qua, việc bảo đảm quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm. Báo Quân đội nhân dân ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6).

* Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội):

Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em

Thời gian qua, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng mạng, dư luận xã hội, các vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài, có cả trường hợp xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình của nạn nhân. Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em. Bên cạnh đó, số trẻ bị bạo hành về thể xác lẫn tinh thần bởi chính người thân, trong môi trường giáo dục ngày càng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận. Điều đáng nói, chính những người thân, môi trường giáo dục tưởng như an toàn lại là nơi tiềm ẩn những nguy cơ đối với trẻ em.

Không riêng môi trường giáo dục, hiện nay việc thực thi quyền trẻ em vẫn còn rất nhiều khoảng trống. Để bảo vệ trẻ em toàn diện, trước hết cần đưa Luật Trẻ em vào đời sống, trong đó cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về quyền trẻ em. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em để làm cơ sở phòng ngừa và giải quyết nghiêm minh vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Mặt khác, các cơ quan chức năng tiếp tục truyền thông về các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên tiếng, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng về các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

LAN HƯƠNG (ghi)

 Học sinh thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trên đường đến trường. Ảnh: TRỌNG HẢI

Học sinh thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trên đường đến trường. Ảnh: TRỌNG HẢI

* Ông LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Gia đình, nhà trường và xã hội phải cùng vào cuộc

Trên diễn đàn Quốc hội, tôi đã nhiều lần phát biểu về việc quan tâm đến quyền trẻ em và chăm sóc trẻ em. Bởi vì trẻ em hồn nhiên không biết có nhiều nguy cơ rình rập và khi xảy ra thì các em là đối tượng yếu thế, rất khó tự bảo vệ mình. Chúng ta đã có những chủ trương đúng, có nhiều khẩu hiệu tuyên truyền “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”... nhưng thực tế số lượng những vụ bạo lực, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến khá phức tạp. Địa điểm xảy ra có thể là nơi vắng vẻ, nơi công cộng, công viên, thang máy... nhưng nhiều vụ xảy ra trong gia đình và ngay trong trường học. Nhiều gia đình đánh đập, xúc phạm chính con em mình hoặc phó mặc con em cho xã hội.

Tại nhà trường vẫn còn thầy, cô dùng vũ lực với học sinh như phạt các em bằng cách quỳ, uống nước giặt giẻ lau, mắng, chửi, hay việc một học sinh bị nhiều học sinh đánh hội đồng mà không can thiệp gì. Ngoài xã hội vẫn còn tình trạng người lớn không gương mẫu như vượt đèn đỏ, đánh, chửi nhau, tạo thành những tấm gương mờ cho các em…

Tôi nghĩ rằng, để bảo vệ trẻ em thì điều căn cốt nhất là cần thay đổi trong nhận thức. Nhận thức đúng đắn thì mới có hành vi đúng đắn ở cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ; đồng thời, rà soát lại các quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc xâm hại trẻ em, trả lại công bằng cho nạn nhân và tăng tính răn đe với tội phạm.

KIM DUNG (ghi)

-------------------------

* Bác sĩ nhi khoa TẠ THỊ THÚY (Trung tâm Y tế quận Hà Đông, TP Hà Nội):

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em

Không thể phủ nhận trẻ em và thanh niên, thiếu niên Việt Nam đã và đang được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, tạo điều kiện để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh việc quan tâm chăm sóc sức khỏe thể chất thì nội dung chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ hiện nay chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Tình trạng trẻ em, thanh niên, thiếu niên mắc chứng tự kỷ, trầm cảm, tự tử… ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tỷ lệ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần có sự khác nhau giữa các nhóm tuổi, vùng miền, hoàn cảnh sống, nhưng tương đối giống nhau về biểu hiện và nguyên nhân. Một nửa số ca rối loạn sức khỏe tâm thần suốt đời bắt đầu trước tuổi 14. Ở cấp độ cá nhân, những người trẻ bị cô lập về cảm xúc, thiếu tự tin về hình thể, sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử, mạng xã hội, gia đình không hạnh phúc, thiếu thốn tình cảm, áp lực học tập… dễ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Bởi vậy, trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phải coi trọng việc tăng cường sức khỏe tinh thần phù hợp với lứa tuổi, phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng cho trẻ em. Cần ưu tiên phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhân viên tư vấn, tham vấn tâm lý xã hội cho trẻ em, thanh, thiếu niên. Quan trọng nhất, trẻ em luôn cần sự quan tâm, chia sẻ của nhà trường, gia đình và xã hội. Sự phát triển của đất nước trong tương lai phụ thuộc vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày hôm nay.

DƯƠNG SAO (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chung-tay-cham-lo-cho-the-he-mang-non-619460