Chung tay bảo vệ trẻ em trước tội phạm xâm hại tình dục

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, trong 6 tháng đầu năm 2019, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) trên địa bàn tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trên thực tế, số lượng các vụ việc XHTDTE còn có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, vì tâm lý e ngại, xấu hổ hoặc do sợ sệt nên nạn nhân và người nhà còn giấu giếm, không dám công khai tố cáo hành vi của người phạm tội. Chính vì vậy, có một số vụ việc không được phát giác, phần nào gây khó khăn trong công tác điều tra và xử lý đối với các tội phạm này. Điều đáng nói là có không ít vụ đối tượng thực hiện hành vi và nạn nhân là người trong gia đình, người thân, hàng xóm...

CAH Cư Jút phối hợp đến tận các khu dân cư tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống tội phạm XHTDTE.

CAH Cư Jút phối hợp đến tận các khu dân cư tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống tội phạm XHTDTE.

Theo Thiếu tá Nguyễn Quang Trung- Đội trưởng Đội CSHS CAH Cư Jút, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ XHTDTE (3 vụ hiếp dâm và 1 vụ giao cấu). Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng XHTDTE chủ yếu là tìm cách tiếp cận với bị hại trước khi thực hiện hành vi xâm hại như: tiếp xúc, làm quen để nắm bắt tâm lý của trẻ, dành nhiều thời gian quan tâm, đưa trẻ đi chơi... nhằm tạo sự tin tưởng, yêu quý của trẻ... Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường đe dọa hoặc dụ dỗ các cháu không được tố cáo với cha mẹ và người thân để đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi xâm hại hoặc che giấu hành vi phạm tội...

Nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm XHTDTE rất đa dạng, nhưng chủ yếu là do yếu tố con người, xuất phát từ những dục vọng thấp hèn cùng với việc sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác đã để dục tính lấn át... Mặt khác, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nói chung, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói riêng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn hạn chế. Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc phạm tội xâm hại trẻ em đó là địa bàn dân cư sống thưa thớt, các gia đình kinh tế khó khăn, thường xuyên lên nương rẫy hoặc đi làm xa để kiếm sống để trẻ em ở nhà một mình không có người trông coi...

Thiếu tá Hoàng Trung Dũng- Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp CAH Krông Nô cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, CAH cũng đã tiếp nhận, điều tra 6 vụ XHTDTE. Nguyên nhân cũng xuất phát từ lối sống buông thả, sự du nhập của những luồng văn hóa không chính thống, lối sống thực dụng, tiếp xúc với phim ảnh bạo lực, khiêu dâm... của các đối tượng phạm tội bên cạnh đó là từ phía gia đình và nạn nhân hạn chế khả năng chống cự, phòng vệ và tự vệ...

Có thể thấy, hậu quả của tội phạm XHTDTE là rất lớn, không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi đau về tinh thần lâu dài. Bản thân các nạn nhân thường có tâm lý bất an, lo sợ, thậm chí bị suy sụp, ngại giao tiếp với xã hội, bị sang chấn tinh thần. Do đó để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm XHTDTE, lực lượng Công an toàn tỉnh Đắk Nông đã và đang tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm XHTDTE, tội phạm buôn bán người; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, quản lý người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư...

Theo Thiếu tá Nguyễn Quang Trung- Đội trưởng Đội CSHS CAH Cư Jút, để góp phần phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm XHTDTE, thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp công tác, tuyên truyền, thông báo về tình hình, nguyên nhân cũng như phương thức, thủ đoạn và cách phòng tránh đối với hành vi XHTDTE trên các phương tiện thông tin đại chúng, CAH Cư Jút còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đến từng nhà, gặp từng người để thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các mối nguy hiểm và các điều kiện, khả năng, hoàn cảnh dẫn đến trẻ em bị xâm hại; các loại hành vi xâm hại; các dấu hiệu trẻ em bị xâm hại và trách nhiệm về phát hiện; thực hành kỹ năng ứng phó, tự phòng ngừa, chống lại các hành vi xâm hại.

Bà Chu Thị Hiền- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ H. Cư Jút cho biết, thực hiện các chương trình phòng chống tội phạm, thời gian qua, các cấp hội đã thường xuyên phối hợp với CAH Cư Jút đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm XHTDTE. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực nhằm giúp các chị em và các cháu nâng cao nhận thức và nhận biết được thế nào là các hành vi XHTD, đối tượng xâm hại là những ai và các kỹ năng phòng tránh, tự bảo vệ bản thân khi gặp phải những tình huống xấu...

Để những câu chuyện như đau lòng về XHTDTE không còn tiếp diễn, ngoài sự vào cuộc quyết liệt và có hiệu quả của lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất là gia đình và nhà trường trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các bé gái trước loại tội phạm XHTD; đồng thời phải hướng thế hệ trẻ có một lối sống lành mạnh, tránh xa những ấn phẩm đồi trụy.

Hồng Long

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_211630_chung-tay-bao-ve-tre-em-truoc-toi-pham-xam-hai-tinh-duc.aspx