Chung tay bảo đảm an toàn cho thầy trò

Các loại tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng xâm nhập môi trường học đường. Việc trang bị kiến thức an toàn trường học cho cả thầy, trò là vô cùng cần thiết để trường học an toàn, thân thiện…

Bằng hình thức sân khấu hóa, công tác tuyên truyền bảo đảm an ninh, an toàn trường học được triển khai ở nhiều trường học. Ảnh: Q. Ngữ

Bằng hình thức sân khấu hóa, công tác tuyên truyền bảo đảm an ninh, an toàn trường học được triển khai ở nhiều trường học. Ảnh: Q. Ngữ

Còn “lỗ hổng”

Bạo lực học đường, giáo viên và học trò bị xâm hại, học sinh sử dụng chất gây nghiện, tai nạn trong trường học… đâu đó vẫn xảy ra và gây hậu quả đáng tiếc với thầy, trò. Điều đáng quan tâm là nhiều vụ xâm hại thân thể, tinh thần của giáo viên, học sinh xảy ra ngay trong môi trường nhà trường. Các nguy cơ đe dọa an toàn của giáo viên, học sinh đáng chú ý là tai nạn thương tích; bạo hành; bạo lực, bắt nạt học đường; quấy rối, xâm hại tình dục… Đây là các vấn đề mà bất kỳ trường học nào cũng có thể gặp phải và đe dọa đến sự an toàn của giáo viên, học sinh.

Qua các vụ việc có thể thấy “lỗ hổng” trong công tác bảo đảm an ninh trường học, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng bảo đảm an ninh, an toàn trường học của thầy, trò cũng còn nhiều thiếu sót. Cụ thể là tình trạng học sinh mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau; học sinh vi phạm pháp luật; lãnh đạo trường, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo... Nhiều trường hợp vi phạm do nông nổi, thiếu kiềm chế và thiếu hiểu biết về pháp luật.

Bên cạnh đó cũng còn tồn tại các nguyên nhân khách quan, như nhân sự phụ trách các lĩnh vực giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh còn kiêm nhiệm. Một số lãnh đạo cơ sơ giáo dục còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc quản lý, giáo dục con em, vẫn còn tình trạng khoán trắng cho nhà trường…

Theo Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Tuy các trường rất tích cực, có nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật An toàn giao thông, tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh chưa hợp tác với nhà trường, đưa rước con em mình nhưng không đội mũ bảo hiểm; còn giao xe gắn máy phân khối lớn cho con em đi học. Tình trạng học sinh mâu thuẫn đánh nhau tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn còn xảy ra ở một số trường…

Mới đây, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tuyên phạt 9 bị cáo liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có 3 bị cáo là sinh viên. Vào năm 2018, theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP Cần Thơ (Ban chỉ đạo 138 TP Cần Thơ), lực lượng chức năng đã phát hiện 24 học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về ma túy, sử dụng ma túy, shisa.

Theo Ban chỉ đạo 138 TP Cần Thơ, nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm ma túy ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là có học sinh, sinh viên mắc phải là do lứa tuổi thanh thiếu niên suy nghĩ còn nông cạn, nhạy cảm với cái mới, muốn khác biệt, muốn thể hiện bản thân, tò mò, dễ bị rủ rê, lôi kéo, không hiểu tác hại của ma túy. Nhiều em thiếu người chăm sóc, giáo dục hoặc gia đình không hạnh phúc làm cho các em chán nản dễ bị kẻ xấu lôi kéo, rủ rê...

Ngành Giáo dục và Công an tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ

Trang bị giải pháp phòng ngừa

Để bảo đảm an ninh, an toàn trường học, nhiều năm qua ngành Giáo dục TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Công an để tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức cho thầy, trò. Sở GD&ĐT cùng Công an thành phố tiến hành ký kết quy chế phối hợp để bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Nhờ sự phối hợp này công tác giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên trên địa bàn rất thuận lợi.

Bằng các hình thức tuyên truyền, tọa đàm, sân khấu hóa nên thầy, trò được tìm hiểu về pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội. Đơn cử như ngành Giáo dục Cần Thơ kết hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa các tiểu phẩm về phòng chống ma túy, bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): 100% các cơ sở giáo dục phổ thông thành lập Tổ tư vấn học đường; xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử.

Ngành phối hợp với Công an thành phố, Thành Đoàn tổ chức kiểm tra công tác quản lý bảo đảm an ninh, trật tự trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tổ chức tuyên truyền phòng chống các loại tội phạm trong trường học; Tổ chức thực hiện các quy định về công tác an toàn, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, không trồng các loại cây có độc tố trong khu vực nhà trường; tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục...

Đặc biệt, công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh cũng được ngành và các trường học quan tâm. Trước hết là bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong các cơ sở giáo dục, có kế hoạch thống kê, kiểm soát, bảo quản, thu gom và xử lý các hóa chất độc hại, nguy hiểm trong các nhà trường. Mô hình “Trường học không rác thải nhựa” được nhân rộng tại các trường học trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, các trường học, cơ sở giáo dục đã tiến hành rà soát, kiểm tra, thống kê toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy và học; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của học sinh (phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can… trong khuôn viên nhà trường).

Kịp thời có phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn, nhằm bảo đảm an toàn đối với học sinh. Tăng cường giáo dục học sinh kỹ năng phòng, tránh các loại hình tai nạn thương tích trong môi trường nhà trường và ngoài cộng đồng; nhắc nhở học sinh không chơi các trò chơi nguy hiểm như nô đùa, chạy nhảy ở hành lang các tầng cao, leo trèo tường rào, lan can…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/chung-tay-bao-dam-an-toan-cho-thay-tro-4050861-b.html