'Chúng ta nên nhìn Yên Tử trong một phạm vi di sản rộng hơn...'

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc họp để chỉ đạo xây dựng hồ sơ khoa học và kế hoạch quản lý Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử với phạm vi 3 tỉnh (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất tên gọi trong Hồ sơ khoa học là Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) là Di sản thế giới; giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng hồ sơ. Việc xây dựng hồ sơ di sản đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều bộ, ban, ngành, các học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam, cố vấn khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quốc tế về di sản văn hóa dưới nước của UNESCO (ICUCH) về vấn đề này.

Tiến sĩ Lê Thị Liên.

Tiến sĩ Lê Thị Liên.

- Là một chuyên gia về khảo cổ học, quan điểm của bà về xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho Yên Tử sẽ là theo hướng di sản văn hóa vật thể?

+ Thực tế cho thấy việc đăng ký vào danh sách đề cử của UNESCO và các hoạt động phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ từ năm 2014 đến nay đều coi Yên Tử là đối tượng thuộc loại hình di sản văn hóa vật thể. Do đó, các ý kiến thảo luận của các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung chủ yếu tới các vấn đề liên quan đến các giá trị văn hóa vật thể.

Trên cơ sở quan sát của tôi trong các đợt khảo sát năm 2015 tại một số ngôi chùa liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm ở Hồ Thiên, Yên Tử, Ngọa Vân... thì việc thực hành các nghi lễ tôn giáo hay các biểu hiện khác hiện nay không thể hiện rõ những đặc trưng riêng có của phái Trúc Lâm. Vì thế theo tôi, vấn đề này cần tiếp tục trao đổi và phân tích với các chuyên gia về tôn giáo và văn hóa phi vật thể.

- Nhân đề cập đến Phật giáo Trúc Lâm, theo Tiến sĩ, đâu là giá trị nổi bật toàn cầu của dòng thiền này?

+ Nếu như chúng ta đề cập đến Phật giáo Trúc Lâm mà chỉ nói một khía cạnh thì chưa đầy đủ, chưa rõ được tính nổi bật toàn cầu. Nhưng nếu ta đặt Phật giáo Trúc Lâm trong tổng thể những tư tưởng, hành động, đóng góp của nhà Trần trong nền văn minh Đại Việt, trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng văn minh Đại Việt, góp phần cùng các dân tộc khác ở Đông Nam Á chặn đứng bạo lực, chiến tranh trong thế kỷ 13, đem đến một giai đoạn hòa bình cho cả khu vực thì giá trị nổi bật toàn cầu của Phật giáo Trúc Lâm chính là ở đó. Phật giáo Trúc Lâm giống như là sự kết tinh tinh thần của tất cả những gì nhà Trần đã tạo ra.

Biểu diễn nghệ thuật dân tộc phục vụ du khách hành hương tại Yên Tử.

- Theo bà, những tiêu chí nào nên được lựa chọn khi xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho Yên Tử?

+ Với những gì chúng ta đã làm từ 2004 đến nay và những kết quả đã khảo sát của các chuyên gia, chúng tôi cho rằng, việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới của Yên Tử nên dựa vào các tiêu chí 3,5,6. Theo Công ước Di sản thế giới đã được Ủy ban về Di sản thế giới của UNESCO duyệt thì tiêu chí thứ 3 "là một bằng chứng độc đáo hoặc duy nhất hoặc ít ra cũng là một bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất".

Tiêu chí thứ 5: "Là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người hoặc một sự chiếm đóng lãnh thổ mang tính truyền thống và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được". Và tiêu chí thứ 6 là "Gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng, hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu".

Những nội dung liên quan đến 3 tiêu chí này tôi đã được trình bày trong các hội thảo. Vấn đề cơ bản là phải đưa vào những gì chúng ta hiện có. Chúng ta cũng nên nhìn Yên Tử trong một phạm vi di sản rộng hơn, nhất là di sản nhà Trần. Và theo đó, Yên Tử là một vùng phát triển cao hơn của các nền tảng tư tưởng, từ tư tưởng đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ độc lập dân tộc đến tư tưởng cố kết nhân tâm, thu phục lòng người, đoàn kết dân tộc để phát triển nền văn minh Đại Việt.

- Công ước của UNESCO rất coi trọng tính toàn vẹn của di sản. Theo bà, vấn đề này của Yên Tử như thế nào?

+ Thực tế, trong các chuyến khảo sát của các chuyên gia trong và ngoài nước năm 2015 có 3 đợt các chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề khó khăn liên quan đến tính xác thực, tính toàn vẹn và việc lựa chọn các tiêu chí để thể hiện được giá trị nổi bật toàn cầu.

Giáo sư Rii Un Hae, chuyên gia của UNESCO, cho rằng tiêu chí thứ 2 và tiêu chí thứ 3 là phù hợp. Giáo sư Paul Dingual chuyên gia của IUCN lại cho rằng tiêu chí 5 và tiêu chí 6 nên được chọn và xem xét thêm tiêu chí 3. Tiến sĩ Radhika Dihumal, một chuyên gia khác của IUCN cũng đề xuất 3 tiêu chí 3, 5 và 6.

Suối Giải Oan ở Yên Tử.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ tùy thuộc vào loại hình phạm vi và các di tích được chọn thì mới có thể xác định được tiêu chí. Việc lựa chọn các tiêu chí liên quan đến việc giải thích tính xác thực và tính toàn vẹn. Nếu chỉ tập trung vào các di tích của Thiền phái Trúc Lâm thì với hiện trạng hiện nay, những yếu tố của tính xác thực và toàn vẹn còn yếu.

Tháp tổ Huệ Quang ở Yên Tử.

Vì thế, theo tôi nếu lựa chọn loại hình di sản văn hóa vật thể thì các tiêu chí 3, 5 và 6 nên được lựa chọn để chứng minh. Và nội dung chứng minh cho các tiêu chí này cần dựa trên những tư liệu nghiên cứu cập nhật gần đây nhất và có những phân tích so sánh cụ thể và rõ ràng hơn với các di tích trong và ngoài nước, dựa theo góp ý của các chuyên gia.

Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, có thể lựa chọn những cụm di tích sau đây vào thành phần di sản như: Các di tích lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều, di tích liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm ở tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương.

Và chúng ta cũng phải lựa chọn theo chuỗi để có thể kể được những câu chuyện về nguồn gốc ra đời, sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm và những di sản để lại; các di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng.

Tóm lại, những nội dung nêu trên cần tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất trên cơ sở tư liệu và khả năng đáp ứng thực tế của di sản cho một hồ sơ di sản thế giới có chất lượng theo quy định của UNESCO.

- Chúng ta cần chứng minh tính xác thực của di sản như thế nào, thưa Tiến sĩ?

+Trong năm 2015, với 3 đợt khảo sát của các chuyên gia trong nước và quốc tế, chúng ta đã nhìn rõ thực tế hiện trạng của các khu di tích, các điểm yếu, cái gì bị mất, cái gì chưa bộc lộ ra của các di tích và khu di tích đều đã thấy.

Đường tùng dẫn lối lên Yên Tử được cho là con đường xưa kia Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hành hương.

Trong quãng thời gian đó, cơ quan quản lý văn hóa của các tỉnh, đặc biệt là Quảng Ninh đã làm được rất nhiều việc, cụ thể là tổ chức khai quật tại các di tích. Nếu chúng ta tập hợp được những tư liệu ấy lại thì sẽ bổ sung được những điểm yếu.

Tiếp theo chúng ta phải dựa trên ý kiến của các chuyên gia để phân tích mà đi "nhặt nhạnh" những gì còn lại để khôi phục nên một bức tranh về di sản.

Bức tranh đó vì nhiều lý do khác nhau trước đây như chiến tranh, thiên tai và cả sự phát triển của xã hội đã bị mờ đi, thậm chí vỡ đi rất cần chúng ta nhặt nhạnh lại, trùng tu nó lại, vá nó lại, hàn gắn nó lại để cho nó rõ rệt hơn.

Thú thực, chúng ta cũng không nên trông chờ rằng sẽ có được một bức tranh nguyên vẹn như cũ nhưng ít nhất chúng ta cũng tạo ra một bức tranh được khôi phục, để thấy rõ giá trị của nó hơn.

- Theo bà, công việc tiếp theo chúng ta cần phải làm là gì?

+ Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã cố gắng rất nhiều và đã có những bước đi rất dài. Nhưng cũng phải thấy rằng, đây là một hồ sơ không hề đơn giản. Chúng ta lại lựa chọn một chuỗi các di sản nên công việc rất lớn. Quảng Ninh cần tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu cùng với Bắc Giang và Hải Dương để xây dựng hồ sơ.

Công việc trước mắt là rất lớn và rất quan trọng. Khi phối hợp chặt chẽ được cả 3 tỉnh thì chuỗi di sản sẽ toàn vẹn hơn, sẽ bao quát được nhiều giá trị. Quảng Ninh có thể tập hợp được các ý kiến đồng thuận của các chuyên gia, các nhà khoa học xác định những công việc cụ thể cần phải làm trong thời gian tới.

- Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202011/chung-ta-nen-nhin-yen-tu-trong-mot-pham-vi-di-san-rong-hon-2509188/