Chúng ta luôn sống trong quá khứ

Có bao giờ bạn tự hỏi, trong 1,86 tỉ người chơi Facebook trên thế giới (thống kê năm 2017), có ai nghiện Facebook đến nỗi muốn 'cai' Facebook mà không tài nào cai được? Họ, theo bạn biết, đã từng suy nghĩ rất lung về cái gọi là 'được mất' của mạng xã hội, cũng cân đong đo đếm rồi hạ quyết tâm từ bỏ mạng xã hội. Có nhiều lý do để trốn khỏi Facebook, nhưng chung quy lại, phần lớn đều cho rằng 'Facebook làm mất của ta nhiều thời gian, tạo nhiều thị phi, điều tiếng'. Trước khi 'biến mất', họ lên Facebook viết những lời thống thiết nhứt để chia tay với bạn bè (cả ảo và thật). Sau đó họ khóa tài khoản (tạm thời hay vĩnh viễn), họ biến mất khỏi mạng xã hội vài tuần, vài tháng, cao nhất là một năm, rồi sau đó bạn thấy họ xuất hiện lại như 'chưa bao giờ có cuộc chia ly!'. Thực sự là nhiều bạn bè của tôi đã rất quyết tâm cai nghiện Facebook, sau đó lại tái nghiện, sau đó lại cai nghiện, tái nghiện... quanh đi quẩn lại cũng đã 5-6 lần. Lần nào cũng bị trêu ghẹo 'welcome back... again!'.

Thời đại chúng ta đang sống đang được xem là thời hoàng kim của công nghệ số. Dường như chưa bao giờ trong lịch sử văn minh nhân loại, con người lại thông minh, mạnh mẽ và đầy đủ tri thức như lúc này. Họ nắm cả thế giới nằm trong tầm tay. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh nhỏ xíu, gõ vào các công cụ tìm kiếm (như Google chẳng hạn) là họ có ngay câu trả lời cho bất kỳ vấn đề gì, dù hóc búa hay cắc cớ cỡ nào đi nữa. Tuy nhiên, câu trả lời cho vấn đề cai nghiện Facebook nói trên không phải ai cũng có.

Vậy vấn đề ở đây là gì?

Ai từng ở Sài Gòn những năm đầu của thế kỷ 21 hẳn nhớ sự ra đời của một nhà hàng rất đặc biệt ở quận nhứt. Nhà hàng này nổi như một hiện tượng vì nó không chỉ đơn thuần là một quán ăn với đầy đủ các món ăn chơi đường phố hương vị ngon lành mà nó còn đem lại cho thực khách cả một không gian “cổ xưa” của một trời thương nhớ. Sài Gòn lại là miền đất hội tụ người tha phương, gần như chẳng có ai ở Sài Gòn mà không từng rời quê lên phố. Vậy nên giữa cuộc đời ồn ã náo nhiệt nơi phố thị, hễ có chút thời giờ, chạy đến nơi này là... voilà... ta đã được ngồi sau hè, cạnh bụi hoa chuối đỏ tươi, thỏa thích ngắm ao lục bình xinh xắn, mấy khạp nước bên trong có ghim mấy gốc bông súng màu hường dân dã, nhìn sân trước sân sau biệt thự lót gạch tàu đỏ au, và xa xa thấp thoáng sau rặng chuối kiểng là ngôi nhà ba gian thoáng đãng rộng rãi. Trong một lúc ta như được quên bẵng đi những lo toan tất bật của đời sống và chỉ cần thêm tí xíu chờ đợi là ta đã được xì xụp húp tô bún nước lèo Sóc Trăng, tô mì Quảng, tô hủ tiếu Mỹ Tho, dĩa bánh xèo, bánh căn ngon “nức nở”...

“Gợi niềm hoài cổ” chính là điều quán ăn đặc biệt này đã làm và chiêu thức marketing ấy đã đánh động được tâm thức sâu thẳm nhất của mỗi người, tạo dấu ấn đủ “ép phê” để làm thực khách quay lại (chiêu thức này sau được nhiều nhà hàng khác ở Sài Gòn sử dụng).

Suy cho cùng, có ai trong chúng ta mà không hoài cổ, không cho rằng quá khứ là thứ lung linh diễm lệ nhất trần đời? Bản thân tôi, đã từng sống và làm việc ở các nuớc Âu, Á và Mỹ gần 20 năm, dù đã từng được ăn những món ngon vật lạ khắp năm châu bốn bể, nếu có ai hỏi món ngon nhứt trên đời tôi đã từng được thưởng thức là gì, tôi sẽ không ngần ngại trả lời, đó là tô mì hoành thánh ngoại tôi nấu những năm tôi còn nhỏ xíu... Cọng mì ngoại trụng thiệt khéo, giòn giòn sựt sựt, lá bánh hoành thánh mềm mịn tan trên đầu lưỡi, chút xíu nhân thịt bằm ở giữa ngoại nêm nếm sao mà ngon, mà dịu... Rồi mùi hẹ, mùi tiêu thiệt nồng, mùi tóp mỡ béo ngậy, mùi hành ngò rưng rức, tất cả hòa quyện lại, cả tô mì bốc khói... Trong lòng tôi, đó thật sự là món ngon nhứt mà tôi từng được ăn trên đời.

Đem chuyện này kể cho cô bạn Annette xinh đẹp người Mỹ gốc Pháp làm chung với tôi, cô hoàn toàn đồng ý với tôi: những gì thuộc về quá khứ là những gì tuyệt diệu nhất. Annette còn không quên chua thêm rằng trên đời này không có loại nước suối đóng chai nào trong lành, ngọt ngào và tinh khiết bằng nước khoáng Evian được đóng chai từ dãy Alps ở nước Pháp thần thánh - nơi Annette đã sinh ra. “Nước nào cũng là nước chứ, người Mỹ rất tự hào vì nước khoáng từ dãy Rocky Mountains của họ”, tôi nói, nhưng không, theo Annette, nước khoáng Evian đóng-chai-tại-Pháp mới đủ chất lượng, trong, ngon, ngọt còn nước suối Evian sản xuất tại Mỹ thì... vứt đi.

Thực sự là các nhà khoa học đã bỏ công ra nghiên cứu tại sao hiện tượng tâm lý mang tính toàn cầu này tồn tại. Tại sao loài người luôn ưu ái những gì thuộc về quá khứ? Bác sĩ tâm lý Terence Mitchell và các đồng nghiệp của ông, trong cuộc nghiên cứu trên hơn 300 sinh viên sau hai tuần du lịch vòng quanh châu Âu, một tuần nghỉ Lễ Tạ ơn cùng với gia đình, và ba tuần đạp xe vòng quanh California để tìm hiểu các đánh giá của họ qua ba tiêu chuẩn: (1) những gì họ trông đợi từ chuyến đi, (2) sự hứng khởi thích thú trong lúc đi, (3) và những hồi ức về chuyến đi. Kết quả nghiên cứu cho thấy là những gì các nhóm sinh viên cảm nhận sau khi quay về nhà (và được phỏng vấn) thì thú vị, hay ho hơn rất nhiều so với điều họ đã cảm nhận trong lúc đang đi (khi họ được phỏng vấn). Bài nghiên cứu kết luận: “Khi cần nhớ về những điều trong quá khứ, những gì không hay không tốt trong não người tự dưng bị não làm nhòa đi, những gì tuyệt vời tốt đẹp được não giữ lại, và có vẻ... như là được cường đại hóa lên thêm một chút”.

Dù có chối bỏ cỡ nào, loài người chúng ta vẫn luôn luôn sống trong quá khứ. Ngài Martin Lindstrom, sư phụ của ngành marketing hiện đại, đã phát hiện tại sao chúng ta luôn ấp úng khi có người bất chợt hỏi anh bao nhiêu tuổi. Một hôm, Lindstrom hỏi giám đốc điều hành của một tập đoàn lớn, “tôi biết ông khoảng chừng 50 tuổi, nhưng thực sự trong đầu ông thì ông bao nhiêu tuổi?”. Vị này trả lời: “19!”. Bắt chước Lindstrom, tôi cũng đã hỏi anh đồng nghiệp thân nhất của mình, “Này Robert, tôi biết anh chừng 40 nhưng thực sự trong lòng anh nghĩ anh bao nhiêu tuổi?”. Robert không ngần ngại trả lời: “Tôi hả, tôi nghĩ tôi 17, khi tôi được chơi bóng rổ từ sáng tới tối, chẳng phải lo nghĩ đến tiền. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm được làm những điều tôi thích”. Bản thân tôi lắm lúc bị ai đó bất ngờ hỏi, tôi cũng không nhớ mình bao nhiêu tuổi, 35 hay 37? Phải mất vài giây...

Hiện tượng này không hẳn là vì chúng ta không thích ý nghĩ mình “đã già, đang già” mà theo các nhà tâm lý học, đó là vì tiềm thức của một người luôn đinh ninh sẵn một số tuổi nhất định cho họ, cho dù số tuổi đó không liên quan gì đến tuổi thật trên lịch mà chỉ liên quan đến những ngày tươi đẹp nhất trong đời của họ.

Bạn sẽ hỏi, như vậy thì có liên quan gì đến việc trên thị trường sản phẩm tiêu dùng, các công ty tung ra các sản phẩm này kia và giở mọi chiêu trò marketing để chúng ta rút hầu bao mua chúng? Có chứ, có nhiều là khác! Các nhà tư bản đại tài biết rất rõ lứa tuổi trong đầu của ta sẽ quyết định phong cách chúng ta mua sắm. Như là tại sao một quý bà 50 lại vui vẻ mua các sản phẩm nhuộm tóc đắt tiền và kem thoa mặt có chứa collagen giá cao ngất ngưởng? Tại sao một quý ông 50 lại chẳng ngần ngại mua kính Ray Ban và xe mui trần Ferrari? Câu trả lời chính xác là họ mua chúng, không phải để họ nhìn “trẻ hơn tuổi” mà vì họ hy vọng sẽ “nối” được “chiếc cầu”, rút ngắn khoảng cách giữa số tuổi trời cho (trên lịch) và số tuổi người cho họ đang thực sự cảm thấy trong tim! Cũng chính với tâm lý này mà các quý bà quý ông sẵn sàng mở hầu bao mua ngay những gì họ từng mua ngày còn trẻ, quần jean ôm sát đùi, đĩa Pink Floy, giày All Star Converse, quần áo lót Victoria Secret cực kỳ sexy dù cơ thể họ không còn mười tám đôi mươi... và khi buồn lúc cần nghe nhạc, chúng ta luôn chọn quay về với những loại nhạc mình vẫn thường nghe khi còn dưới 20 tuổi.

“Nỗi niềm hoài cổ” chính là tâm lý mà các nhà kinh doanh Mỹ cũng đang hướng tới. Khắp nơi trong chuỗi siêu thị Whole Foods bạn sẽ thấy cà chua vẫn còn trên cành, những quả dâu vẫn còn dính dất, những kiện hàng chứa bắp, chứa khoai tây được đóng bằng những thanh gỗ quặt quẹo thoạt nhìn tưởng như vừa mới lấy ra từ đống gỗ cũ kỹ sau nhà. Trong gian hàng bánh kẹo là những bao giấy màu nâu nhạt đựng chocolate loại 25 ký (loại bà ngoại tôi vẫn dùng để đựng đường vàng đường trắng ngày xưa lúc còn ngồi chợ), trong đó vun đầy chocolate cắt thành miếng đủ hình dạng như vừa mới được vụng về cắt ra bằng tay (thật ra là có máy chạy đóng gói đúng tiêu chuẩn cục chất lượng an toàn thực phẩm Mỹ). Trên tường là bản đen phấn trắng, nét chữ nguệch ngoạc “Hôm nay có cá tươi” và phía trước siêu thị là những sọt đá chứa cá trắng phau, tươi rói nhìn như mới được đánh bắt kéo về từ vùng biển quanh quanh ven làng (chứ không phải là cá đóng trong container chở đến từ Nhật Bản). Tất cả chỉ để tạo cho người Mỹ được thỏa mãn tâm lý “yêu chiều những ngày xưa” bởi lẽ vì những gì thuộc về ngày xưa, khi ta được đời yêu thương, chưa bị vùi dập, mọi thứ đều đẹp, đều trong sáng lung linh. Bởi, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng sừng sỏ đều biết bộ não con người rất hay, nó luôn biết cách làm thế nào đó để bảo vệ chúng ta khỏi những phần đời đau đớn, những kỷ niệm u buồn, và mang đến cho ta niềm hy vọng “rồi đời ta mọi sự sẽ lại tốt đẹp” như những ngày tươi đẹp ta đã trải qua... và cách làm chúng ta dễ chịu nhất không gì khác hơn là hướng chúng ta đến tâm lý “hoài cổ” về “những ngày xưa thân ái”.

Đây chính là cách các nhà tư bản đại tài khuyến khích dụ dỗ chúng ta, làm chúng ta “nghiện” sản phẩm của họ. Như cách mà chúng ta nghiện trò chơi điện tử của Facebook. Làng nông trại, Farmville là ví dụ điển hình. Farmville mang cho ta trải nghiệm trở thành người nông dân đích thực. Ta phải xới đất, chọn giống, canh ngày ra quả, thu hoạch, quy hoạch nông trại, mua bò, lợn và gà... Farmville tưởng chừng quá đơn giản đến mức kém hấp dẫn. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Đã có thời điểm dường như bất kỳ một ai dùng Facebook đều chơi game này. Đây là game mà tính thách thức không cao nhưng lại phù hợp cho những người bận rộn hoặc dân công sở, là một sản phẩm của Zynga, công ty đã phát triển thành công rất nhiều game có sức gây bão trong cộng đồng mạng. Tại sao Farmville thành công ở Việt Nam? Vì 99,99% dân Việt có nguồn gốc nông dân, Farmville không những mang cho người Việt chất dipamine làm ta trở nên phấn khích khi chơi bất cứ trò chơi gì mà nó còn làm cho những thế hệ F3, F4 nông dân xưa cảm giác “thỏa mãn, hài lòng” rằng mình cũng biết làm nông, thậm chí còn làm nông giỏi hơn cả ông bà, như cha mẹ mình ngày trước (dù chỉ là làm nông ảo).

Và đó là cách mà Facebook đã “dụ” chúng ta. Ít ai biết, Facebook trong thuật toán của mình, đã cố tình tạo ra cái gọi là “khoảnh khắc giật mình” (“aha moments”, theo cách gọi của báo Times). Giây phút này có được khi tình cờ trên Facebook ta thoáng bồi hồi bắt gặp tấm ảnh profile của người yêu cũ, nhìn những hình ảnh đầu tiên của đứa cháu mới sinh mà vì lý do gì đó mình chưa được gặp mặt, hay ồ lên khi thấy tấm hình vàng ố thời trung học ta chụp cùng nhóm bạn gái thân mà nay vì mưu sinh mỗi người mỗi ngả. Facebook biết rõ chúng ta đã, đang và sẽ bị “nghiện” đến mức nào vì họ đã làm nghiên cứu cụ thể để đo lường cảm giác của người chơi một cách tinh vi, kể cả quay video biểu hiện gương mặt của những người chơi Facebook trong những tuần đầu chạy thử chương trình. Đó là cách mà Facebook đã “dụ” chúng ta vào tròng và họ đã thành công rực rỡ.

An Lâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/268651/ch%C3%BAng-ta-luon-s%C3%B3ng-trong-qu%C3%A1-kh%C3%BA.html