'Chúng ta không có quyền áp đặt người lao động tham gia tổ chức nào'

'Cần xác định nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn (CĐ) Việt Nam là đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động (NLĐ). Khi Việt Nam vào CPTPP, bên cạnh CĐ Việt Nam sẽ có một tổ chức đại diện NLĐ, việc cạnh tranh sẽ rất bình đẳng, chúng ta không có quyền áp đặt NLĐ phải tham gia tổ chức nào. CĐ VN muốn giữ chân NLĐ thì phải làm cho NLĐ thấy rằng, CĐ luôn đứng sau công việc, cuộc sống của họ, giúp họ tin tưởng muốn vậy mình phải làm cho tổ chức của mình mạnh lên'

Cán bộ CĐ (trái ảnh) trao đổi với NLĐ trong một cuộc tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp - Ảnh: L.T

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Ngọ Duy Hiểu chia sẻ nội dung trên tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn lao động quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cho cán bộ CĐ chủ chốt của tổ chức CĐ Việt Nam” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức vào 2 ngày 12-13.11 tại TPHCM.

Hơn 50 cán bộ CĐ thuộc 32 tỉnh, TP phía Nam và Nam Trung Bộ đã tham dự. Các cán bộ CĐ đã được nghe giới thiệu khái quát về các nguyên tắc cơ bản của Tuyên bố 1998 về quyền cơ bản trong lao động và Công ước số 87 về Quyền tự do Hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức, lộ trình phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO cũng như những thách thức đặt ra cho tổ chức CĐ Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Tại hội thảo, đại biểu và các chuyên gia ILO đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến các tiêu chuẩn lao động Quốc tế và các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và định hướng đổi mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLD VN Ngọ Duy Hiểu chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: L.T

“Hội thảo với mục tiêu trang bị những kiến thức cần thiết cho các thủ lĩnh CĐ ở các địa phương, từ đó chuyển tải nội dung xuống cán bộ CĐ các cấp, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật cũng như tổ chức triển khai hoạt động CĐ ở các địa phương. Những thông tin chia sẻ tại hội thảo, là cơ sở để chúng ta đối chiếu với thực tiễn, việc thực hiện trên thực tế ra sao để có những kiến nghị điều chỉnh. Ví dụ như về thời gian làm thêm, luật quy định rõ nhưng thực tiễn làm thêm như thế nào? Hay môi trường làm việc, quyền của lao động nữ...” – Ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu.

Theo ông Hiểu, hội nhập quốc tế đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức CĐ Việt Nam. Vì vậy, để thu hút, giữ chân NLĐ ở lại tổ chức CĐ VN thì việc tập trung các nguồn lực và đổi mới mạnh mẽ, toàn diện là yêu cầu bắt buộc với tổ chức CĐ. Xác định nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức CĐ Việt Nam là đại diện, chăm lo, bảo vệ. Để làm được điều này, trong thời gian sắp tới tới, các cấp CĐ tập trung nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách liên quan đến NLĐ và CĐ, thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ làm công tác bảo vệ quyền lợi của NLĐ đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại biểu

“Mục tiêu của Tổng LĐLĐ Việt Nam là đến năm 2020, chúng ta có được đội ngũ luật sư CĐ chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật lao động để giúp NLĐ tư vấn khi có thắc mắc và tranh tụng tại tòa khi NLĐ bị xâm phạm quyền lợi và khởi kiện ra tòa. Tổ chức CĐ Việt Nam sẽ dành một phần nguồn thu tài chính để làm tốt được nhiệm vụ này. Với rất nhiều chương trình được đồng loạt triển khai thực hiện, điều tổ chức CĐ Việt Nam hướng tới là bảo vệ NLĐ hiệu quả nhất” - Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/chung-ta-khong-co-quyen-ap-dat-nguoi-lao-dong-tham-gia-to-chuc-nao-640991.ldo