Chúng ta đang bắn cái gì vào tương lai vậy?

Trong khi con tôi chỉ thiếu 0,5 điểm để chạm vào mơ ước thì ở Hà Giang vừa rồi lại có những thí sinh được phù phép từ điểm 1 thành điểm 9, nghĩa là được 'cho không biếu không' tới 8 điểm.

Kính gửi các anh chị ở Tòa soạn báo An ninh thế giới Cuối tháng - Giữa Tháng!

Tôi là Nguyễn Văn Khoa, 54 tuổi, hiện ở Nam Định. Tôi là một độc giả trung thành của tờ báo từ nhiều năm nay, và đặc biệt quan tâm đến chuyên mục "Vấn đề nhức nhối" - nơi mà những độc giả như tôi có thể bày tỏ ý kiến riêng của mình về các vấn đề xã hội.

Thưa các anh chị trong tòa soạn, tôi tha thiết mong các anh chị đăng bức thư này của tôi, bởi với tôi, được giãi bày nỗi căm giận trong lòng mình với đông đảo độc giả của tờ báo rất có thể sẽ giúp tôi thấy nhẹ nhõm hơn.

Thực sự là tôi phải dùng đến hai từ "căm giận", khi đọc những thông tin về gian lận thi cử tại Hà Giang. Nếu bạn đọc bình thường căm giận một thì tôi căm giận mười, bởi tôi đã nghĩ, chính con gái tôi cũng là nạn nhân của những trò gian lận bẩn thỉu ấy.

Cách đây 2 năm, con gái tôi đã trượt Đại học Ngoại thương chỉ vì thiếu 0,5 điểm. Nếu thiếu 2,3 điểm thì chẳng nói làm gì, đằng này lại thiếu 0,5 điểm, nên chẳng nói các anh chị cũng biết cháu sốc ra sao, và cả gia đình tôi đau đớn nhường nào. Dĩ nhiên, cháu vẫn đủ điểm học trường khác, nhưng Đại học Ngoại thương là mơ ước lớn nhất của cháu, và cháu đã học ngày học đêm, phấn đấu cật lực cho mơ ước ấy.

Họp báo về kết quả rà soát, kiểm tra xử lý kết quả thi bất thường tại hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang.

Trong khi con tôi chỉ thiếu 0,5 điểm để chạm vào mơ ước thì ở Hà Giang vừa rồi lại có những thí sinh được phù phép từ điểm 1 thành điểm 9, nghĩa là được "cho không biếu không" tới 8 điểm. Trời đất ơi, trong khi những người như con gái tôi tan nát giấc mơ vì thiếu 0,5 điểm thì lại có chuyện "cho không biếu không" hệt như chuyện hoang đường vậy!

Thật may là các cơ quan chức năng đã phát hiện kịp thời, không để những thí sinh thậm chí không đủ điểm tốt nghiệp suýt chút nữa trở thành thủ khoa của những trường đại học hàng đầu, trong đó chắc chắn có Đại học Ngoại thương - giấc mơ của con gái tôi.

Nhưng thưa các anh chị, liệu đây có phải là lần gian dối đầu tiên ở Hà Giang và những tỉnh thành kiểu Hà Giang hay không? Liệu hai năm trước, khi con gái tôi thi đại học cũng đã có những điểm số được phù phép không tưởng y như thế, và vì thế mà những người như con gái tôi mới bị đánh trượt một cách oan uổng hay không?

Thật kinh khủng khi nghĩ đến 114 thí sinh được nâng điểm một cách không tưởng. Nếu vụ này trót lọt thì 114 thí sinh này sẽ loại rất nhiều thí sinh khác để chễm chệ ngồi vào giảng đường đại học, và sau đại học lại có thể chễm chệ trở thành 114 thạc sĩ, tiến sĩ, để chễm chệ rao giảng những điều lớn lao cũng chưa biết chừng!?

Mới ở Hà Giang thôi, và mới trong kỳ thi năm nay thôi đã có 114 trường hợp được biến không thành có như thế, vậy ở những tỉnh thành khác, và trong những kỳ thi trước đây nữa thì sao? Và với những "đầu vào" đại học như thế, những trí thức tương lai như thế, rồi tương lai đất nước chúng ta sẽ như thế nào?

Thưa các anh chị, đúng là tôi căm giận một phần vì không thể không nhớ lại câu chuyện đau đớn của con gái mình, nhưng một phần khác cũng vì nghĩ đến tương lai đất nước. Tôi chỉ là một công chức bình thường, nhưng chúng tôi có quyền nghĩ đến tương lai đất nước, chứ không chỉ nghĩ đến chuyện áo cơm của gia đình mình.

Vậy thì cho tôi hỏi, nếu ngành giáo dục vẫn như thế này, nếu những gian dối trong các kỳ thi quan trọng, có ý nghĩa lớn trong quá trình tạo ra các trí thức cứ diễn ra như thế này thì tương lai chúng ta sẽ như thế nào đây?

Có một câu nói ai cũng biết là: "Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác". Nhưng nếu cứ như thế này thì tôi ngờ rằng chúng ta - chính chúng ta, chứ không phải ai khác đang dùng đại bác bắn vào tương lai mất rồi.

Liệu các cơ quan chức năng, mà đứng đầu là Bộ GD&ĐT có thể tìm ra cách bịt lại những viên đạn đang được bắn vào tương lai ấy không? Liệu con cháu chúng ta có thực sự được sống trong một tương lai lành lặn, không rách nát hay không?

Tôi vẫn nghĩ rằng, gian dối trong giáo dục là một tội ác, vì nó làm hỏng không chỉ một con người, không chỉ một thế hệ, mà đáng sợ hơn là làm hỏng cả tương lai giống nòi.

Thưa các anh chị, tôi viết những điều này trong một trạng thái căm giận cùng cực. Không biết có phải vì thế mà có những lời lẽ khó nghe hay không, nhưng một lần nữa, tôi tha thiết mong các anh chị đăng tải bức thư này của tôi, để cho tôi có cảm giác là chí ít mình cũng đang làm được một điều gì đó. Trước một sự gian dối khủng khiếp, chí ít là tôi cũng viết được những dòng lên án nó, và được chia sẻ điều ấy với đông đảo người đọc của quý báo.

Xin chân thành cảm ơn quý báo!

Nguyễn Văn Khoa (Nam Định)

Thưa độc giả Nguyễn Văn Khoa!

Lâu lắm rồi, báo ANTG CT - GT mới lại nhận được những dòng chia sẻ dài đến thế, về một vấn đề xã hội gây nhức nhối. Có lẽ vì bác viết những dòng chia sẻ trong một trạng thái căm giận tột bậc nên chúng tôi buộc phải biên tập lại khá nhiều chỗ, nhưng chỉ là những biên tập về chữ nghĩa, chứ tuyệt đối giữ nguyên tinh thần bài viết của bác.

Điều có thể nói ngay là chúng tôi đồng cảm với sự căm giận của bác. Chúng tôi cũng trùng suy nghĩ với bác về việc: liệu đây có phải là lần gian dối đầu tiên, và trường hợp gian dối ở Hà Giang có phải là duy nhất trên cả nước hay không? Chúng tôi tin rằng, các cơ quan chức năng đủ điều kiện trả lời câu hỏi này, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Điều chúng tôi muốn chia sẻ thêm với bác là, vụ gian dối ở Hà Giang có lẽ chỉ là hiện tượng của một cuộc khủng hoảng mang tính bản chất và kéo dài nhiều năm: khủng hoảng thi cử ở nước ta.

Năm 2014, khi nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đi vào thực tế thì việc đổi mới thi cử lập tức được tính đến với 3 tiêu chí: gọn nhẹ hơn - trung thực, khách quan hơn - và phải chuyển từ kiểm tra trí nhớ kiến thức sang đánh giá năng lực học sinh. Từ 3 tiêu chí này mà năm 2015, lần đầu tiên kỳ thi "2 trong 1" ra đời, nghĩa là vừa thi tốt nghiệp phổ thông, vừa lấy điểm xét duyệt vào đại học.

(Nguồn: vietnamnet.vn)

Đấy rõ ràng là một bước chuyển mang tính nền tảng. Và chúng tôi nhớ rằng thoạt tiên Bộ Giáo dục & Đào tạo đứng ra tổ chức trọn vẹn kỳ thi này, nhưng sau đó thì lại giao dần dần cho các sở, và khi giao cho các sở thì bắt đầu nảy ra những câu chuyện kiểu như ở Hà Giang.

Tại sao lại giao các công đoạn này, đặc biệt là công đoạn chấm thi cho các sở? Tại vì hình thức thi trắc nghiệm xuất hiện, mà đã thi trắc nghiệm thì có nghĩa là máy tính chấm điểm, và có lẽ đã nảy sinh ý nghĩ rằng máy tính chấm thì "máy tính của Bộ" hay "máy tính của sở" cũng đều giống nhau.

Nhưng vụ việc ở Hà Giang một lần nữa cho thấy đã có những người đủ cao tay để "điều khiển" máy tính theo ý mình. Từ Bộ về sở, từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm, từ người chấm sang máy chấm...- hàng loạt những sự thay đổi tưởng là hiện đại hơn hóa ra lại cho thấy một sự loay hoay mà dường như càng loay hoay càng rối.

Nó cũng y hệt như cái loay hoay của việc từ chỗ "đề thi dễ quá", dẫn đến nhiều cơn mưa điểm 9,10 quá (năm ngoái) sang chỗ "đề thi khó quá và dài quá", khiến ngay cả một vài giáo sư cũng phải thốt lên: "Chính tôi cũng khó mà làm xong!" (năm nay). Vụ việc tiêu cực ở Hà Giang vì thế là một điển hình cho một cuộc khủng hoảng thi cử chưa tìm ra lối thoát.

Nhưng chính cuộc khủng hoảng thi cử ấy lại cũng là một điển hình cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn, vượt ngoài cả ngành giáo dục, liên quan trực tiếp đến một câu hỏi: Rốt cuộc xã hội chúng ta trọng tri thức hay trọng bằng cấp? Học để có tri thức thực sự và học chỉ để có cái bằng, kể cả tấm bằng thạc sĩ/tiến sĩ là hai cách học hoàn toàn khác nhau.

Nhìn vào xã hội ta, từ xưa đến nay, rốt cuộc có bao nhiêu người học theo cách thứ nhất và có bao nhiêu người học theo cách thứ hai? Câu vè thời phong kiến xưa hé lộ ít nhiều đáp án: "Một rổ ông đồ/ Một bồ ông cống/Một đống ông nghè/Một bè tiến sĩ/Một bị trạng nguyên/Một thuyền bảng nhãn" - nghe có chua cay và nực cười không?

Thưa độc giả Nguyễn Văn Khoa, nói như thế không có nghĩa là chúng ta mịt mù hy vọng. Trong một giai đoạn nào đó, bằng một cách thức nào đó những thủ khoa "đểu" - những tiến sĩ "giấy" - những giá trị ảo có thể lên ngôi, nhưng cùng với dòng thời gian, chúng tôi tin rằng những giá trị đích thực sẽ được nhận diện một cách đầy đủ và chính xác.

Về mặt cách thức, có thể là chúng ta đang loay hoay, bối rối, chưa thể một sớm một chiều tìm ra lời giải, nhưng quan trọng là chúng ta có quyết tâm và khát vọng hướng đến sự tử tế. Với khát vọng ấy, hãy cứ tin rằng những cái xấu sẽ bị diệt trừ dần.

"Chúng ta đang bắn cái gì vào tương lai vậy?" - câu hỏi mà độc giả Nguyễn Văn Khoa đặt ra chắc chắn sẽ là câu hỏi canh cánh trong lòng mỗi chúng ta, giúp chúng ta biết cách tự hoàn thiện mình hơn, và chiến đấu với cái xấu, cái ác, cái giả dối một cách mạnh mẽ hơn.

Một lần nữa xin cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết và trách nhiệm của độc giả Nguyễn Văn Khoa!

Nhà báo Vương Trọng Tín

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/26cuthang__-chung-ta-dang-ban-cai-gi-vao-tuong-lai-vay-503418/