Chúng ta cần làm gì trong cuộc chiến Mỹ - Trung

Chúng ta cần đặc biệt tránh tình trạng các doanh nghiệp trong nước được 'mượn đường' để xuất khẩu sang Mỹ.

Cho đến nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn trên đà leo thang, chưa thấy điểm dừng; chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và thỏa hiệp. Cuộc thương chiến được dự báo làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tuy vậy, trong bối cảnh đó chúng ta đang có cơ hội gia tăng xuất khẩu và đón dòng đầu tư dịch chuyển. Nếu không có những cải cách, thay đổi chính sách một cách hợp lý, không có giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, thì nền kinh tế rất khó được cải thiện, và các nhà đầu tư nước ngoài tại sẽ hưởng lợi là chính.

Vì vậy, việc sớm ban hành nghị quyết về định hướng đổi mới chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài đang trở nên rất cấp bách; và việc sửa đổi bổ sung các Luật Doanh nghiệp, Đầu tư lần này cần thể chế hóa được các chủ trương, định hướng đổi mới đó.

Quan hệ Trung - Mỹ chuyển sang đối đầu toàn diện

Quan hệ Trung - Mỹ chuyển sang đối đầu toàn diện

Trong thời gian qua nước ta đang có thặng dư thương mại khá lớn đối với Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chưa ao giờ bị đề cập công khai đến việc bị áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa. Trái lại,chúng ta còn được khuyến khích tiếp nhận dòng đầu tư dịch chuyển sang cũng như khuyến khích nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng chúng ta bị áp thuế là ít vì nhiều lý do, trong đó cơ bản nhất là nền kinh tế còn yếu; Việt Nam là đối tác tin cậy nhất là trong lĩnh vực hàng hải; chúng ta độc lập, tự chủ trong đường lối đối ngoại;…

Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn. Chúng ta cần đặc biệt tránh tình trạng các doanh nghiệp trong nước được “mượn đường” để xuất khẩu sang Mỹ. Ngay cả chính trị nội bộ nước Mỹ cũng có thể có biến động bất lợi. Những rủi ro đó cần phải hết sức lưu ý để tránh.

Ngoài ra, trong điều hành chính sách tỷ giá, cần lưu ý tránh không để Mỹ cho là có “thao túng tiền tệ”. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành khá linh hoạt, thận trọng tỷ giá theo hướng ổn định. Đồng thời, các cơ quan có liên quan cũng có những giải trình hiệu quả về điều hành tỷ giá đối với phía Mỹ.

Dù có lo ngại về khả năng giảm cạnh tranh xuất khẩu do NDT xuống giá, Việt Nam càng phải cân nhắc thấu đáo cả về ngoại giao kinh tế và cơ cấu thương mại ở cấp độ tổng thể để tránh biểu hiện “điều chỉnh tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu”.

Tạo “điểm nhấn”, tăng lòng tin

Thực tế cho thấy cho đến nay phần lớn các quốc gia vẫn không (hoặc chưa muốn) “chọn bên”. Do thị trường Trung quốc quá lớn, và không thể thay thế được; nên các quốc gia vẫn muốn tận dụng cơ hội ở thị trường này để phát triển kinh tế. Về đầu tư và thương mại, các chính phủ và đảng phái cũng chịu vận động hành lang rất mạnh của giới kinh doanh. Vì vậy, nếu chưa phải đánh đổi, chọn bên, thì chính phủ các nước vẫn lưỡng lự trong việc ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến thương mại, và công nghệ với Trung Quốc.

Bối cảnh lịch sử và địa lý của nước ta khá nhạy cảm, nhất là về hàng hải. Chúng ta vẫn cần kiên trì đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa”, và cần tạo “điểm nhấn” trong quan hệ với các quốc gia này.

Chúng ta cần chủ động xúc tiến và thu hút nhiều hơn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và xây dựng hạ tầng, phát triển điện khí hóa lỏng. Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ động liên hệ, tìm kiếm, lôi kéo các doanh nghiệp công nghệ mỹ có những dự án lớn đầu tư vào Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải liên hệ, tìm kiếm hỗ trợ từ Mỹ thực hiện nghiên cứu khả thi một số dự án hạ tầng; chủ động đề xuất phương pháp lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với nhà đầu tư Mỹ và các nước EU. Bộ Công thương chủ động điều chỉnh sơ đồ điện, lựa chọn xây dựng một hệ thống cảng biển chuyên dụng nhập khẩu khí hóa lỏng, hợp tác thực hiện với nhà đầu tư từ Mỹ. Thực hiện được điểm nhấn nói trên giúp tăng nhập khẩu từ Mỹ, qua đó, giảm thăng dư thương mại với hoa kỳ.

Các cơ quan có liên quan cần có liên hệ chặt chẽ và hợp tác xây dựng với các doanh nghiệp và cơ quan có liên quan của Mỹ; trao đổi thẳng thắn, chân thành các vấn đề và quan ngại của ta; chủ động đề xuất cùng hợp tác giải quyết vấn đề; và cao hơn nữa là hợp tác trong an ninh mạng và phát triển công nghiệp an ninh mạng. Không để các vấn đề này thành điểm nóng trong quan hệ với Mỹ…

Đối với Trung quốc, ngoài tranh chấp biển đông, tinh thần dân tộc của nhân dân ta hiện nay đang rất mạnh, dễ bị kích động tiêu cực. Chúng ta cần khai thác tốt hơn cơ hội từ thị trường này; cần mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư chính thức, giảm thương mại phi chính thức. Các bộ liên quan cần hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân thay đổi cách thức tổ chức sản xuất hướng đến xuất khẩu chính ngạch; giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch, phi chính thức vào Trung quốc.

Về đầu tư, cần lấy các tiêu chuẩn cao về môi trường, công nghệ, tiết kiệm điện năng và chuyển giao công nghệ để sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư từ nước này, và thống nhất trong tổ chức thực hiện ở tất cả các địa phương. Đặc biệt, chúng ta phải kiên quyết loại bỏ, ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp, sản phẩm của họ “mượn đường” qua Việt nam để xuất khẩu sang Mỹ. Cảnh báo mới đây của ông D. Trump về chúng ta trong tư cách nhà xuất khẩu hưởng lợi cần được chú ý đúng mức và có biện pháp xử lý.

Dự án đường sắt trên cao “Cát Linh - Hà Đông” cần sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, làm nguội bức xúc trong dân chúng để tận dụng cơ hội hợp tác phát triển kinh tế và duy trì an toàn xã hội.

Vũ Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/chung-ta-can-lam-gi-trong-cuoc-chien-my-trung-545319.html