Chúng ta bảo vệ sức khỏe nhân dân hay bảo vệ khoản thu 50.000 tỉ đồng?

Đây là câu hỏi của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khi tham gia thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia diễn ra vào sáng nay 16/11.

Quan tâm nồng độ cồn chứ không phải việc uống rượu hay bia

Đóng góp vào dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) nêu hai vấn đề lưu ý cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra quan tâm. Đại biểu lưu ý rượu và bia là hai sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau, chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật là khác nhau. Do vậy, việc đồng nhất giữa rượu và bia để đưa ra các biện pháp, chế tài kiểm soát giống nhau là trái với pháp luật hiện hành.

"Về quy định không bán rượu, bia trên mạng Internet, trên thực tế, chỉ có thể áp dụng với rượu vì đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện; còn áp dụng với bia là trái với pháp luật hiện hành như Luật Dầu tư, Luật Thương mại và một số Nghị định của Chính phủ vì quy định bia không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do vậy, bia phải được đối xử bình đẳng như với các mặt hàng khác kinh doanh không có điều kiện khác, trong đó có quyền được bán trên mạng Internet" - Đại biểu Trần Quang Chiểu nêu.

Về tên gọi "Luật phòng chống tác hại rượu bia", đại biểu Chiểu phân tích như vậy chẳng khác nào khẳng định rượu bia là có hại, gây ra hiểu nhầm không đáng có. "Nếu rượu và bia là tác hại thì chúng ta nghĩ gì với truyền thống thắp hương thờ cúng tổ tiên, mời khách chén rượu nhạt và trong các hoạt động đối ngoại... " - đại biểu Chiểu nêu.

Với mục đích của Luật là bảo vệ sức khỏe nhân dân, theo đại biểu, đối tượng chịu tác động chính của Luật là người sản xuất phải bảo đảm chất lượng và người tiêu dùng có ý thức.

Do vậy tên luật cần hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm là không có hại. Vì trên thế giới và thị trường trong nước đã có sản phẩm có độ cồn tương đương với bia song không đăng ký là bia. Nếu Luật chỉ điều chỉnh với rượu và bia thì chưa bao quát hết thực tiễn diễn ra và mục đích của Luật khi ban hành.

Do đó, tên của Luật cần bao quát thực tiễn dễ hiểu, phản ánh đúng nội dung của Luật và nên đổi thành Luật kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn

Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đã giơ biển xin tranh luận. Theo đó, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội lưu ý nội hàm tên gọi của dự án Luật là phòng tác hại rượu bia và chỉ phòng cái có hại, làm tổn hại đến sức khỏe của người dùng.

Các tổ chức thế giới đã chia lạm dụng rượu bia thành 3 loại: uống có nguy hại đến sức khỏe, uống quá độ và nghiện rượu. Trong đó, uống có nguy hại đến sức khỏe là uống rượu thường xuyên, gây ảnh hưởng đến thể chất, tâm thần, ảnh hưởng đến xã hội.

"Nếu để người uống đến mức lạm dụng thì có phòng cũng đã quá muộn. Ví dụ như nếu cháy nhà rồi mà mới dập thì ít nhiều tài sản bị nguy hại" - đại biểu Tuấn so sánh.

Về sự giống, khác nhau giữa rượu và bia, đại biểu cho rằng đây đều là đồ uống có cồn, nếu uống nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa... của người sử dụng. Trong thực tế, lực lượng CSGT khi xử phạt người tham gia giao thông có uống rượu bia qua việc thổi phạt chỉ căn cứ vào nồng độ cồn mà không quan tâm đến việc họ uống rượu hay bia.

Đừng ngụy biện “uống có văn hóa”!

Bày tỏ sự đồng tình về dự án Luật này, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, những tác hại của bia, rượu là đã quá rõ ràng và đương nhiên ngay cả việc quảng cáo rượu, bia cũng phải cấm. Thậm chí theo ĐB Nhân “phải cấm vĩnh viễn quảng cáo trên báo nói, báo hình, báo giấy…”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Bởi theo vị đại biểu dân cử tỉnh Bình Dương, Việt Nam có “thành tích” uống bia rượu đứng đầu Đông Nam Á. “ Thật khó mà tự hào về thành tích uống bia, rượu đứng đầu Đông Nam Á của Việt Nam. Phải chăng do tính có sẵn của nó, có thể mua bia, rượu ở bất cứ đâu?.... Ở các thành phố, các khu đô thị còn có cả những con phố ăn nhậu sẵn sàng phục vụ”, đại biểu Nhân nói.

Đề cập đến những nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ khi từ đầu nhiệm kỳ luôn luôn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung cho phát triển để “GDP nhích lên từng tí một”, đại biểu Nhân nói: “Có khi GDP nhích lên và được coi là kỳ tích, trong khi đó, rượu, bia lại làm tổn hại tới 1,3% GDP mỗi năm, ấy là chưa kể những tác hại lâu dài mà nó mang lại”.

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết, không ít ý kiến đổ những tác hại ấy cho người dùng và ngành rượu bia cứ như là một chủ thể vô can. Thậm chí còn dùng các “mỹ từ và truyền thống văn hóa để cổ súy cho việc tiêu dùng bia, rượu”. Theo ông Nhân, ngành rượu, bia không thể là chủ thể vô can vì tính sẵn có của nó mà bất kể ai cũng có thể tiếp cận, uống bia, rượu và bị tác hại.

“Tranh luận là cần thiết, nhưng xin hãy một lần đến những nơi cấp cứu người tai nạn vì rượu bia hay một lần nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng vì bia, rượu. Chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay bảo vệ khoản thu 50.000 tỉ đồng/năm? Vậy mà không ít người lại cổ súy cho “văn hóa uống”. Không nên ngụy biện bằng “uống có trách nhiệm” hay gì khác. Không nên cài cắm hay đánh tráo khái niệm. Đã đến lúc phải hành động để đưa đất nước ra khỏi những vị trí không lấy gì làm tốt đẹp”, đại biểu Nguyễn Trọng Nhân nói.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chung-ta-bao-ve-suc-khoe-nhan-dan-hay-bao-ve-khoan-thu-50000-ti-dong-post282107.info