Chứng sỹ mù

Cuối tuần qua, một môi giới công ty chứng khoán có thị phần khá lớn trò chuyện với tôi: 'Bọn em sợ thị trường chứng khoán nhà mình quá, không biết sẽ rơi đến đâu'.

Theo bạn, đo trên các biểu đồ kỹ thuật cùng với động thái mạnh tay bán ròng suốt tuần qua hơn 6.000 tỷ, và có động thái rút vốn khỏi thị trường lên đến hàng trăm triệu USD, khối phân tích công ty cho biết: Nhiều dấu hiệu chứng khoán sẽ đứng trước một đợt thử lửa bão táp. “Khả năng thị trường sẽ chìm trong biển lửa và nhà đầu tư nội sẽ tháo chạy. Tuy nhiên, đợt lao dốc này mới chỉ là bước đệm, thị trường sẽ phục hồi ngắn hạn, sau đó mới chìm vào những ngày đen tối”, bạn dự báo .

Chưa kịp chiêm nghiệm, thứ hai cả ngày bận quay cuồng công việc, tối muộn tôi mới giở bảng điện tử chứng khoán cài app trên điện thoại ra “ngâm cứu” thì ôi thôi, chỉ một “màu hoa đỏ” với phiên điều chỉnh giảm gần 30 điểm “kinh khủng” nhất từ đầu tháng 5 tới nay. Sáng 8/6, màu đỏ chưa dừng lại còn loang mạnh hơn với phiên đóng cửa chiều VN- Index lao dốc giảm hơn 30 điểm. Lát sau, một bạn gửi cho màn hình facebook cá nhân của một nhà báo lão luyện chứng trường với lời trách móc: Thị trường “sập” thế này là tại phát ngôn của một “bác” ủy ban chứng khoán. Cuối tuần qua, vị quan chức này đã lên tiếng cảnh báo, tỉ lệ vay mượn (call margin) của nhà đầu tư với công ty chứng khoán đã chạm trần và có dấu hiệu rủi ro. Một số người hưởng ứng, cho rằng đó là phát ngôn thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhóm nhà báo lâu năm am hiểu chứng trường đều thừa nhận, cảnh báo đó là cần thiết và kịp thời!

Từng trong tâm trạng một nhà đầu tư thua cuộc mất một khoản tiền lớn, cuốn phim 15 năm trước (khoảng 2006-2007) như đang “tua” lại trước mắt tôi. Hồi đó, cơn mưa vốn ngoại 6-7 tỷ USD đổ vào khiến TTCK cứ mở mắt mua - bán mỗi phiên đã tăng thêm từ 3-5%, lợi nhuận trong tài khoản nhảy liên tục từ 10%, 20% tới 50%. Rồi đánh đùng, đến cuối năm 2007, TTCK rớt thê thảm, nhà đầu tư mất tiền hoảng loạn, khóc lóc, thậm chí là vỡ nợ vì vay mượn ngân hàng nhiều.

Năm nay, cuốn phim nhiều tập hình như đang lặp lại. Nghe kể một nữ nhà báo đã lên hẳn một tờ báo lớn khoe, nhờ có chứng khoán mà vài năm nay cô đổi đời, mua được căn hộ chung cư, có tài khoản tiền tỷ. Một vài nhà đầu tư FO phấn chấn kể vừa mua và lãi ngay một khoản từ mã ngân hàng này, mã chứng khoán kia. Mà hỏi ra, họ không hề biết hay quan tâm đến bất cứ chỉ số tài chính nào của mã cổ phiếu đó, chỉ mua theo xui khiến. Thậm chí, đã xuất hiện một biếm họa với tên gọi bộ phim “chứng sĩ mù” mô tả chân dung các nhà đầu tư lao vào thị trường đặt lệnh bằng niềm tin vào một loạt mã chứng khoán không cần biết hay dở thể nào…

Cơn sóng COVID lần thứ tư khiến đời sống kinh doanh trì trệ; doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khốn khó. Nhưng chỉ duy nhất một lĩnh vực người ta nghe thấy những tiếng reo vui vọng về đó là TTCK. Thậm chí, trên các diễn đàn, facebook cá nhân, nhà đầu tư đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề đều hỉ hả. Sáng ngày ra, ngoài tin tức COVID, đi đến đâu bên bàn trà, chốn công sở cũng chỉ nghe bàn tán rôm rả về chứng khoán, tiền điện tử bitcoin, tiền ảo. Ai đang được, mất tiền từ chứng khoán? Phân tích sâu từ một loạt cơn biến động của TTCK thời gian qua cho thấy: rốt cục, khối ngoại,“đội lái”, “cá mập” vốn dĩ là những cấu phần không thể thiếu trên thị trường theo năm tháng, tài khoản của họ đang ngày một dày lên. Còn mỗi lần cơn sóng thần ập đến, thị trường rung lắc, đa phần chỉ thấy nhà đầu tư FO, nhà đầu tư “adua” theo phong trào là hốt hoảng, bỏ dép, tháo chạy nhanh nhất.

“Khi lòng tham nổi lên là lúc chúng ta nên biết sợ”. Có bao nhiêu người thực sự làm được điều này? Trên chiến trường, chúng ta cần chiến binh còn nơi chứng trường, điều cần là các “chứng sỹ” hãy có những cái đầu tỉnh táo, đừng để cơn say lợi nhuận làm mờ mắt.

Khánh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chung-sy-mu-post1344294.tpo