Chung sức với sự nghiệp giáo dục

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định những năm qua, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) được tích cực triển khai bước đầu có hiệu quả.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định những năm qua, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) được tích cực triển khai bước đầu có hiệu quả.

Thực tế, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 mới đây của Bộ GD và ĐT cũng cho thấy, chất lượng giáo dục phổ thông (cả đại trà và mũi nhọn) được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trong số 174 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, Niu Di-lân, Thụy Điển. Kết quả thi Ô-lim-pích cũng đặc biệt xuất sắc với tất cả 24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi đều đoạt giải. Số huy chương vàng mà học sinh Việt Nam đạt được trong giai đoạn 2016-2020 nhiều gấp hai lần giai đoạn 2011-2015. Lần đầu tiên, nước ta có bốn đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng châu Á của QS; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới (trước năm 2015, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chưa có mặt trong các bảng xếp hạng thế giới, chỉ có hai trường vào tốp 300 châu Á). Số lượng các công trình công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam tăng hơn 10 lần so với năm 2013. Năm 2020, lần đầu một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% số tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới.

Những con số về kết quả giáo dục được quốc tế ghi nhận không phải là thành tựu của riêng năm 2020 mà là cả một quá trình triển khai đổi mới căn bản GD và ĐT. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự quan tâm, tham gia đóng góp cùng sự nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục, các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên và mỗi người dân đã mang lại thành tựu nổi bật, rất đáng ghi nhận trong thời gian qua. Trong đó, công tác quản lý giáo dục được thực hiện dân chủ; phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình cho địa phương và cơ sở giáo dục. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế những tiêu cực và bức xúc, giúp việc đổi mới theo đúng kế hoạch, lộ trình và có chất lượng, hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, việc huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội cho phát triển giáo dục; gắn kết hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học giáo dục, giảng dạy và đào tạo, ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và ngoài nước về lĩnh vực giáo dục… góp phần không nhỏ vào thành công của đổi mới GD và ĐT.

Tuy nhiên, đổi mới GD và ĐT chưa thật sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI, cũng như thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và những năm tiếp theo, ngành giáo dục cần có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh mẽ. Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp về phát triển GD và ĐT được Đại hội XIII thông qua. Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc đại hội đã nêu rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Ngành giáo dục cần tăng cường năng lực cho hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới; xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục tất cả các cấp học, các chương trình đào tạo; quy chuẩn các điều kiện bảo đảm chất lượng, loại hình cơ sở GD và ĐT. Các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội cần chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục; tạo điều kiện tốt, đầy đủ cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của học sinh, sinh viên. Mặt khác, để đổi mới thành công cũng cần tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân. Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, tạo mọi thuận lợi cho mỗi học sinh, sinh viên, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

MẠNH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/chung-suc-voi-su-nghiep-giao-duc-633934/