Chung quanh phương án điều chỉnh các kỳ học trong năm

Nhiều chuyên gia giáo dục và cha mẹ học sinh góp ý, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cần xem xét đề xuất của TP Hà Nội trong việc chia năm học thành bốn kỳ, cùng với đó là rút ngắn kỳ nghỉ hè, sắp xếp thêm các kỳ nghỉ ngắn trong năm học để phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế.

Giờ học của học sinh Trường Marie Curie. Ảnh: Quỳnh Trang

Giờ học của học sinh Trường Marie Curie. Ảnh: Quỳnh Trang

Nhiều chuyên gia giáo dục và cha mẹ học sinh góp ý, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cần xem xét đề xuất của TP Hà Nội trong việc chia năm học thành bốn kỳ, cùng với đó là rút ngắn kỳ nghỉ hè, sắp xếp thêm các kỳ nghỉ ngắn trong năm học để phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung vừa giao Sở GD và ÐT Hà Nội nghiên cứu xây dựng đề án sắp xếp năm học với bốn kỳ học, bốn kỳ nghỉ để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD và ÐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ. Trong đó kỳ nghỉ hè kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết Nguyên đán khoảng một tháng, hai kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài hai tuần. Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, phương án chia thời gian năm học thành bốn kỳ học, bốn kỳ nghỉ bảo đảm kích cầu tiêu dùng và việc phân luồng giao thông của thành phố tốt hơn.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Lê Quý Ðôn cho biết, đề xuất năm học có bốn kỳ nghỉ là có cơ sở thực tế và cơ sở khoa học, Bộ GD và ÐT cũng như các cơ quan chức năng cần xem xét một cách nghiêm túc để triển khai theo lộ trình. "Cách chia năm học thành hai kỳ, với kỳ nghỉ hè kéo dài từ hai tháng rưỡi đến ba tháng đã trở thành thói quen với mỗi người, cho nên nói đến việc thay đổi, nhiều người sẽ rất ngại và nghĩ đến nhiều vướng mắc. Nhưng ngành giáo dục nên nghiên cứu nghiêm túc đề xuất này, bởi nó cũng đồng bộ với cách làm của nhiều quốc gia" - thầy Bình khẳng định. Trên thực tế, không chỉ do năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh các tỉnh, thành phố phải nghỉ học, mà vào mùa đông các năm trước, tình trạng thời tiết xấu, trời rét đậm, rét hại hay không khí ô nhiễm, dịch bệnh theo mùa… học sinh cũng được xem xét cho nghỉ học. Mặt khác, việc học sinh nghỉ hè từ hai tháng rưỡi đến ba tháng như hiện nay là quá dài, gây ra tình trạng các em bị quên kiến thức, ngại đi học trở lại. Trong khi áp lực học, thi cử kéo dài chín tháng trong một năm học khiến học sinh và giáo viên cảm thấy căng thẳng. "Chúng ta có chủ trương giảm áp lực cho học sinh, ngoài việc giảm những kiến thức không phù hợp, thì việc phân phối thời gian nghỉ hợp lý vào thời điểm thích hợp chứ không nên dồn hết vào kỳ nghỉ hè như hiện nay" - thầy Bình nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm) khẳng định, đây là phương án hay và nhà trường hoàn toàn ủng hộ, bởi phương án này đem lại nhiều thuận lợi cho cả học sinh lẫn giáo viên. "Việc duy trì kỳ nghỉ hè ba tháng có nhiều nhược điểm, như thời gian nghỉ dài khiến kiến thức của học sinh "rơi vãi". Việc khởi động năm học mới sẽ vấp phải một sức ỳ lớn, do đó giáo viên rất vất vả để giúp học sinh ôn luyện kiến thức, tạo nền nếp học tập cho học sinh. Nếu kỳ nghỉ hè chỉ kéo dài năm tuần sẽ giảm được điều đó và việc khởi động năm học mới cũng sẽ dễ dàng hơn" - thầy Khang phân tích.

Về việc phân chia các học kỳ, theo thầy Khang đây là việc không khó. "Hiện biên chế năm học của Bộ quy định hai học kỳ, nhưng thực chất vẫn có bốn học phần kiến thức là đầu học kỳ I, cuối học kỳ I, đầu học kỳ II và cuối học kỳ II. Cuối học kỳ I là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và cuối học kỳ II là dịp nghỉ hè. Cho nên, nếu lấy bớt thời gian của gần hai tháng hè chia cho thời gian Tết Nguyên đán và hai kỳ nghỉ giữa mỗi học kỳ là hợp lý. Ðiều này sẽ tạo ra các phân khúc hợp lý để học sinh, giáo viên có thể kiểm tra, đánh giá, ôn tập từng giai đoạn từ hai tháng đến hai tháng rưỡi, thay vì để đến bốn tháng mới ôn tập, kiểm tra hết kỳ như hiện nay. Như vậy, học sinh sẽ được ôn tập sâu hơn và việc thi cử đối với học sinh cũng nhẹ nhàng hơn. "Phương án chỉ có thể triển khai khi được thống nhất toàn quốc. Tôi cho rằng, từng địa phương có thể du di thời gian nghỉ, còn Bộ GD và ÐT sẽ cần chốt khung thời gian năm học với thời điểm bắt đầu và kết thúc năm học để cả nước thống nhất bước vào các kỳ thi chung" - thầy Khang khẳng định.

Góp ý về phương án chia năm học thành bốn học kỳ, chị Nguyễn Thanh Mai, có con học tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng cho biết: "Nghỉ hè ngắn bớt có thể gây khó khăn với một số phụ huynh, thay vì gửi con về quê hết mấy tháng hè thì nay lại phải có kế hoạch chăm sóc con trong những kỳ nghỉ ngắn. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian nghỉ hè cũng giúp cho các vị phụ huynh không cần cho con đi học thêm vì lo con quên kiến thức".

Hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Châu (huyện Ba Vì), thầy Lê Ðức Thọ cũng đồng tình với quan điểm chia nhỏ kỳ nghỉ hè thành bốn kỳ nghỉ. "Sau Tết Nguyên đán, thời tiết khu vực phía bắc, nhất là tại vùng núi cao như huyện Ba Vì khá khắc nghiệt, trời lạnh ẩm, hay xảy ra dịch bệnh. Việc cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học nghỉ kéo dài trong thời điểm Tết Nguyên đán thay vì chỉ nghỉ hơn một tuần như hiện nay là phù hợp". Cũng theo thầy Thọ, việc nghỉ một vài ngày giữa kỳ cũng là phù hợp để giáo viên, học sinh có thời gian cân bằng, sắp xếp sau mỗi kỳ kiểm tra căng thẳng.

Thế Hải

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43498402-chung-quanh-phuong-an-dieu-chinh-cac-ky-hoc-trong-nam.html