Chứng nhân cuộc Toàn quốc kháng chiến ở Huế

Với tuổi đời hơn 100 năm, cầu Trường Tiền gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cố đô Huế, trong đó có cuộc Toàn quốc kháng chiến năm 1946-1947.

Được khánh thành năm 1889, cầu Trường Tiền không chỉ là cây cầu huyết mạch mà còn là biểu tượng lịch sử của Huế. Cây cầu này là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lớn trong cuộc Toàn quốc kháng chiến ở Huế năm 1946-1947.

Trước khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tại ngã tư cầu Trường Tiền có trạm gác chung ở hai bên đường, tự vệ ta ở bên trái, quân Pháp ở bên phải. Sau khi dã tâm quay lại chiếm nước ta lộ rõ, quân Pháp tại đây đã khiêu khích, bắn một công an ta bị thương. Dù vậy, các chiến sĩ của ta vẫn kiềm chế, không rơi vào bẫy của địch.

Nhưng ta nhân nhượng, quân Pháp càng lấn tới, và điều gì đến đã phải đến. Đúng 2h30 sáng ngày 20/12/1946, tiếng súng của Toàn quốc kháng chiến đã nổ ra ở Huế.

Ngay sau khi lệnh chiến đấu được ban bố, một quả thủy lôi nặng 500 kg đã được quân ta kích nổ ở đầu phía Bắc cầu Trường Tiền. Đầu cầu này đổ sập đã khiến quân Pháp không thể chuyển quân như ý muốn.

Trong những ngày tiếp theo, khu vực xung quanh cầu Trường Tiền là nơi diễn ra những cuộc đụng độ khốc liệt giữa quân ta và quân Pháp. Từ gầm cầu Trường Tiền, vào rạng sáng ngày 22/12, đội cảm tử quân của người Nhật ủng hộ Việt Minh đã xuất kích đánh vào khách sạn Morin, nơi đồn trú của quân Pháp ở đầu cầu phía Nam.

Cuộc Toàn quốc kháng chiến đã kéo dài suốt 50 ngày đêm ở Huế. Quân ta đã truy kích, bao vây quân Pháp tại các vị trí trọng điểm trong thành phố cho đến ngày 6/2/1947, khi tướng Bourgound điều 3.000 quân Pháp có pháo binh yểm trợ đánh chiếm Huế.

Trước tình hình thành, các chiến sĩ ở Huế Quân rút lên chiến khu và cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và sau gần 30 năm sau đã giành thắng lợi vẹn toàn để Tổ quốc trở về một mối như ngày hôm nay.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chung-nhan-cuoc-toan-quoc-khang-chien-o-hue-798067.html