Chung một ước mơ…

Ở vùng biên giới Gia Lai, gần 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào dân tộc thiểu số (có 4 em người Campuchia) được BĐBP nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ học tập. Các em đều có chung suy nghĩ là học thật giỏi để sau này cống hiến cho quê hương, đất nước.

Bữa cơm của những “cha nuôi Biên phòng” với các cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” trên vùng biên giới. Ảnh: Lê Quang Hồi

Đại tá Vũ Trung Kiên, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai cho biết: Từ năm 2013, đơn vị đã triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Bữa cơm tình thương”. Mục tiêu của hoạt động này là chia sẻ khó khăn với học sinh vùng biên, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Thương các em nhiều lắm, nhưng “lực bất tòng tâm”, đơn vị chỉ tiếp nhận nuôi dưỡng (ăn, ở, học tập) 16 em có gia đình đặc biệt khó khăn, biết vươn lên trong cuộc sống và hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng/ em theo Chương trình “Nâng bước tới trường” cho 80 em. Việc làm này đã để lại dấu ấn quan trọng trên vùng biên cương Tổ quốc. “Quan tâm chăm lo việc học của các em là nhằm nâng cao dân trí và đặt nền móng để sau này các em sẽ trở thành những nhân tố, những cán bộ tốt, cống hiến hết mình cho đất nước. Việc làm này cũng nhằm củng cố mối quan hệ máu thịt quân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị duy trì, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các em học sinh ở vùng biên của Tổ quốc” - Đại tá Vũ Trung Kiên nói.

Công tác ở Gia Lai, tôi đã nghe nói nhiều về “Bữa cơm tình thương”, “Bếp ăn tình thương”... và tôi cũng đã hình dung ra phần nào ý nghĩa cao đẹp của mô hình này. Nhưng khi đến tận nơi, tìm hiểu, chứng kiến những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh dành cho các học trò nghèo, tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa nhân văn của hai chữ “tình thương” giữa đại ngàn biên giới. Chỉ một khu đất nhỏ, một căn phòng không lớn lắm, nhưng với sự khéo léo của bàn tay người lính, các anh đã bố trí rất hài hòa giữa 5 khu vực: Phòng học, phòng ăn, khu vực nấu ăn, khu tăng gia trồng rau xanh và khu vệ sinh. Để hỗ trợ Chương trình “Nâng bước em tới trường”, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều tự nguyện đóng góp một ngày lương. Riêng “Bếp ăn tình thương”, hằng tháng, mỗi cán bộ chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tự nguyện đóng góp 200.000 đồng, còn các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đóng góp 100.000 đồng để duy trì hoạt động. Hằng ngày, đơn vị phân công luân phiên mỗi cán bộ, chiến sĩ phục vụ nấu nướng và giúp đỡ các cháu ôn bài, kiểm tra bài trước khi đến lớp. Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã vất vả, rồi lại chăm lo cho các cháu ăn học, nhưng ai cũng thấy vui vẻ, hạnh phúc, bởi đã giúp các em ngày ngày đến trường học tập.

Những ngày cuối năm, tiết trời trên vùng biên nóng bức. Lâu lâu, những cơn gió từ trên núi thổi xuống làm cây lá oằn mình nghiêng ngả và cuốn lên trời những đám mây bụi đỏ. Chúng tôi đến “ngôi nhà Biên phòng” ở vùng biên giới Đức Cơ (Gia Lai), đúng vào lúc tan trường. Các em học sinh tỏa về các con đường, tung tăng vui đùa... đẹp như một giấc mơ.

Trên gương mặt rạng ngời sau khi kết thúc buổi học, về nhà, Rơ Ma H’Uynh, lớp 7, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi xúc động: “Cháu được 8 tháng tuổi thì mẹ mất, ba cháu đi thêm bước nữa. Cháu sống cùng chị Rơ Ma H’Sương (21 tuổi), trong một ngôi nhà tạm nho nhỏ, ngày đêm khát khao con chữ. Từ năm 2012, biết được hoàn cảnh kinh tế khó khăn của cháu, các chú bộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã đến nhà động viên cháu tới trường học tập và nhận nuôi dưỡng cháu. Không phụ công ơn những “người cha Biên phòng”, cháu chăm học và kết quả các năm qua đều đạt loại giỏi. Là học sinh tiêu biểu trong số học sinh dân tộc thiểu số vươn lên học giỏi, cháu được ra Hà Nội, gặp và tặng hoa Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ở Phủ Chủ tịch. Bác Quang đã ân cần hỏi thăm chuyện học tập, cuộc sống của gia đình, bà con bản làng; khen ngợi cháu và các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên học tập, rèn luyện. Bác mong chúng cháu tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng phấn đấu, nỗ lực để có thành tích ngày càng tốt hơn, tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. Bây giờ, bác Quang không còn nữa, nhưng theo lời dạy bảo của bác, cháu quyết tâm vươn lên trong học tập và cuộc sống”. Rơ Ma H’Uynh cười tươi, rồi đứng lên khoe với tôi bức chân dung Bác Hồ kính yêu, một phần thưởng cao quý của em được bác Trần Đại Quang trao tặng.

Trời xế chiều, se lạnh, dòng Sê San uốn cong như dải lụa xanh tuyệt đẹp trải theo đường biên giới của Tổ quốc, cũng là lúc chúng tôi về đến Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai. 3 “con nuôi” của đơn vị, gồm: Siu H’Ly (làng Cúc) nay đã bước sang tuổi 18, còn Kpuih Hiếu (làng Kloong) và Rơ Lan H’Ly (làng Mít Chép) cũng đã 12 tuổi (đều ở vùng biên của huyện Ia Grai) lễ phép chào rồi vui vẻ pha trà mời khách. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết: Kpuih Hiếu và Rơ Lan H’Ly ba mẹ mất sớm, gia đình kinh tế khó khăn, được các chú BĐBP nhận nuôi dưỡng từ năm 2014; còn Siu H’Ly đã “làm con” của Đồn Biên phòng Ia O từ năm 2006. Theo H’Ly, nếu ngày đó không có các “cha nuôi” phát hiện cứu chữa, nuôi dưỡng, chắc em đã chết theo bố mẹ và em trai lâu rồi. Chỉ vì nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, bố mẹ H’Ly vượt biên sang Cam-pu-chia, chiếc thuyền bị lật, cha mẹ và em trai H’Ly bị dòng nước cuốn trôi, riêng H’Ly được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Ia O cứu sống. Từ một gia đình yên ấm, bỗng chốc, cô bé 7 tuổi Siu H’Ly trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thương cho hoàn cảnh của em, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O đã xin với làng nhận em làm “con nuôi”. Từ đó đến nay, em được lớn lên, ăn học trong vòng tay yêu thương của những người cha “quân hàm xanh”. H’Ly nói như khoe: “Cháu lớn lên, học tập và có được cuộc sống như bây giờ, tất cả là nhờ các chú Bộ đội Cụ Hồ!...”.

Trung tá Đinh Công Thông, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O cho biết: “Đóng quân trên vùng biên giới Gia Lai, hằng ngày tiếp xúc với cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số địa phương, chúng tôi cảm nhận, dù vẫn còn khổ cực, nhưng lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước thì rất lớn, như “lá cây hướng về ánh nắng mặt trời” vậy. Với mong muốn giúp các em được đến trường, học được con chữ, con số... sau này lớn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng tôi đã động viên cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp tiền bạc để hỗ trợ thêm cho các em ăn học. Nụ cười, điểm học tập hằng ngày của các em là niềm vui, hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ đơn vị”.

Tiếp xúc với các em được “Bộ đội quân hàm xanh” hỗ trợ và nuôi ăn học, càng thương các học trò nơi vùng biên giới bao nhiêu, chúng tôi lại càng quý trọng những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng bấy nhiêu. Không chỉ như những người cha tận tụy, người mẹ tảo tần, các anh là những người thầy áo lính luôn hết lòng vì sự no ấm, tiến bộ của các học trò dân tộc thiểu số nghèo của địa phương. Rồi mai đây lớn lên, trên bước đường lập thân, lập nghiệp, chắc chắn các em luôn nhớ về Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Bếp ăn tình thương” và không dễ gì nhạt phai những tình cảm thân thương, gần gũi, cao quý mà các chú Bộ đội Cụ Hồ đã dành cho mình từ thủa ấu thơ.

Lê Quang Hồi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chung-mot-uoc-mo/