Chung một con đường, chung một ý chí

Tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Đây không chỉ là con đường để chi viện, nối liền Nam - Bắc, mà còn là con đường tương lai của Tổ quốc. Biết bao người lính, thanh niên xung phong đã cống hiến, hy sinh trong những năm kháng chiến, tạo nên tên tuổi và vinh quang của con đường huyền thoại. Trở về đời thường, những người lính vẫn thắp sáng tình yêu đất nước, góp sức mình gây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trở về với "cuộc chiến thứ hai"

Tôi đã gặp hàng chục cựu lính Trường Sơn và những câu chuyện của họ luôn lay trở tâm trí tôi. Không chỉ bởi tinh thần, ý chí của họ trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, mà còn bởi khi trở lại cuộc sống đời thường, họ vẫn nêu cao tinh thần người lính vượt qua gian khó, tiếp tục cống hiến. Có những người dù là thương binh nặng, trong cơ thể vẫn còn mảnh bom nhưng vẫn làm việc đến hai trăm phần trăm sức lực. Nhiều người trở thành doanh nhân, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đóng góp lớn cho xã hội.

Đầu tiên phải kể đến là ông Phan Văn Quý, cựu lính lái xe đường Trường Sơn, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương. Tôi biết ông đã nhiều năm và vô cùng kính trọng, bởi ông yêu văn nghệ nhưng lại làm kinh tế rất giỏi, luôn lo lắng cho đồng đội, con em đồng đội và biết cách tôn vinh văn nghệ sĩ. Ông Phan Văn Quý quê Yên Thành (Nghệ An). Năm 1971, khi vừa bước sang tuổi 18, ông xung phong vào bộ đội, trở thành lính lái xe của Tiểu đoàn ô tô 52, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571. Cùng chiếc xe ZIN157, chiến sĩ Quý đã vượt qua bao cung đường dọc, ngang trên tuyến lửa Trường Sơn. Với nhiều thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ vận tải quân sự, tháng 6/1976, Phan Văn Quý được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi vừa 23 tuổi.

Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương trao tài trợ 1,8 tỷ đồng cho Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương trao tài trợ 1,8 tỷ đồng cho Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Cách đây hơn chục năm, khi đó ông Quý đã tâm sự rằng, bản thân may mắn hơn nhiều đồng đội, được trở về với cuộc sống bình yên nên sẽ sống thay cả phần đồng đội. Năm 1999, ông Quý lập công ty riêng, bởi ông nghĩ, chỉ làm kinh doanh mới có thể tạo việc làm cho nhiều người khác. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc ông sẽ bước vào cuộc chiến thứ hai, với nhiều thử thách trên thương trường. Việc kinh doanh bị thua lỗ, ông phải nhượng công ty cho người khác. Không nản lòng, năm sau ông lập công ty khác chuyên về xây dựng, nhưng cũng phải giải thể. Không lùi bước, giữa năm 2001, ông lại cùng một số bè bạn lập Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm trước, lần này Tập đoàn Thái Bình Dương chú trọng vào lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản. Phạm vi hoạt động của đơn vị do ông Quý đứng đầu rất phát triển. Tập đoàn có gần 20 doanh nghiệp thành viên và đơn vị có vốn góp. Ông Quý cho biết, phương châm hoạt động của Tập đoàn là: Đối với cổ đông - cam kết bảo vệ lợi ích hợp pháp, tăng trưởng, ổn định và bền vững; đối với khách hàng - mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng nhất; đối với đối tác - đảm bảo sự tin cậy, bình đẳng, cùng có lợi, xem đối tác như đồng đội; đối với cán bộ nhân viên - tạo mọi điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo, có cuộc sống tốt về vật chất và tinh thần; đối với sự nghiệp chung - hoàn thành trách nhiệm, góp phần nhỏ bé chia sẻ cùng cộng đồng.

Một người cũng đầy tinh thần quật cường là doanh nhân Trần Thị Chung, Phó Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân Trường Sơn Việt Nam. Bà là doanh nhân giàu lòng nhân ái, thủy chung, nặng nghĩa tình đồng đội. Trong ký ức bà Chung, Trường Sơn là những cánh rừng đại ngàn ôm ấp núi chạy theo suốt chiều dài phía tây đất nước. Bà Chung sinh năm 1956 tại Vũ Thư, Thái Bình. Đầu năm 1972, đang học lớp 7 bà viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Khi giấy báo nhập ngũ gửi về gia đình, bố mẹ mới biết và òa khóc. Chưa đủ tuổi, nhưng để được lên đường đánh giặc, bà đã khai tăng tuổi - sinh năm 1955. Vốn thông minh, nhanh nhẹn và quyết đoán, ngay từ khi vào Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 51, huấn luyện 4 tháng để đi B, Trần Thị Chung đã được giao làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7. Kết thúc huấn luyện, bà được thưởng 3 ngày phép về thăm gia đình trước khi lên đường vào Nam làm nhiệm vụ. Hết phép, bà hòa mình vào đoàn quân "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và được bổ sung vào Binh trạm 44 của Sư đoàn 471 - binh trạm ở xa nhất, gian khổ nhất trên tuyến đường Trường Sơn. Bà trở thành "cây sáng kiến" của binh trạm và được tặng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 1976 sau khi bà xuất ngũ, bà đi học nấu ăn ở Hà Nội, kết hôn với cựu chiến binh Phan Văn Máy, rồi mở nhà hàng, sau đó thành lập doanh nghiệp. Suốt hơn 20 năm qua, bà Chung không chỉ đồng hành cùng chồng trong cuộc sống, nuôi dạy con cái nên người mà còn cùng nhau làm thiện nguyện. Tính đến nay, ông bà đã giúp đỡ cho rất nhiều cảnh đời nghèo khó với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Đường Trường Sơn một thời hoa lửa.

Sống tiếp phần đời sáng đẹp

Nói về những lính Trường Sơn, Anh hùng LLVTND, Đại tá Nguyễn Viết Sinh ở huyện Nam Đàn, Nghệ An cũng là người đặc biệt. Ông và đồng đội đã gùi hàng bằng sức người, góp phần rất lớn vào quá trình chuyển lương, vũ khí vào chiến trường miền Nam một cách nhanh và hiệu quả nhất. Ông Sinh kể: "Khi ấy để vận chuyển súng đạn và thực phẩm tiếp viện cho miền Nam chỉ có mỗi cách gùi hoặc thồ bằng sức người. Chiến trường ác liệt, kêu gọi từng giây từng phút, mọi chuyện rất cấp bách để đánh bại âm mưu của địch". Rừng Trường Sơn che bộ đội, nhưng cũng khắc nghiệt. Ấy thế mà số hàng trên lưng ông cứ nặng dần từ 45 đến 50kg và có lúc cao điểm ông gùi được 75kg, nhiều hơn trọng lượng cơ thể ông lúc bấy giờ khoảng 20kg.

Ông Nguyễn Viết Sinh kể về một thời oanh liệt.

Chia sẻ với thế hệ sau, ông Sinh bảo rằng, mình và các đồng đội sau này tâm sự với nhau đều không thể tưởng tượng được con người có thể làm được những việc phi thường như thế. Tại sao đường sá xa xôi, vất vả và dưới mưa bom đạn của kẻ thù, ông và đồng đội có thể vận chuyển hàng nghìn chuyến hàng như thế? Câu trả lời chính là ý chí, là lòng yêu nước. Người lính ngày đó đồng lòng, chung một ý chí, tất cả cho tiền tuyến. Nhận xét về Anh hùng Nguyễn Viết Sinh trong cuốn "Chân trần chí thép" viết về đường mòn Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2010, Trung tá thủy quân lục chiến người Mỹ James G.Zumwalt viết: "Nguyễn Viết Sinh có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45-50 kg. Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, anh đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km - tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo".

Bây giờ sống quây quần bên con cháu, ông Sinh luôn tự hào về những ngày quật cường, anh dũng. Nhiều năm qua ông đều có những chuyến trở lại chiến trường xưa, những vùng đất đã "thay da đổi thịt". Đường Hồ Chí Minh đã thay đổi rất nhiều, nhưng trong tâm khảm ông vẫn khắc ghi những ngày khói lửa, cùng đồng đội làm nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc. Ông tự nhủ, mình phải sống gương mẫu, đức độ, làm chỗ dựa cho con cháu.

Đồng quan điểm, doanh nhân Trần Thị Chung bảo rằng, bà phải sống tiếp phần đời sáng đẹp của tuổi thanh xuân ra trận. Bởi sự tôi rèn trong khói lửa chiến tranh đã giúp bà hiểu rõ một điều, ở thời nào cũng vậy, mỗi người đều cần sống vì lý tưởng, vì sự tốt đẹp chung. "Tôi luôn xác định, mình may mắn trở về đời thường, được làm việc, thì khi có điều kiện cũng muốn cho đi, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, làm lan tỏa cái đẹp, tinh thần người lính", bà Chung nhấn mạnh.

Hải Miên

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/chung-mot-con-duong-chung-mot-y-chi-20210429164032077.htm