Chủng mới Deltacron có nguy hiểm?

Chủng mới có tên gọi Deltacron được phát hiện có sự kết hợp giữa biến thể Delta và Omicron đang được phân tích và theo dõi thêm các dữ liệu để xem mức độ lây lan và nguy hiểm đối với người bệnh.

GD&TĐ - Chủng mới có tên gọi Deltacron được phát hiện có sự kết hợp giữa biến thể Delta và Omicron đang được phân tích và theo dõi thêm các dữ liệu để xem mức độ lây lan và nguy hiểm đối với người bệnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Siêu biến thể mới có thể sẽ xuất hiện nếu Omicron và Delta lây nhiễm cùng lúc cho một người

Một đột biến mới của Covid-19 được cho là đã được phát hiện ở Cộng hòa Síp vào ngày 9/1 và được đặt tên là biến thể Deltacron. Đây là chủng mới được phát hiện có sự kết hợp giữa biến thể Delta và Omicron.

Biến thể mới Deltacron được phát hiện trong phòng thí nghiệm công nghệ sinh học và virus phân tử của Đại học Síp. Giáo sư, Trưởng khoa Sinh học tại Đại học Síp Leondios Kostrikis đã báo cáo những phát hiện mới của mình cho cơ quan chức năng, thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu virus SARS-CoV-2.

Báo cáo cho biết, chủng mới này là sự kết hợp của các biến thể Delta và Omicron (tạm gọi là Deltacron). Ông này cũng cho biết, các phân tích di truyền chuyên sâu được thực hiện trên 1.370 mẫu trong đó 25 mẫu bệnh được xác định có đột biến từ Omicron, các mẫu bệnh được nghiên cứu lấy từ những người nhập viện do nhiễm Covid-19 và người dân bình thường.

Theo TTXVN, lãnh đạo của hãng dược Moderna cảnh báo, nếu một người nào đó lây nhiễm cùng lúc hai biến thể Omicron và Delta, chúng có thể kết hợp với nhau để tạo ra một phiên bản virus SARS-CoV-2 mới.

Phát biểu trước Ủy ban Khoa học và Công nghệ, Tiến sĩ Paul Burton - Giám đốc Y tế của nhà sản xuất vắc xin Moderna cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron và Delta đang lưu hành ở Anh khiến kịch bản này có khả năng xảy ra cao hơn.

Thông thường sự lây lan Covid-19 thường chỉ liên quan đến một chủng virus đột biến, nhưng trong một số trường hợp vô cùng hiếm gặp, hai chủng virus có thể tấn công con người cùng một lúc. Nếu 2 chủng virus cùng lây nhiễm vào một tế bào, chúng có thể hoán đổi ADN và kết hợp với nhau để tạo ra một phiên bản virus SARS-CoV-2 mới. “Chắc chắn virus có thể hoán đổi gen và kích hoạt một biến thể thậm chí còn nguy hiểm hơn”, Tiến sĩ Paul Burton cho hay.

Chuyên gia này cho biết thêm, quy trình này được các nhà khoa học gọi là “sự kiện tái tổ hợp”, có thể xảy ra nhưng cần có điều kiện cụ thể và sự trùng hợp của hầu hết các tình huống không thể kiểm soát được.

Chỉ có 3 biến thể Covid-19 được tạo ra bởi virus hoán đổi gen từng được ghi nhận. Thay vào đó, virus chủ yếu dựa vào các đột biến ngẫu nhiên để tạo ra nhiều biến thể hơn. Khi chủng Delta cạnh tranh với Alpha thông qua quy trình này, một biến thể mới đã không được kích hoạt.

Rất khó để dự đoán các đặc điểm của Deltacron

Mới đây, Cơ quan An ninh Y tế Anh thông báo, tuần vừa qua giới chức y tế nước này đã chính thức giám sát biến chủng lai giữa hai biến thể Delta và Omicron có tên gọi Deltacron sau khi ghi nhận một bệnh nhân nhiễm biến thể này.

TTXVN dẫn tin từ tờ Mirror cho biết, Deltacron được cho là xuất hiện ở bệnh nhân đã nhiễm cả 2 biến thể Delta và Omicron cùng một lúc, tuy nhiên hiện chưa rõ việc đột biến xảy ra đầu tiên tại Anh hay ở nước khác.

Ngoài đưa ra thông báo chính thức giám sát Deltacron, Cơ quan An ninh Y tế Anh không đưa ra cảnh báo nào khác. Nhìn chung, giới chức y tế nước này không đặc biệt quan ngại về biến chủng lai vì số ca nhiễm chưa nhiều.

Ông Paul Hunter - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm (Đại học East Anglia) nhận định, Deltacron không gây ra quá nhiều nguy cơ. Bởi đa số người dân đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19 hoặc có mức độ miễn dịch nhất định sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hai biến thể Delta và Omicron đều được công nhận là lây lan nhanh, tuy nhiên chưa rõ biến thể lai có thể lây lan mạnh ra sao và bằng cách nào. Cơ quan An ninh Y tế Anh không cho biết có phát hiện Deltacron ở các bệnh nhân khác hay không.

Ngày 9/3, Reuters đưa tin phiên bản lai Deltacron kết hợp gien của biến thể Delta và Omicron đã được xác định ở ít nhất 17 bệnh nhân tại Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, tờ The Connexion của Pháp ngày 10/3 đưa tin Pháp đã phát hiện và xác nhận 10 ca nhiễm biến thể lai Deltacron. Biến thể này được cho là đã lây lan từ hồi tháng 1, nhưng tác động của nó như thế nào đến giờ vẫn là một điều chưa rõ ràng.

Trong một tài liệu được công bố vào tuần trước, Cơ quan y tế công cộng Pháp - Santé Publique France (SPF) cho biết: “Ở thời điểm này rất khó để dự đoán các đặc điểm của Deltacron sẽ như thế nào so với các biến thể mà nó bắt nguồn cũng như ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe cộng đồng nếu nó lan rộng ra toàn quốc”.

Deltacron chưa phải là biến chủng đáng lo ngại

Theo Zing, đầu tháng 1, Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis (Đại học Cypress, Cộng hòa Cyprus) đã phát hiện ra biến chủng lai Deltacron. Sau đó nhiều chuyên gia không công nhận đây là biến thể lai mà cho rằng Deltacron có thể chỉ là sản phẩm của sai sót nào đó hoặc hiện tượng nhiễm chéo trong phòng thí nghiệm.

Ngày 7/1, Giáo sư Kostrikis đã đăng tải 52 mẫu giải trình tự gene lên cơ sở dữ liệu GISAID - nơi các chuyên gia trên toàn cầu chia sẻ thông tin về những loại virus mới. Ông gọi chúng là “Deltacron” vì những dấu hiệu di truyền giống Omicron của nó trong bộ gene Delta.

Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Kostrikis cho thấy, đã phát hiện tổng cộng 25 ca nhiễm biến chủng này sau khi giải trình tự 1.377 mẫu gene trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus. Tần suất phát hiện biến chủng lai cao hơn ở những người nằm viện. Do đó, Giáo sư Kostrikis và cộng sự đã đặt giả thuyết về mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện. Đồng thời nhấn mạnh rằng còn quá sớm để kết luận về khả năng lây lan hay những tác động mà chủng Deltacron có thể gây ra.

Philippe Colson, nhà khoa học thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Marseille (IHU Méditerraneé Infection, Pháp), tác giả chính của một báo cáo đăng hôm 8/3 trên medRxiv, cho biết: Vì số trường hợp được xác nhận còn ít nên hiện vẫn quá sớm để biết liệu Deltacron sẽ lây lan nhanh hay gây bệnh nặng hay không. Báo cáo của ông mô tả 3 bệnh nhân ở Pháp bị nhiễm một phiên bản SARS-CoV-2 kết hợp protein đột biến từ một biến thể Omicron với "cơ thể" của một biến thể Delta.

Trong khi đó, 2 trường hợp nhiễm Deltacron khác được phát hiện ở Mỹ, do Công ty nghiên cứu di truyền học Helix công bố và đệ trình cho medRxiv. Các nhóm nghiên cứu khác đã báo cáo thêm 12 trường hợp nhiễm Deltacron ở châu Âu kể từ tháng 1 - tất cả đều có điểm chung: tăng đột biến Omicron và mang “cơ thể” Delta.

Hiện các chuyên gia vẫn nhận định, Deltacron vẫn chưa phải là biến chủng đáng lo ngại. Các chuyên gia vẫn khá thận trọng để đưa thêm bất kỳ cảnh báo nào về biến chủng đặc biệt này.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/chung-moi-deltacron-co-nguy-hiem-bHSnHqL7R.html