Chứng minh nhờ xem điểm-nâng điểm: Tính chất thay đổi

Nếu chứng minh được việc các đối tượng liên quan nhờ xem điểm hay nâng điểm thì bản chất của vụ án sẽ thay đổi.

Trong phiên tòa xét xử vụ án sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hòa Bình, hành vi nhờ nâng điểm hay xem điểm vẫn còn nhiều tranh cãi.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng phòng khảo thí, phó trưởng ban chấm thi) chỉ đạo những người dưới quyền trong kỳ thi thực hiện nâng điểm cho các thí sinh. Tuy nhiên, việc ông Vinh nhận thông tin thí sinh từ đâu và "nhận nâng điểm hay xem điểm" cho bao nhiêu em thì cả cáo trạng và quá trình xét xử đều không làm rõ.

Tại tòa không phụ huynh nào thừa nhận điều này. Ông Vinh cũng luôn khẳng định không nhận thông tin nhờ nâng điểm hay xem điểm cho bất kỳ thí sinh nào.

Tương tự, bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) khai giữa tháng 7/2018 được các cán bộ Công an tỉnh như Trưởng phòng kỹ thuật hình sự, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế, giám thị trại giam, cán bộ phòng hậu cần... nhờ xem điểm trước cho con, cháu.

Ông Chất vì nể nang đồng nghiệp nên nhận. Ông sau đó nhờ ông Vinh nhưng bị từ chối.

Quang cảnh phiên xét xử vụ án sửa điểm thi ở Hòa Bình (Ảnh TTXVN).

Quang cảnh phiên xét xử vụ án sửa điểm thi ở Hòa Bình (Ảnh TTXVN).

Nhận định về lời khai của các bên liên quan trong vụ án này, luật sư Phạm Vũ Đình Long - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, lời khai của các bên liên quan cho thấy không hợp lý về mặt khách quan. Bởi, những người phạm tội đều có tri thức, am hiểu pháp luật.

"Họ biết rõ hành vi của mình là mạo hiểm, vi phạm pháp luật có thể ảnh hưởng tới chức vụ, thậm chí ngồi tù nếu như bị phát hiện. Vì thế, chắc chắn phải có yếu tố vụ lợi ở phía sau. Vụ lợi ở đây có thể là về mặt tiền bạc hoặc địa vị công tác. Chính vì thế, hành vi này cần phải được làm rõ" - ông Long nói.

Theo ông Long, nếu làm rõ được hành vi nhờ xem điểm hay nâng điểm thì bản chất hành vi phạm tội sẽ thay đổi từ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái quy định sang hành vi đưa - nhận hối lộ. Từ đó, mức án cũng sẽ khác so với khung bản án mà cơ quan chức năng đề ra.

Chính vì thế, ông Long cho rằng, điểm mờ trong hành vi nhờ nâng điểm hay sửa điểm trong vụ án gian lận điểm thi ở Hòa Bình cần phải được mở rộng điều tra, những tình tiết chưa được sáng tỏ cần phải làm rõ.

"Nếu hành vi này chưa được làm rõ thì HĐXX có thể đề nghị cơ quan điều tra mở rộng vụ án, tiếp tục điều tra trong một vụ án khác khi thấy có dấu hiệu phạm tội mới" - ông Long cho hay.

Liên quan đến vụ án này, luật sư Phạm Ngọc Hướng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lại cho rằng, việc nhờ nâng điểm hay sửa điểm không làm thay đổi tính chất của vụ án.

Ông Hướng cho rằng: "Dù nhờ nâng điểm hay sửa điểm thì cả bên nhờ và bên thực hiện đều có biểu hiện làm trái quy định. Dù nhờ nâng hay sửa điểm cũng có yếu tố vụ lợi ở phía sau vì theo tâm lý tội phạm thì việc thực hiện hành vi phạm tội phải có yếu tố cho - nhận ở phía sau nên có đủ căn cứ để xem xét xử lý hành vi đưa - nhận hối lộ với các đối tượng liên quan".

Theo ông Hướng, trong trường hợp này khó có thể áp dụng suy đoán vô tội đối với các đối tượng liên quan. Bởi hành vi sửa điểm đã được xác định là có thật.

Tuy nhiên, để vụ án được mang tính chất khách quan thì cơ quan điều tra cần mở rộng vụ án để làm rõ động cơ của từng đối tượng trong từng bài thi được sửa điểm.

"Có những bài thi sửa điểm là do được hứa hẹn địa vị, nhưng cũng có những bài thi đối tượng sửa điểm được hưởng lợi vật chất.

Vì thế, hoàn toàn có đủ cơ sở để tách vụ việc ra thành nhiều vụ án để điều tra, làm rõ hành vi của từng đối tượng trong từng trường hợp khác nhau" - ông Hướng bày tỏ.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/chung-minh-nho-xem-diem-nang-diem-tinh-chat-thay-doi-3403421/