Chung lòng vì một công trình giàu ý nghĩa

Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được tô điểm bởi chồi non, lộc biếc của cây trái 3 miền Bắc - Trung - Nam, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Hơn 150 ngày, đêm bám trụ tại công trường, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an cùng đội ngũ kỹ sư, nghệ nhân, công nhân đã nỗ lực vượt tiến độ, rút ngắn thời gian thi công, thi công xuyên Tết... để công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng đúng ngày lễ kỷ niệm.

1.Đầu Xuân, đến với Khu lưu niệm, điểm nhấn dễ nhận thấy ngay chính là bức phù điêu với diện tích bề mặt 500m2, chiều rộng 52,6m và đỉnh cao nhất là 13,5m... Bức tượng Bác Hồ cao 7m, đặt trên bệ tượng cao 1,2m tại vị trí trang trọng nhất của Khu lưu niệm.

Bức tượng thể hiện hình ảnh Bác ngồi ung dung, tự tại, với dung mạo tươi tắn, hiền từ, bên cạnh phiến đá có máy chữ và lá thư mà chúng tôi cảm nhận như vừa được Bác viết xong, chuẩn bị gửi cho Công an khu XII.

Trên cơ sở 4 mẫu phác thảo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng nghệ thuật đã xét chọn mẫu của nhóm tác giả là các nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo và Vũ Đại Bình. Các nhà điêu khắc đã nhiều lần đến Bảo tàng CAND để nghiên cứu mẫu máy chữ; dành nhiều thời gian để xem, đọc các tài liệu về Bác thời kỳ 1948 trước khi sáng tạo ra tác phẩm đặc biệt nêu trên...

Ròng rã hơn 5 tháng trời bao gồm cả khâu phác thảo, làm mẫu tượng với tỷ lệ nhỏ, sau đó làm mẫu tượng tỷ lệ 1/1 trên chất liệu đất sét, thạch cao, qua các lần xét duyệt chặt chẽ của đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với sự tham gia của nhiều chuyên gia mỹ thuật, lịch sử, kỹ sư, nghệ nhân..., bức phù điêu và tượng Bác đã hoàn thành.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Toàn trao đổi với đơn vị tư vấn thiết kế để hoàn thiện các hạng mục công trình Khu lưu niệm.

Nghệ nhân Vũ Khắc Dũng - người tham gia trực tiếp và điều hành nhóm gần 30 công nhân ép đồng và hoàn thiện tượng Bác, cho biết: "Với hàng nghìn miếng đồng ép vào nhau, chúng tôi phải tính toán sao cho chính xác về mặt kỹ thuật, không được xảy ra sai sót, bởi nếu sai sẽ phải làm lại cả bức tượng. Cái khó nữa là bàn đá tự nhiên thường có hình dạng hơi thô ráp, xù xì, trong khi đồng ép lại trơn nhẵn, chúng tôi phải nghiên cứu ra công thức mới để có một bàn đá bằng chất liệu đồng hoàn hảo đặt cùng mẫu tượng"...

Trở lại nơi “cội nguồn” của Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, chúng tôi đã được nghe người dân Nhã Nam kể lại hình ảnh quen thuộc về Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng công trình Khu lưu niệm; Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Ban Quản lý dự án... thường xuyên về đây trực tiếp chỉ đạo từ những ngày bắt đầu triển khai dự án cho tới ngày cuối cùng hoàn thiện công trình. Các đồng chí đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để chỉ đạo sát sao, giám sát, đôn đốc cũng như động viên các đơn vị chức năng hoàn thành vượt tiến độ các hạng mục công trình trong dự án.

Dẫn chúng tôi tham quan công trường là anh Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Anh được coi là “Tổng công trình sư” điều hành các phần việc chính về tư vấn thiết kế tổng thể Khu lưu niệm; trực tiếp đảm bảo các hạng mục công trình làm tượng Bác Hồ, bức phù điêu... Đầu đội chiếc mũ cối cũ bám đầy bụi đất, chân bước đi thoăn thoắt, vừa đi, anh vừa giới thiệu về công trình hoàn thành với thời gian hơn 5 tháng, đạt tiến độ đề ra mà vẫn bảo đảm những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, mỹ thuật.

2. Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND bề thế, uy nghi được thi công với tốc độ “thần tốc”. Chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm của những người có trách nhiệm đối với công trình cũng như sự ủng hộ hết mình của người dân xã Nhã Nam (Bắc Giang) đối với lực lượng Công an.

Nhìn hàng nghìn cây cảnh, bồn hoa, cây ăn quả đã được sắp xếp tạo nên cảnh quan hài hòa, được cẩn thận vun trồng và chăm chút tỉ mỉ tại Khu lưu niệm, chúng tôi mường tượng, chỉ trong nay mai sắc xanh mát sẽ phủ rợp bóng, đón bước chân của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ cũng như mọi người dân về tham quan, học tập, hun đúc truyền thống của lực lượng CAND - lực lượng đã được Bác Hồ dành nhiều sự quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập.

Được biết, để đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ công trình, Ban Quản lý dự án đã “tung” những cán bộ, kỹ sư, kiến trúc sư có kỹ năng, kinh nghiệm để giám sát, thi công. Có lúc cao điểm, các đơn vị đã huy động hàng trăm công nhân chia ca làm ngày đêm nhưng ai nấy đều cố gắng bởi mỗi người đều ý thức rằng được tham gia công trình là vinh dự, tự hào, được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho công trình ý nghĩa đặc biệt, cũng là thể hiện lòng thành kính đối với Bác.

Chúng tôi còn được nghe kể lại, để cung ứng đủ hàng nghìn cây với hơn 60 chủng loại cây, anh Lương Trần Giang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại sinh thái Nam Định và các cộng sự đã mất rất nhiều công sức đi các nơi tìm mua cây “chuẩn” về kích thước và tiêu chí kỹ thuật để vận chuyển, trồng tại công trình. Có hôm đã nửa đêm mà anh Giang vẫn cùng cán bộ công ty, công nhân vận chuyển cây từ Nam Định lên công trường.

Ngay trong dịp Tết Mậu Tuất vừa rồi, gần 20 người thợ đá Bình Định đã vượt quãng đường hàng trăm km ra Bắc Giang để kịp có mặt tại công trường và bắt tay ngay vào việc ốp đá bệ tượng Bác Hồ với một đêm trắng khó quên trong cuộc đời làm thợ.

3. Về Nhã Nam tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây khi đại công trường bắt đầu khởi động cho đến khi hoàn công, chúng tôi biết thêm nhiều câu chuyện xúc động về tình quân dân. Bác Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư chi bộ thôn Chùa Nguộn trải lòng, được biết chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về dự án xây dựng Khu lưu niệm, 100% bà con đều đồng tình ủng hộ. Các hộ đã tự nguyện bàn giao ruộng, đặc biệt có 5 hộ đất thổ cư cũng tự nguyện dỡ nhà, chuyển đi để sớm bàn giao mặt bằng cho công trường kịp thi công đúng tiến độ.

Những ngày 5 hộ này chuyển nhà ra đầu thôn, cả thôn thức trắng mấy ngày, cùng giúp đỡ dựng nhà, giúp các hộ ổn định cuộc sống. Đến nay, những nếp nhà đã mọc lên đầu thôn, tuy còn đơn sơ nhưng luôn ấm áp tình làng nghĩa xóm. Khi đại công trường bắt đầu hoạt động, người dân còn tự nguyện đóng góp nhân công, cho thuê nhà để hàng trăm công nhân có chỗ ở; họ cùng đi chợ, nấu nướng phục vụ để những người thợ đảm bảo sức khỏe làm tăng ca; đồng thời tham gia công tác bảo vệ tài sản trên công trường...

Công trình Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng Nhà nước; thể hiện tình cảm, trách nhiệm và quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND (đơn vị Chủ đầu tư) trong việc hoàn thành công trình và khánh thành đúng ngày 11-3-2018.

UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Tân Yên, chính quyền và người dân xã Nhã Nam cũng đã ủng hộ cao nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho cho Ban quản lý dự án và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn mà những phần việc quan trọng nhất đã hoàn thành vượt tiến độ…

Có lẽ đối với những người trực tiếp tham gia thi công, xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND thì quãng thời gian 150 ngày đêm để xây dựng một công trình văn hóa bề thế sẽ là một ấn tượng kỷ niệm khó quên của họ.

Lễ khánh thành công trình đúng vào ngày lực lượng CAND kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, chỉ rõ 6 nội dung về “Tư cách người Công an cách mệnh”, sau này trở thành huấn thị chung cho toàn lực lượng CAND, cũng là lúc những người thợ cuối cùng được rút khỏi công trình. Những câu chuyện cảm động sẽ mãi được khắc ghi, lan tỏa trên vùng đất cách mạng, vùng đất lịch sử ở thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Anh Hiếu- Thu Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/trang-37-sdb-chung-long-vi-mot-cong-trinh-giau-y-nghia-481370/