Chung lòng cùng một dòng sông

Tôn trọng, cùng nhau đưa ra các tham vấn và chia sẻ lẫn nhau đối với các vấn đề lớn của sông Mê Kông có ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực trước khi triển khai thực hiện, trên cở sở tuân thủ luật pháp quốc tế có liên quan và bình đẳng lẫn nhau.

đại biểu Hà Tuấn Linh thuyết trình tại diễn đàn - Ảnh: Nữ Vương

Đó là một trong những đề xuất của Hà Tuấn Linh, đại diện cho đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam, tại diễn đàn “Xây dựng cộng đồng vì tương lai chung Mê Kông – Lan Thương” trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu văn hóa lãnh đạo thanh niên Mê Kông - Lan Thương đã được diễn ra vào chiều 8.9, tại Vân Nam, Trung Quốc.

Đại diện đại biểu thanh niên 6 nước (Lào, Thái, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam) đã có những đề xuất cho sự phát triển hợp tác chung của khu vực.

Đại biểu Hà Tuấn Linh đã tạo được ấn tượng với bạn bè các nước về sự thân thiện và gắn kết tình hữu nghị. Anh đề xuất nên xây dựng và tiếp tục mở rộng thường xuyên các diễn đàn, chương trình giao lưu của thanh niên 6 nước khu vực sông Mê Kông. Để thanh niên cùng nhau chia sẻ và hỗ trợ các chương trình liên quan đến việc bảo vệ môi trường, đảm bảo sự ổn định của nguồn nước, hỗ trợ người dân khu vực biên giới các nước nói riêng cũng như người dân khu vực sông Mê Kông nói chung.

Đại biểu thanh niên VN trò chuyện với du học sinh VN tại diễn đàn (ảnh Nữ Vương)

Còn đại diện thanh niên Myanmar thì mong muốn: “Hy vọng 6 nước sẽ cùng nhau liên kết để phát triển du lịch của các nước nói riêng và khu vực sông Mê Kông nói chung. Nếu đạt được như vậy thì quá trình xóa đói giảm nghèo của các nước sẽ diễn ra nhanh chóng hơn”.

Và kết thúc phần đề xuất của mình, đại diện thanh niên Myanmar nhấn mạnh: “Nếu chúng ta muốn đi xa hơn thì hãy đi cùng nhau”.

Cũng tại chương trình, Lê Thị Văn Mây, đại diện du học sinh VN tại Vân Nam, chia sẻ: “Mình có cơ hội được đi du học cũng nhờ sự liên kết giáo dục. Ở đây, tụi mình được giao lưu, kết nối với các bạn ở nhiều đất nước khác nhau. Được nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều suất học bổng, và hiện tại mình đang tiếp tục học nghiên cứu sinh. Mình hy vọng, sự hợp tác giữa các nước khu vực sông Mê Kông sẽ được phát triển hơn nữa, để người trẻ các nước có nhiều hơn những cơ hội được giao lưu và trao đổi kiến thức”.

Nữ Vương (từ Vân Nam, Trung Quốc)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/chung-long-cung-mot-dong-song-1000957.html