Chung lập trường về Biển Đông

Mới đây, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu. Trong vấn đề Biển Đông, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt với vai trò trung tâm được đánh giá là nền tảng quan trọng xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-LHQ với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 75, Tổng Thư ký LHQ và Tổng Thư ký ASEAN. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-LHQ với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 75, Tổng Thư ký LHQ và Tổng Thư ký ASEAN. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Việt Nam thúc đẩy nỗ lực quốc tế

Tại phiên họp của Ủy ban Pháp lý thuộc Ðại hội đồng LHQ khóa 75 mới đây, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh, Việt Nam cam kết đóng góp nhằm tăng cường pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế, trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam khẳng định, luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương LHQ là nền tảng cơ bản của hệ thống quốc tế và các nước cần tôn trọng nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, đề cao vai trò của tòa án và các cơ quan tài phán quốc tế, thúc đẩy tuân thủ pháp quyền ở cấp độ quốc tế.

Tại phiên thảo luận cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ðặng Minh Khôi nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về nỗ lực thúc đẩy tuân thủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ và các cam kết quốc tế; thúc đẩy đối thoại, đàm phán giải quyết bất đồng; kiềm chế, không có hành động hoặc phát biểu có thể gây căng thẳng. Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Vấn đề Biển Đông tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia ASEAN - LHQ mới đây. Ngoài các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir, Tổng Thư ký LHQ António Guterres và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

Trao đổi về tình hình khu vực và thế giới, Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa đến đời sống các quốc gia. Các đại biểu cùng nhau đề cao hợp tác đa phương, cam kết tiếp tục nỗ lực xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Hội nghị một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu chung của quốc tế là phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn. Các bên bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy xây dựng lòng tin, thực hiện ngoại giao phòng ngừa trong khu vực, trên các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trên cơ sở đó, Hội nghị kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982, khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tái khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN đã được các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vào tháng 6 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 vào tháng 9. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tránh các hành động gia tăng căng thẳng, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982; cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và tiếp tục các nỗ lực đạt COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Nêu cao sức mạnh của chủ nghĩa đa phương

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của LHQ, trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia và gắn kết các nỗ lực quốc tế bảo đảm hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững. Quan hệ ASEAN - LHQ ngày nay đã trở thành hình mẫu hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, Hiến chương LHQ là khởi nguồn cho sự ra đời của Hiến chương ASEAN.

Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Khóa 75 Volkan Bozkir và Tổng Thư ký LHQ António Guterres cùng chung khẳng định, ASEAN là đối tác không thể thiếu, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng LHQ đề cao năng lực dẫn dắt, điều phối hiệu quả của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020.

Đường lưới điện ra xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

LHQ đánh giá cao những đóng góp của ASEAN đối với bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu. Nhân dịp này, các đại biểu cũng đánh giá cao những đóng góp của Indonesia và Việt Nam - những đại diện của ASEAN trong Hội đồng Bảo an LHQ. Đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN trong tăng cường quyền năng phụ nữ, LHQ ghi nhận những đóng góp của ASEAN trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ với tỉ lệ tham gia ngày càng tăng của quân nhân và sĩ quan nữ.

Trước thách thức chung của nhân loại là đại dịch Covid-19, các đại biểu LHQ khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong giảm thiểu các tác động kinh tế, xã hội của dịch bệnh thông qua cùng nhau thúc đẩy phục hồi bao trùm, tự cường và bền vững và triển khai Khung Phục hồi Tổng thể của ASEAN.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giới thiệu với LHQ các nỗ lực của ASEAN trong năm qua, vừa xây dựng Cộng đồng, vừa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng. Thay mặt ASEAN, Việt Nam đề nghị LHQ hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN ứng phó với dịch Covid-19, phục hồi tổng thể.

Các sáng kiến này bao gồm thành lập Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19, Kho vật tư y tế ASEAN, xây dựng Trung tâm khu vực về dịch bệnh khẩn cấp và Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh quyết tâm của ASEAN và LHQ bảo đảm vắc xin Covid-19 trở thành hàng hóa phục vụ quảng đại quần chúng, giá thành phù hợp và đến với mọi người dân.

Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết các ưu tiên của ASEAN trong năm 2020 đang được triển khai mạnh mẽ với cách tiếp cận tổng thể, khoa học và hiệu quả. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng trao đổi với LHQ về những sáng kiến như thúc đẩy quyền năng, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh, nâng tầm hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển...

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-lap-truong-ve-bien-dong-post434729.html