Chứng khoán Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng tệ nhất thế giới tháng 11

Tuần giao dịch hưng phấn đầu tháng không kéo được thị trường chứng khoán tăng điểm. Chỉ số VN Index óng cửa phiên giao dịch cuối tháng 11 tại mức 970,75 điểm - thấp nhất trong gần 3 tháng trở lại đây.

Hành trình leo dốc - đổ đèo của VN Index

Phiên giao dịch đầu tiên tháng 11 không chỉ ghi nhận khối lượng giao dịch “khủng” và mức tăng điểm ấn tượng của chỉ số VN Index với 16 điểm tăng thêm, cao nhất từ giữa tháng 8, chỉ số chứng khoán ngày 1/11 đã bật mạnh khỏi ngưỡng kháng cự 1.000 điểm mà nhiều lần VN Index phải khuất phục.

Lực đẩy từ các trụ cột là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là 3 cổ phiếu họ nhà Vingroup gồm VIC, VRE và VHM giúp chỉ số này đạt 1.015 điểm. Thông tin thị trường sắp đón một lượng tiền khủng lên tới hàng nghìn tỷ đồng từ động thái mua cổ phiếu quỹ của Vinhomes và Vincom Retail đã tạo cú hích cho thị trường. Cổ phiếu BID cũng đã leo lên đỉnh 2 năm nhờ ảnh hưởng tích cực khi hoàn tất thương vụ với nhà đầu tư Hàn Quốc Keb Hana Bank

VN Index các ngày sau đó tiếp tục tăng khá, lên cao nhất gần 1.029 điểm, vượt qua đỉnh tháng 10/2018. Nhưng xu hướng giảm đã dần xuất hiện, khá nhiều phiên giao dịch VN Index mất hơn 6 điểm. Dù ¾ thời gian trong tháng, chỉ số vẫn giao dịch trên ngưỡng 1.000 điểm. Ngay khi rời khỏi ngưỡng tâm lý này, VN Index “đổ đèo”, giảm 23 điểm chỉ trong hai phiên 21/11 và 22/11.

Kết thúc tháng 11, chỉ số VN Index đóng cửa tại mức 970,75 điểm cũng là mức điểm thấp nhất trong tháng. Đây cũng là tháng mà biên độ giao dịch giữa mức thấp nhất và cao nhất của chỉ số này nới rộng lên tới 59 điểm.

Diễn biến VN Index tháng 11

Diễn biến VN Index tháng 11

Các trụ cột chính không duy trì được đà tăng, trong khi không có nhóm ngành nào bật lên thay thế. Đồ thị cổ phiếu BID vẽ tiếp nửa sau xuống dốc của parabol sau khi chạm đỉnh 43.000 đồng/cp. Cổ phiếu VRE và VHM đang tiếp tục được chính doanh nghiệp này mua vào. Theo thống kê tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, đến cuối tháng 11 vừa qua (sau 10 ngày mua), Vinhomes hiện đã mua được 17,8 triệu cổ phiếu VHM, tương đương gần 30 % lượng cổ phiếu đăng ký. Vincom Retail mua được hơn một nửa lượng đăng ký (28,5 triệu cổ phiếu VRE).

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tháng thứ tư liên tiếp nhưng giá trị bán ròng đã giảm mạnh. Cũng phải lưu ý rằng, chỉ riêng giao dịch bán cổ phiếu CTG đã giúp 2 nhà đầu tư nước ngoài là Công ty tài chính quốc tế IFC và Quỹ tái cấp vốn ngân hàng IFC thu về 1.200 tỷ đồng.

Tăng 7,77% từ đầu năm, chứng khoán Việt vẫn tăng trưởng tệ nhất thế giới 6 tháng qua

Tuần giao dịch hưng phấn đầu tháng không kéo được thị trường chứng khoán tăng điểm. Chỉ số VN Index óng cửa phiên giao dịch cuối tháng 11 tại mức 970,75 điểm - thấp nhất trong gần 3 tháng trở lại đây khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lại nằm trong nhóm 5 thị trường chứng khoán tăng trưởng tệ nhất tháng, đồng thời cũng nằm trong top 10 nếu so với 3 tháng và 6 tháng trước.

Top tăng trưởng tệ nhất các thị trường chứng khoán thế giới

Theo thống kê của IndexQ, riêng tháng 11, thị trường chứng khoán Indonesia giảm sâu nhất, bốc hơi 4,29%, một quốc gia Đông Nam Á khác là Phillipines giảm 3,16%. Ngoài ra, Ấn Độ cũng giảm tới 3,36%, thị trường chứng khoán Thâm Quyến giảm 2,78%. Tuy nhiên, so với cuối năm 2018, VN Index đã tăng được 7,77% từ mức 892 điểm hôm 28/11/2018.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chung-khoan-viet-nam-thuoc-nhom-tang-truong-te-nhat-the-gioi-thang-11-d112102.html