Chứng khoán Việt Nam: Nhiều cổ phiếu đang tăng mạnh

– Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có tuần tăng điểm thứ bảy liên tiếp, giúp chỉ số Vn-Index tiến cận gần hơn với mốc 1.000 điểm. Nhiều cổ phiếu niêm yết trên sàn đã ghi điểm mạnh như SRA, TDG, C47…

Thị trường chứng khoán tăng tuần thứ 7 liên tiếp

Tiếp nối đà đi lên 6 tuần trước, thị trường chứng khoán trong nước tuần vừa qua (từ ngày 27 – 31/8) đã ghi điểm thành công giúp chỉ số Vn-Index tiến gần lên mốc 1.000 điểm.

Theo dõi chứng khoán tuần vừa qua cho thấy, thị trường vẫn giao dịch khá thận trọng, các chỉ số tăng giảm đen xen với biên độ hẹp qua các buổi làm việc. Những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số trong tuần là SAB, GAS và MSN với mức đóng góp lần lượt 2,6, 2,1 và 1,6 điểm. Ở chiều ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực nhất là VHM và VNM khi lấy đi của chỉ số 6,3 và 2,5 điểm.

Khối lượng giao dịch trong tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước đó, trung bình khoảng 229 triệu cổ phiếu/phiên trên cả hai sàn.

Tính chung cả tuần qua, cả hai chỉ số bên sàn Hà Nội và TP.HCM đồng loạt ghi điểm, đây là tuần tăng thứ 7 liên tiếp trên thị trường này. Cụ thể, bên sàn TP.HCM, chỉ số Vn-Index đã tăng 0,25% lên mức 989,54 điểm khi chốt phiên giao dịch cuối tuần qua. Còn chỉ số HNX-Index bên sàn Hà Nội cũng đóng cửa tuần với mức tăng 1,05% và dừng tại 112,79 điểm.

Ảnh minh họa

Cùng với các chỉ số, thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt tăng trưởng trong tuần làm việc vừa qua. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt hơn 160 triệu đơn vị/phiên, tăng 2,2% so với tuần giao dịch trước. Sàn Hà Nội đạt trung bình hơn 41 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 12,74% so với tuần trước đó.

Việc các chỉ số duy trì đà tăng trong tuần qua là nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu niêm yết trên sàn. Trong đó, mã tăng mạnh nhất đã ghi thêm đến hơn 60% giá trị chỉ trong 1 tuần làm việc.

Theo đó, bên sàn TP.HCM, cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn là TDG của Công ty cổ phần dầu khí Thái Dương, với mức tăng hơn 34% giá trị, từ mức 5.700 đồng/cổ phiếu hôm 24/8 lên mức 7.650 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần ngày 31/8.

Cổ phiếu C47 của Công ty cổ phần xây dựng 47 với mức tăng gần 33% giá trị, từ mức 11.750 đồng/cổ phiếu hôm 24/8 lên mức 15.600 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày cuối tuần 31/8.

Giữ vị trí thứ 3 là cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia với mức tăng 21,3% giá trị, từ mức 6.010 đồng/cổ phiếu hôm 24/8 lên mức 7.290 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần ngày 31/8.

Bên sàn Hà Nội, dẫn đầu danh sách tăng mạnh nhất tuần là SRA của Công ty cổ phần Sara Việt Nam với mức tăng lên đến hơn 60% giá trị chỉ trong 1 tuần làm việc, từ mức 39.900 đồng/cổ phiếu hôm 24/8 lên mức 63.900 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần ngày 31/8.

Cổ phiếu LO5 của Công ty cổ phần Lilama 5 với mức tăng gần 37% giá trị, từ mức chỉ 3.000 đồng/cổ phiếu hôm 24/8 lên mức 4.100 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày cuối tuần ngày 31/8.

Giữ vị trí thứ 3 trong Top tăng mạnh nhất tuần là CTX của Tổng Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam với mức tăng hơn 24% giá trị, từ mức 29.000 đồng/cổ phiếu hôm 24/8 lên mức 36.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần hôm 31/8.

Thị trường đang đối diện với áp lực điều chỉnh khá lớn

Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua những phiên giao dịch khá thận trọng, khiến chỉ số Vn-Index chưa vượt được qua ngưỡng 1.000 điểm. Theo nhận định của các công ty chứng khoán, trong tuần này, thị trường tiếp tục đối diện với áp lực điều chỉnh khá lớn.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank –VCBS, với việc chỉ số đang tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và rủi ro căng thẳng thương mại Mỹ -Trung có thể sẽ leo thang lên một mức độ cao hơn trong những tuần tới, thị trường đang đối diện với áp lực điều chỉnh khá lớn trong những tuần tới, nhất là trong bối cảnh "vắng bóng" thông tin hỗ trợ mới trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, Công ty chứng khoán Vietcombank –VCBS cho rằng, hiện thị trường vẫn đang duy trì ổn định và dồi dào là một tín hiệu tích cực về việc thị trường nhiều có khả năng sẽ phản ứng bớt tiêu cực hơn giai đoạn giảm mạnh hồi quý 2/2018.

“Nhà đầu tư ngắn hạn hoàn toàn có thể tận dụng việc dòng tiền luân chuyển giữa các dòng cổ phiếu trong những phiên gần đây để "lướt sóng" tìm kiếm lợi nhuận, trên cơ sở không lạm dụng đòn bẩy và tuân thủ kỷ luật đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn nên chú ý nhiều hơn đến phân tích cơ bản của từng doanh nghiệp cụ thể trước khi ra quyết định đầu tư", Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định.

Trong khi đó, theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, nhà đầu tư với chiến lược lướt sóng được khuyến nghị đứng ngoài quan sát và chờ thời điểm thị trường vượt qua được áp lực chốt lời để có được cơ hội với tỷ lệ sinh lời/rủi ro tốt hơn. “Giao dịch liên tục trong lúc này sẽ chỉ dành cho nhà đầu tư chịu mức rủi ro cao, và có kỳ vọng tại những cổ phiếu có biến động độc lập với thị trường chung”, Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS khuyến nghị.

Còn theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC, hiện trường đang có sự giằng co mạnh tại kháng cự với tâm lý đầu cơ có sự thay đổi khá nhanh. Mặc dù hiện tại các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tích cực tại tất cả các chỉ số, nhưng những dấu hiệu cảnh báo về rủi ro đang xuất hiện trở lại.

Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC dự báo, nhiều khả năng thị trường sẽ tăng điểm trong phiên giao dịch tới để chỉ số Vn-Index kiểm định lại kháng cự tại 994 điểm - 997 điểm.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201809/chung-khoan-viet-nam-nhieu-co-phieu-dang-tang-manh-613456/