Chứng khoán Việt Nam: Dấu hiệu thâu tóm qua 'đường đi' của dòng vốn ngoại

Các báo cáo cho thấy dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn rót ròng mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, phía sau những con số thống kê ấy là nhiều diễn biến đáng quan tâm.

Mua ròng có chọn lọc trên sàn chứng khoán

Mặc dù liên tiếp bán ròng trên thị trường cổ phiếu trong những tháng vừa qua, nhưng theo số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) thì khối ngoại vẫn đang mua ròng trong 6 tháng đầu năm nay, với giá trị lên đến 1,6 tỷ USD, tương đương hơn 36.300 tỷ đồng. Diễn biến này cho thấy dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tích cực hơn so với các thị trường khu vực châu Á, bởi tại phần lớn các thị trường chứng khoán mới nổi tại châu Á, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng từ 0,9 tỷ - 8,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, cần lưu ý là dòng vốn mua ròng trên thị trường chứng khoán chỉ tập trung vào một số ít cổ phiếu mới lên sàn hoặc nằm trong mục tiêu thâu tóm. Đơn cử như giá trị mua ròng gần 1.400 tỷ đồng tại mã HDB chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch, từ ngày 5 - 12/1, sau khi ngân hàng này niêm yết chính thức trên sàn; phiên mua ròng hơn 4.186 tỷ đồng tại cổ phiếu Vincom Retail (VRE) vào ngày 6/2, cũng như giá trị mua ròng đến 2.356,5 tỷ đồng tại cổ phiếu Yeah1 (YEG) vào ngày 27/6, tức chỉ sau một ngày cổ phiếu này lên sàn.

Ở mục tiêu tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng như nhằm thâu tóm, ngày 26/3, khối ngoại mua ròng 555,5 tỷ đồng tại mã VGT, đến ngày 20/4, khối ngoại mua 52,5 triệu cổ phiếu Novaland (NVL), tương ứng 3.391 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận, ngày 10/5 đối tác chiến lược Kyoei Steel mua thỏa thuận hơn 33,22 triệu cổ phiếu Thép Việt Ý (VIS) với giá trị 1.158 tỷ đồng.

Dù vậy, đáng kể nhất là phiên mua ròng với giá trị cực lớn, đến 28.548 tỷ đồng tại cổ phiếu Vinhomes (VHM), đây là một trong những thương vụ lớn nhất đã giúp dòng vốn ngoại chảy vào thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn ở mức ròng trong 6 tháng đầu năm, bất chấp hàng loạt quỹ ngoại đăng ký thoái vốn thời gian qua.

Như vậy, dòng tiền của khối ngoại thời gian qua chỉ tập trung rót vào một số rất ít cổ phiếu, trong khi bán ra hàng loạt blue chip khác trên sàn chứng khoán, hàm ý rủi ro chung của thị trường đã tăng nhưng vẫn có một số ít doanh nghiệp được đánh giá vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn tới.

Tập trung vào mục tiêu thâu tóm

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2018 còn có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, số liệu từ 2 cơ quan trên đều cho thấy dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường Việt Nam vẫn khá lạc quan.

Chi tiết hơn từ báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy có 390 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,4 tỷ USD và 2.359 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,7 tỷ USD. Diễn biến càng củng cố quan điểm dòng tiền khối ngoại đang ưu tiên và tập trung cho mục đích thâu tóm, hơn là để hợp tác phát triển.

Rõ ràng với 2,7 tỷ USD rót vào nhưng không làm tăng vốn điều lệ, thì có thể thấy không ít doanh nghiệp nội đã chọn giải pháp "bán mình" cho các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc các cổ đông lớn đã quyết định thoái vốn cho doanh nghiệp nước ngoài.

Với việc hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn, thì dòng vốn nước ngoài cũng bị thu hút ở những doanh nghiệp hiệu quả hoặc có tài sản cố định là bất động sản ở vị trí đắc địa. Ví dụ rõ nhất thời gian gần đây chính là việc Sabeco bán một lượng lớn cổ phần cho doanh nghiệp Thái Lan với kỳ vọng tăng năng lực cạnh tranh cũng như giải tỏa phần nào áp lực cho nguồn thu ngân sách.

Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đứng trước thách thức bị các doanh nghiệp nước ngoài "nuốt trọn". Và nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì nền kinh tế nói chung cũng như sản xuất nói riêng sẽ ngày càng phụ thuộc vào những nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, con số mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán có vẻ như vẫn thể hiện tích cực, nhưng nếu đi sâu vào danh mục đầu tư của nhóm này thì lại cho thấy nhiều điều cần phải quan tâm. Trong những phiên giao dịch nửa đầu tháng 7, khối ngoại vẫn bán ròng ở nhiều cổ phiếu lớn khác, với tổng giá trị bán ròng tính đến phiên cuối tuần qua (13/7) là hơn 1.390 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tai-chinh-chung-khoan/chung-khoan-viet-nam-dau-hieu-thau-tom-qua-duong-di-cua-dong-von-ngoai-1086765.html