Chứng khoán tuần: Vì sao thị trường vượt đỉnh trong lặng lẽ?

Tuần chính thức vượt đỉnh tháng 6 của VN-Index đã chứng kiến sự hào hứng hơn của dòng tiền khi thanh khoản bình quân tăng lên mức cao nhất kể từ đỉnh cũ. Điểm nhấn chính là sự gia tăng của giao dịch khối nhà đầu tư trong nước.

VN-Index kết thúc tuần vượt đỉnh chỉ với mức tăng 0,8% so với tuần trước, tương đương 7,32 điểm. Thị trường đang thể hiện sự vất vả trong nỗ lực vượt đỉnh, chứ không hẳn là một sự bùng nổ như sách vở.

Thực vậy, phiên VN-Index chính thức đóng cửa cao hơn đỉnh tháng 6 vừa qua là ngày 21/9 khi chỉ số này đạt 907,94 điểm. Đó là phiên đầu tuần, nhưng cả 4 phiên kế tiếp chỉ số chỉ tăng thêm có 0,33 điểm. Về lý thuyết sau khi vượt đỉnh thành công, thị trường thường được cho là sẽ bước vào sóng tăng mới và diễn ra sự bùng nổ về tốc độ cũng như giao dịch. Ngược lại, thị trường trồi sụt mỗi ngày, thậm chí hai ngày cuối tuần còn xuất hiện các diễn biến xả hàng trong phiên.

Lý do rõ nhất có thể lý giải hiện tượng này là VN-Index mới vượt đỉnh từ góc độ kỹ thuật chứ chưa thực sự được hỗ trợ bởi diễn biến tương tự ở cổ phiếu, nhất là các cổ phiếu dẫn dắt. VN-Index bản chất là tập hợp của một rổ cổ phiếu, với trọng số khác nhau giữ các mã dẫn tới tác động điểm số cũng khác nhau. Vì không có sự đồng thuận tăng giá trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt, nên chỉ số này tăng không hề có quán tính, thậm chí là trồi sụt bất ổn trong phiên tùy vào biến động của các mã lớn.

Lấy ví dụ với nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index bao gồm VCB, VIC, VHM, VNM, BID, GAS, SAB, CTG, TCB, HPG. Tuy VN-Index vượt đỉnh tháng 6 (hoặc đỉnh đầu tháng 9) nhưng VCB vẫn còn thấp hơn nhiều so với đỉnh tương ứng. VIC, VHM, BID, GAS, SAB cũng tương tự. Chỉ có VNM, CTG, TCB và HPG là vượt đỉnh.

Điều này dẫn đến hai khả năng: Thứ nhất là các cổ phiếu chưa vượt đỉnh được thì mặc nhiên nhà đầu tư vẫn coi đỉnh cao gần nhất là ngưỡng kháng cự và thường sẽ thực hiện bán ra ở khu vực giá đó. Thứ hai là các cổ phiếu bùng nổ vượt đỉnh thành công đang trong nhịp tăng mạnh, nguy cơ chốt lời sẽ tùy vào diễn biến cụ thể, nhưng khả năng bị chốt lời cũng không nhỏ như VNM trong 4 phiên cuối tuần qua. Hiện tượng đan xen giữa hai khả năng này khiến các cổ phiếu lớn tăng giảm phân hóa mà không có sự cộng hưởng: Hôm VNM tăng mạnh thì VIC, VHM giảm. Hôm GAS tăng thì VCB hay SAB giảm... Hệ quả thể hiện ra chỉ số VN-Index là sự ngập ngừng đi ngang và tốc độ tăng thấp.

Một lý do nữa là thị trường không có động lực thật sự ở mặt bằng chung: Không có thông tin hỗ trợ đủ tốt để tạo tâm lý hưng phấn rộng rãi. Trong khi đó thị trường quốc tế lại đang ở xu hướng điều chỉnh giảm. Việc thị trường Việt Nam đi ngược thế giới đã là điều bất ngờ, chứ chưa nói tới khả năng bùng nổ mạnh mẽ. Thị trường chỉ hấp dẫn ở cổ phiếu có câu chuyện riêng. Đáng tiếc là các cổ phiếu như vậy không nằm trong nhóm có thể vực chỉ số lên.

Trong 18 phiên của tháng 9, VN-Index tăng 3% thì 10 cổ phiếu blue-chips tăng tốt nhất là STB (+18,75%), SSI (+10,4%), HDB (+9,88%), REE (+9,49%), MBB (+9,19%), MWG (+7,6%), SBT (+5,92%), VNM (+5,54%), VRE (+5,19%), TCB (+5,16%). Có thể thấy duy nhất 2 mã nằm trong Top 10 vốn hóa là VNM và TCB. Đó là chưa kể SAB lại giảm trong thời gian này 2,35%, VHM giảm 1,78%, GAS giảm 1,35%. Đó là 3 mã thuộc Top 10.

Thanh khoản tuần qua là một điểm nhấn tích cực khi mức khớp lệnh bình quân đã đạt 6.484 tỷ đồng/phiên. Đây là mức giao dịch trung bình cao nhất kể từ tuần thứ hai của tháng 6 vừa qua, cũng là tuần mà VN-Index lần đầu tiên đạt đỉnh 900 điểm. Với mức thanh khoản cao gần tương đương, thị trường đã xác nhận có dòng tiền quay lại giao dịch ở mức cao. Khi áp lực chốt lời lớn xuất hiện, nếu không có dòng tiền mua đủ mạnh thì thị trường sẽ sụt giảm chứ không thể duy trì được trạng thái tăng hoặc đi ngang.

Dòng tiền lớn quay lại đến từ đâu? Trung bình tuần qua giao dịch khớp lệnh của riêng nhà đầu tư trong nước duy trì xấp xỉ 94% toàn thị trường, tỷ trọng cao nhất trong 4 tuần trở lại đây. Như vậy thanh khoản gia tăng hiện tại là do dòng tiền trong nước tăng. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng đối với cổ phiếu 3 sàn khoảng 121,6 tỷ đồng tuần qua, trong khi mua ròng các chứng chỉ quỹ ETF khoảng 144,5 tỷ đồng. Việc dịch chuyển giao dịch sang các quỹ ETF nội cũng sẽ khiến dòng vốn nước ngoài “mất dấu” mà thay vào đó là được ghi nhận từ giao dịch mua của các quỹ ETF nội.

Trọng Nghĩa

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-09-26/chung-khoan-tuan-vi-sao-thi-truong-vuot-dinh-trong-lang-le-92715.aspx