Chứng khoán tuần: Rủi ro ngắn hạn từ chứng khoán quốc tế

Mất 12,57 điểm tuần qua, tương đương 1,4% là mức giảm khá mạnh của VN-Index. 5 tuần tăng liên tiếp cũng có thể xem là một kỷ lục hiếm có của thị trường.

Việc thị trường phục hồi mạnh liên tục giúp rất nhiều cổ phiếu có lãi lớn. Trong khi VN-Index tăng mạnh tiệm cận đỉnh cũ ở mức 900 điểm thì thị trường quốc tế cũng đạt đỉnh và điều chỉnh mạnh, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ. Đó là sự trùng hợp bất lợi, mặc dù các thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam khá tích cực nhờ khả năng kiểm soát thành công làn sóng covid thứ hai.

Về mặt định giá, chứng khoán Việt Nam có thể rẻ hơn tương đối so với các thị trường khác nếu nhìn từ hệ số P/E (đạt đỉnh 903,97 điểm ngày 3/9, P/E tương đương 15 lần). Tuy vậy yếu tố ngắn hạn bị chi phối nhiều hơn do tâm lý cũng như mức độ kỳ vọng của các nhà đầu cơ. Mặt khác, thị trường trong nước vẫn chịu ảnh hưởng từ diễn biến của thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt tạo đỉnh ngày 2/9 và sụt giảm mạnh. Nếu so với đỉnh, VN-Index trong 7 phiên gần nhất cũng mới giảm 1,66% trong khi S&P 500 giảm 6,7%, DJIA giảm 4,93%, Nasdaq giảm 9,98%. Với mức giảm nhanh và khá sốc của các chỉ số này, nhà đầu tư trong nước không tránh khỏi dao động, thúc đẩy tâm lý bảo toàn lợi nhuận.

Chứng khoán quốc tế đột nhiên quay trở lại thành mối quan tâm hàng ngày của các nhà đầu tư trong nước. Điều này tạo nên rủi ro mới và có thể gây sức ép không nhỏ. Các chỉ số của thị trường Mỹ đã tăng rất mạnh trước đó và hoàn toàn có nguy cơ điều chỉnh sâu hơn nữa khi nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn – động lực của xu thế tăng trước đó – vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc bán tháo: Cổ phiếu Microsoft giảm gần 12% kể từ đỉnh, Google giảm hơn 11,9%, Facebook giảm 12,2%, Amazon giảm 11,7%, Netflix giảm 13,3%... Mặt khác, thị trường Mỹ có nhiều thông tin nhạy cảm hơn Việt Nam, mà gần nhất là nguy cơ không đạt được gói cứu trợ mới sau khi số liệu việc làm có cải thiện.

Chỉ số S&P 500 tăng mạnh hơn nhiều so với VN-Index (đường màu đen)
nên nguy cơ điều chỉnh mạnh rất dễ xảy ra.

Mặc dù mức tăng trước đó chậm hơn, yếu tố vĩ mô ổn định hơn nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang trong giai đoạn trống vắng thông tin hỗ trợ. Gần như tất cả các kỳ vọng – từ dịch bệnh tới hoạt động tái sản xuất – đều đã được phản ánh vào diễn biến thị trường tháng 8 (VN-Index tăng mạnh nhất thế giới). Cũng giống như giai đoạn đầu tháng 6, thị trường cần những yếu tố hỗ trợ mới hơn để nâng cao kỳ vọng hơn so với những gì đã biết. Kết quả kinh doanh quý 3 ít nhất phải đợi tới giữa tháng 10 mới bắt đầu xuất hiện.

Trong vài tuần tới khoảng trống thông tin trong nước sẽ dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư tìm kiếm các thông tin bên ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà các diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ lại được các nhà đầu tư theo sát mấy ngày qua. Đặc biệt biến động trên thị trường tương lai của chứng khoán Mỹ - diễn ra trong thời gian thị trường Việt Nam giao dịch – có tác động rất lớn. Những nhịp phục hồi hay sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch đều gắn liền với sự tăng giảm đáng kể trên thị trường tương lai này.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận các nhân tố bên ngoài chủ yếu tác động đến tâm lý ngắn hạn của nhà đầu tư, hơn là thay đổi các yếu tố cơ bản của thị trường chứng khoán. Sau một sóng tăng mạnh thị trường rất dễ điều chỉnh giảm, nhưng cũng là diễn biến ngắn hạn. Lấy ví dụ sóng tăng từ tháng 4 tới tháng 6 vừa qua VN-Index tăng hơn 36,5% so với đáy và chỉ điều chỉnh khoảng 12,7% so với đỉnh – ngưỡng điều chỉnh kỹ thuật khoảng 50%. Sóng tăng tháng 8 vừa qua VN-Index tăng 15,1% và ngưỡng điều chỉnh kỹ thuật 50% tương ứng chỉ số khoảng 840-842 điểm. Như vậy mức giảm khoảng 7% so với đỉnh cũng không phải là biến động quá lớn.

Điều căn bản là bối cảnh vĩ mô, xã hội hiện tại đã tích cực hơn đáng kể so với 2 quý giữa năm. Thông tin dịch bệnh không còn là những tin tức mà nhà đầu tư lo lắng hàng ngày nữa. Khả năng kiềm soát dịch bệnh tốt, có kinh nghiệm, cộng với triển vọng vắc-xin được áp dụng trong những tháng tới sẽ nâng đỡ kỳ vọng dài hạn cho năm 2021. Vì vậy các biến động giảm ngắn hạn thực tế lại là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn.

Trọng Nghĩa

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-09-12/chung-khoan-tuan-rui-ro-ngan-han-tu-chung-khoan-quoc-te-92178.aspx