Chứng khoán tuần: Mua khi vượt đỉnh, chiến lược hiệu quả hay cái bẫy?

VN-Index chính thức bùng nổ vượt đỉnh lịch sử ngày 1/4, cách đây đúng 11 phiên. Rất nhiều nhà đầu tư đã 'canh me' khoảnh khắc này để mua, vì về mặt kỹ thuật đó là tín hiệu rất tích cực.

Thế nhưng sau 11 phiên giao dịch, thị trường thay vì bùng nổ mạnh mẽ hơn thì VN-Index lại tăng kém, hai phiên cuối tuần qua còn giảm mạnh. Tính ra sau khi vượt đỉnh, chỉ số “bùng nổ” có 1,86%. Còn với cổ phiếu thì sao? Liệu chiến lược mua khi vượt đỉnh có thật sự đem lại hiệu quả?

Thống kê riêng trên sàn HSX, trong 11 phiên giao dịch, cổ phiếu tăng giá cũng khá nhiều. Tuy nhiên tính về chi phí thời gian, mức tăng dường như không đem lại hiệu quả rõ rệt.

Thực vậy, nếu lấy tiêu chí lợi nhuận tăng trưởng trung bình 0,1% một ngày trong suốt thời gian 11 phiên kể từ khi VN-Index vượt đỉnh, rất ít cổ phiếu đem lại lợi nhuận tương xứng. Nhóm VN30 có 12/30 mã; VNMidcap có 19/70 mã; VNSmallcap có 59/171 mã.

Các con số nói trên có thể khó cảm nhận, nhưng nếu tính theo xác suất, cơ hội để nhà đầu tư đạt được lợi nhuận là thấp. Cụ thể, nếu mua ở thời điểm đột phá và nắm giữ tại rổ VN30, nhà đầu tư chỉ có xác suất 40% là thắng được tối thiểu 0,1% mỗi phiên; với VNMidcap là 27,1%; VNSmallcap là 34,5%.

Đó là với mức lãi rất nhỏ (khoảng 1%) kể từ khi thị trường vượt đỉnh. Tốc độ tăng giá như vậy là không tương xứng với khái niệm bùng nổ vượt đỉnh lịch sử. Dĩ nhiên cũng có một số rất ít cổ phiếu tăng nhiều hơn, thậm chí khá xuất sắc như VIC, NVL, nhưng không thể đại diện cho xu hướng vượt đỉnh.

Thực tế là đà tăng tốt nhất trên thị trường chỉ diễn ra trong phiên vượt đỉnh và phiên kế tiếp sau đó. VN-Index trong 10 phiên vừa qua tăng có 0,22% và rất nhiều cổ phiếu hầu như không tăng hoặc giảm sau đó. Điều này nghĩa là việc mua chậm chỉ 1-2 phiên cũng khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh chôn vốn hoặc bị lỗ.

Diễn biến giá này khiến việc thị trường vượt đỉnh lại không hẳn là một cơ hội mua rõ ràng, mà giống như một cái bẫy tăng giá lớn. Thông thường bẫy tăng giá xuất hiện ở một thời điểm nhạy cảm – rất phổ biến là ở điểm kháng cự - khi thị trường tăng tạo ấn tượng về một chu kỳ mới bắt đầu, nhưng thực tế lại chỉ là biến động cực ngắn hạn 1-2 phiên.

Đã có những giả thuyết cho rằng, các nhà đầu tư lớn đẩy thị trường lên không phải nhằm mục đích tạo đột phá, mà chỉ để “lừa” số đông nhà đầu tư đang trông ngóng tín hiệu đó và đổ tiền vào mua. Đó lại là lúc họ tung hàng ra bán.

Thanh khoản gia tăng mạnh nhưng thị trường không tiến triển được rõ ràng.

Nếu nhìn theo thanh khoản, tuần qua thị trường chứng kiến mức giao dịch cực lớn. Điều này có được một phần là nhờ hệ thống giao dịch của HSX được tăng công suất. Tuy nnhiê, thời điểm tăng công suất trùng khớp với thời điểm thị trường bùng nổ vượt đỉnh lịch sử. Điều này càng khiến cho giả thuyết về một nhịp kéo vượt đỉnh và xả hàng càng có khả năng xảy ra.

Tính theo đơn vị tuần, tuần qua tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt ngưỡng 113.227 tỷ đồng, tương đương 22.645 tỷ đồng/phiên. Đây đều là con số kỷ lục. Nếu nhà đầu tư tin tưởng rằng việc thị trường vượt đỉnh lịch sử báo hiệu một chu kỳ tăng giá mới thì đáng lẽ phải giữ lại cổ phiếu thay vì bán ra.

Thực tế lại xuất hiện thanh khoản rất lớn, tức là phải có rất nhiều người bán, hoặc những nhà đầu tư lớn bán ra khối lượng khổng lồ. Không chỉ một phiên ngay sau khi bùng nổ, ngưỡng thanh khoản này duy trì suốt cả tuần.

Trong giao dịch, hiện tượng nói trên là một tín hiệu trái ngược. Trong nhiều trường hợp, số đông suy nghĩ không hẳn là hợp lý. Thậm chí một trong các chiến lược giao dịch nổi tiếng thế giới là đi ngược số đông nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chẳng hạn khi số đông nhà đầu tư nhỏ lẽ nghĩ rằng thị trường sẽ tăng, tổ chức hay các nhà đầu tư lớn lại bán ra. Chiến lược giao dịch này dựa trên giả định rằng, chỉ 5% số nhà đầu tư chiến thắng thị trường và các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường xuyên mắc sai lầm.

Một tín hiệu trái ngược nữa, là khi số đông nhà đầu tư nhỏ lẻ nghĩ rằng kết quả kinh doanh sẽ giúp giá cổ phiếu tăng, thì ngược lại, cổ phiếu vẫn giảm giá hoặc không tăng được. Đó là do các nhà đầu tư thông minh đã mua từ sớm và khi thông tin xuất hiện, lại là lúc chốt lời. Biến động giá phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu, nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn ít, luôn là đối tượng yếu thế trong giao dịch.

Trọng Nghĩa

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2021-04-17/chung-khoan-tuan-mua-khi-vuot-dinh-chien-luoc-hieu-qua-hay-cai-bay-102588.aspx